ĐBQH kiến nghị mở rộng đối tượng viên chức được tham gia quản lý doanh nghiệp
Các đại biểu Quốc hội kiến nghị dự thảo Luật Doanh nghiệp cần mở rộng đối tượng viên chức được phép tham gia điều hành doanh nghiệp, thay vì chỉ áp dụng cho khối đại học công lập như hiện nay, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57 và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên diện rộng.
![]() Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10 |
Chiều 10/05, thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông và Phú Yên, nhiều ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đồng thời đề xuất mở rộng hơn đối tượng viên chức được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu - chuyển giao công nghệ.
Các đại biểu đồng thuận với việc trình dự án Luật sửa đổi theo thủ tục rút gọn, đánh giá dự thảo đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề cập quy định mới về việc cung cấp thông tin chủ sở hữu hưởng lợi trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, ông đề nghị điều chỉnh lại cụm từ này thành "khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật".
"Vì ngoài việc phòng, chống rửa tiền, còn có những trường hợp khác như lừa đảo, hối lộ, tài trợ khủng bố… cũng cần được tiếp cận thông tin", ông Mai nêu rõ.
![]() Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông |
Về việc mở rộng đối tượng viên chức được tham gia quản lý doanh nghiệp, dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia thành lập hoặc điều hành doanh nghiệp do đơn vị thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây là bước thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tuy vậy, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc chỉ "cởi trói" cho khối đại học công lập là chưa đủ, bởi "thực tế còn nhiều viện nghiên cứu công lập, cơ sở giáo dục công lập khác có khả năng nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả". Ông đề nghị mở rộng thêm đối tượng để “biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cũng nhấn mạnh, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được tham gia thành lập doanh nghiệp. Bà lý giải, nghiên cứu - sáng tạo khoa học không phân biệt loại hình đào tạo, hơn nữa các cơ sở này đang trong quá trình thực hiện tự chủ nên rất cần một cơ chế linh hoạt để tạo nguồn thu từ hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
![]() Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình |
Với tinh thần đó, bà đề xuất dự thảo Luật cần sửa quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17, theo hướng: "Cán bộ, công chức, viên chức - trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập - được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu".
Ngoài ra, bà Dung lưu ý cần có điều kiện chặt chẽ: viên chức là người lao động phải có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị; nếu là người đứng đầu thì cần sự đồng ý của cấp quản lý trực tiếp.
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) góp ý về khái niệm "chủ sở hữu hưởng lợi" và "cá nhân có quyền chi phối doanh nghiệp". Theo bà, các tiêu chí cần được lượng hóa rõ, chẳng hạn: quyền quyết định tài chính, nhân sự chủ chốt hoặc chiến lược hoạt động. "Quy định minh bạch này rất quan trọng, giúp phòng, chống rửa tiền, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế", bà Xuân nhấn mạnh.
Về mặt pháp lý, bà cũng kiến nghị thống nhất sử dụng khái niệm "chấm dứt tồn tại" thay cho "chấm dứt hoạt động", nhằm tránh hiểu sai trong trường hợp doanh nghiệp - đặc biệt là FDI - ngừng hoạt động dự án nhưng vẫn còn tư cách pháp nhân.
Tùng Phong