Dầu chứng kiến tuần giảm mạnh nhất trong 1 tháng
Giá dầu giảm hơn 1% vào ngày thứ Sáu (02/05) và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3/2025, khi nhà đầu tư trở nên thận trọng trước cuộc họp của OPEC+ để quyết định chính sách sản lượng của nhóm trong tháng 6.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/05, hợp đồng dầu WTI lùi 95 xu (tương đương 1.6%) xuống 58.29 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent mất 84 xu (tương đương 1.4%) còn 61.29 USD/thùng.
Cuộc họp của OPEC+ đã được chuyển lên ngày 03/05 từ kế hoạch ban đầu là ngày 05/05, mặc dù không rõ lý do vì sao cuộc họp lại được lên lịch lại.
Các thành viên của nhóm, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, đang cân nhắc xem có nên đẩy nhanh tăng sản lượng vào tháng 6 hay giữ nguyên mức tăng nhỏ hơn, 2 nguồn tin cho biết.
Dù thế nào đi nữa, nhà đầu tư dầu đã chuẩn bị cho việc tăng nguồn cung từ nhóm này, vào thời điểm mà nỗi lo suy thoái kinh tế do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra đã thúc đẩy các chuyên gia thị trường hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm nay.
Tuần này, Reuters đưa tin rằng các quan chức Ả-rập Xê-út, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC+, đã thông báo cho các đồng minh và chuyên gia trong ngành rằng họ không muốn hỗ trợ thị trường dầu bằng cách cắt giảm nguồn cung thêm nữa.
OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng hơn 5 triệu thùng/ngày.
Nhà đầu tư cũng thận trọng trước khả năng hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, sau khi Bắc Kinh vào ngày thứ Sáu cho biết họ đang đánh giá đề xuất từ Washington về việc tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mối đe doạ của ông Trump vào ngày 01/05 về việc áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với những người mua dầu của Iran cũng gíup giảm bớt một số áp lực lên giá dầu, vì nó có thể thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Mối đe doạ này được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán của Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của nước này bị hoãn lại, cũng có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran.
An Trần (Theo CNBC)