Đội ngũ ông Trump hướng đến giảm hơn một nửa thuế quan Trung Quốc, có thể diễn ra trong tuần tới
Chính quyền Trump đang cân nhắc một đợt cắt giảm thuế quan đáng kể trong các cuộc đàm phán cuối tuần với Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng và làm dịu đi nỗi đau kinh tế mà cả hai bên đang bắt đầu cảm nhận.
![]() Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, bên phải, cùng với Tổng thống Donald Trump |
Kỳ vọng thuế quan xuống dưới 60%
Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 10/05, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hạ Lập Phong.
Phía Mỹ đã đặt mục tiêu giảm thuế quan xuống dưới mức 60% như một bước đi đầu tiên, và họ tin rằng Trung Quốc có thể sẽ có động thái tương ứng. Nếu hai ngày thảo luận đạt được tiến triển khả quan, việc giảm thuế thậm chí có thể được thực hiện ngay trong tuần tới.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết cuộc gặp này nhiều khả năng mang tính thăm dò và tập trung vào việc nêu lên những bất đồng hơn là tìm kiếm giải pháp cụ thể cho danh sách dài các vấn đề giữa hai bên. Tình hình vẫn đang diễn biến, do đó không có gì đảm bảo mức thuế quan sẽ giảm trong thời gian ngắn.
Ngoài vấn đề thuế quan, Mỹ còn đặc biệt quan tâm đến việc gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc - nguyên liệu thiết yếu để sản xuất nam châm trong nhiều ngành công nghiệp đang bị gián đoạn. Họ cũng sẽ bàn về vấn đề fentanyl, với khả năng sẽ có những cuộc đàm phán riêng trong tương lai gần về việc Trung Quốc giảm xuất khẩu các thành phần sản xuất loại thuốc phiện này.
Khi được liên hệ, cả Bộ Tài chính và văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đều từ chối bình luận.
Trong một tuyên bố chính thức, người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai đã khẳng định: "Mục tiêu duy nhất của chính quyền với các cuộc đàm phán này là thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Trump hướng tới quan hệ thương mại công bằng và có đi có lại. Bất kỳ thảo luận nào về mức thuế quan 'mục tiêu' đều là suy đoán vô căn cứ".
Thách thức lớn nhất đối với chính quyền Trump hiện nay là mức thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang đến mức chưa từng có, với thuế của Mỹ đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 145%. Ngay cả khi có sự hạ nhiệt đáng kể, tác động tiêu cực đối với người tiêu dùng Mỹ vẫn khó tránh khỏi, với những cảnh báo về giá cả tăng cao và tình trạng thiếu hàng trong mùa hè này.
Trong các phát biểu ngày 08/05, Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao đều tỏ ý muốn giảm thuế quan.
"Bạn không thể tăng cao hơn được nữa - hiện đang ở mức 145%, nên chúng ta biết nó sẽ giảm xuống", ông Trump nói. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một cuối tuần tốt đẹp với Trung Quốc."
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cũng chia sẻ với CNBC: "Giảm bớt căng thẳng, đưa những mức thuế đó xuống mức hợp lý, tôi nghĩ đó là mục tiêu của Scott Bessent. Tôi nghĩ đó cũng là mục tiêu của phái đoàn Trung Quốc. Và đó là những gì Tổng thống hy vọng: Một kết quả tốt, là một thế giới hạ nhiệt nơi chúng ta quay trở lại với nhau và sau đó cùng nhau làm việc trên một thỏa thuận lớn”.
![]() Phó Thủ tướng Trung Quốc Hạ Lập Phong |
Trong khi đó, phía Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn về mục tiêu của họ. Bắc Kinh vào ngày 08/05 đã nhắc lại lời kêu gọi chính quyền Trump hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương. Người phát ngôn Bộ Thương mại He Yadong tuyên bố Mỹ "cần thể hiện sự chân thành để đàm phán và sẵn sàng sửa chữa sai lầm của mình".
Song Hong, Phó Giám đốc Viện Kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một viện nghiên cứu hàng đầu của chính phủ ở Bắc Kinh, cho rằng nếu Mỹ chủ động hạ thuế quan, Trung Quốc sẽ có động thái tương ứng. "Mỹ sẽ phải chủ động giảm thuế quan đối với Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại được phát động từ phía họ", ông nhận định. "Nếu họ cắt giảm các mức thuế hiện tại xuống, chẳng hạn 60% hoặc thấp hơn, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ làm theo và hạ thuế đối với hàng hóa Mỹ, khá nhanh chóng”.
Tuy nhiên, ông Song Hong cũng lưu ý rằng khó có khả năng tất cả thuế quan sẽ bị xóa bỏ, đặc biệt khi Mỹ trong nhiều năm qua đã coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. "Trung Quốc không còn ảo tưởng rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ thay đổi", ông nhấn mạnh.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)