Đại biểu Quốc hội: Miễn thuế 2 năm là quá ngắn với doanh nghiệp khởi nghiệp
Tại phiên thảo luận về Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề xuất nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo thay vì quy định hiện hành.
![]() Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại nghị trường |
Ngày 16/05, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều đại biểu nhấn mạnh đây là bước đi quan trọng, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đặc biệt là trong các văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Tạ Văn Hạ đánh giá khu vực kinh tế tư nhân đang gặp nhiều điểm nghẽn, cần được tháo gỡ để phát triển. Ông cho rằng Nghị quyết 68 là cú hích lớn, khai thông nguồn lực nội tại cho nền kinh tế trong giai đoạn mới. "Nghị quyết này như một luồng gió thổi cánh diều kinh tế tư nhân bay xa", ông Hạ kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại khi một số quy định trong dự thảo nghị quyết "chưa đủ mạnh", còn lặp lại các nội dung đã có trong Hiến pháp và các luật hiện hành như nguyên tắc suy đoán vô tội, chưa tạo ra cơ chế riêng biệt cho khu vực tư nhân. Ông nhấn mạnh doanh nghiệp cần chính sách ổn định và nhất quán, tránh tình trạng chính sách thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp mới khởi nghiệp phải "quay về vạch xuất phát".
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, bà cảnh báo nếu thiếu cơ chế hậu kiểm mạnh và minh bạch, chính sách này có thể bị lợi dụng, gây thất thu ngân sách và méo mó cạnh tranh.
"Đã có nhiều trường hợp lập hàng trăm công ty không hoạt động thực tế để mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền", bà nêu rõ. Theo đại biểu, cần quy định cụ thể cơ chế hậu kiểm, tăng cường liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám sát và ban hành chế tài đủ sức răn đe. Đồng thời, phải xác định rõ ngành nghề buộc phải tiền kiểm, dựa trên mức độ rủi ro và kinh nghiệm quốc tế.
Về hỗ trợ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, đại biểu Nga cho rằng các chính sách trong dự thảo vẫn chung chung, thiếu cụ thể. Việc "cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, quản trị doanh nghiệp…" là cần thiết nhưng chưa rõ ràng, khó triển khai thống nhất. Bà đề nghị Chính phủ làm rõ danh mục dịch vụ được hỗ trợ miễn phí.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đánh giá hỗ trợ miễn, giảm thuế là chính sách tác động nhanh, phù hợp với doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa và nhỏ trong giai đoạn đầu. Bà đề xuất nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, tiếp tục giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo, thay vì miễn 2 năm và giảm 4 năm như dự thảo hiện tại.
Theo bà, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường cần thời gian đầu tư dài hạn, nhiều rủi ro và khó có lãi trong 5-7 năm đầu. Nếu chính sách thuế quá ngắn hạn sẽ không đủ hấp dẫn để nuôi dưỡng lực lượng doanh nghiệp tiên phong. Đồng thời, bà đề nghị kéo dài miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong doanh nghiệp khởi nghiệp để thu hút nhân tài.
"Không có chính sách đủ cạnh tranh, chúng ta sẽ mất cơ hội thu hút nhân lực chất lượng cao và bỏ lỡ cơ hội bứt phá về công nghệ trong tương lai", bà Vân nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định nghị quyết lần này mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới. Ông dẫn chứng kinh tế tư nhân hiện chiếm 51% GDP, đóng góp 33% thu ngân sách Nhà nước, vì vậy cần cơ chế đặc biệt để khu vực này thực sự trở thành động lực chính vào năm 2030.
Ông cho rằng với mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, cần giải pháp mạnh để chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích mở rộng quy mô doanh nghiệp hiện có.
Về tiếp cận đất đai, ông đề xuất địa phương có tiềm năng cần được giao cơ chế thành lập khu công nghiệp riêng cho doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ thuê lại với chính sách hỗ trợ cụ thể. "Muốn độc lập, tự chủ kinh tế thì khu vực tư nhân phải lớn mạnh", ông khẳng định.
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết các quy định trong dự thảo nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Ông nhấn mạnh định hướng chuyển mạnh sang hậu kiểm không làm suy giảm hiệu lực quản lý, đồng thời đảm bảo nguyên tắc vẫn có thể thanh tra, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Bộ trưởng cam kết tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết theo hướng thực tiễn, thống nhất với quy định hiện hành. Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết này vào sáng 17/05.
Tùng Phong