Dược quý 1: Các ông lớn hái quả ngọt

date
19/05/2025 10:02

Dược quý 1: Các ông lớn hái quả ngọt

Ngành dược phẩm quý 1/2025 có sự phân hóa. Nhiều doanh nghiệp lớn đón nhận kết quả tích cực nhờ liên tục tái cơ cấu sản phẩm và đẩy mạnh kinh doanh. Trong khi đó, vẫn có nhiều cái tên suy giảm mạnh vì những nguyên nhân khác nhau.

Năm 2024, ngành dược chứng kiến sự thay đổi về mặt chính sách, khi có nhiều quy định mới được thông qua. Trong đó có Luật Dược (sửa đổi) tạo sự ưu tiên thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình xin cấp mới, gia hạn đăng ký thuốc và nhập khẩu thuốc; Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) tạo triển vọng cho các kênh bệnh viện. Ngoài ra còn có Luật đấu thầu 2023 (có hiệu lực vào 1/1/2024) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược nội địa có dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn EU-GMP.

Với những thuận lợi về chính sách, các doanh nghiệp dược có sự thay đổi lớn trong cơ cấu kinh doanh - ưu tiên các sản phẩm tự sản xuất, và đang dần đem lại trái ngọt. Thống kê từ VietstockFinance, trong số 34 doanh nghiệp ngành dược công bố BCTC quý 1/2025, có tới 20 doanh nghiệp tăng lãi. Chỉ 11 đơn vị đi lùi, cùng 2 cái tên thua lỗ.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược trong quý 1/2025

Những doanh nghiệp tăng lợi nhuận đáng chú nhất đa phần là các ông lớn, nhờ việc tái cơ cấu sản phẩm.

Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) dù doanh thu lùi nhẹ nhưng vẫn có quý tăng trưởng tốt với lợi nhuận ròng đạt 266 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 20%. Doanh nghiệp cho biết, đã thu hẹp doanh thu từ các hàng hóa có biên lợi nhuận thấp, trong khi sản phẩm do Doanh nghiệp sản xuất với biên lợi nhuận cao hơn tăng thêm 8%.

Kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang

Tương tự, Dược Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD) lãi ròng 81 tỷ đồng, tăng trưởng 21%, nhờ việc thay đổi cơ cấu kinh doanh, đẩy mạnh các mặt hàng dược phẩm do Công ty sản xuất nên kéo doanh thu tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động marketing quý 1 mới đạt 5.9% kế hoạch năm, thời gian tới sẽ tăng cường hoạt động marketing, đầu tư phát triển sản phẩm mới để phục vụ chiến lược dài hạn, tạo lợi thế trong tương lai.

DBD tăng lãi nhờ tái cơ cấu danh mục sản phẩm

Imexpharm (HOSE: IMP) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng sau năm 2024 thành công - là năm thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục lợi nhuận. Trong quý 1, Doanh nghiệp tăng lãi 20%, đạt 74 tỷ đồng, cũng nhờ việc mở rộng thị trường và cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, đồng thời quản lý hiệu quả chi phí.

Imexpharm tiếp tục duy trì đà tăng trong quý 1/2025

Một cái tên đáng chú ý khác là FRT (FPT Retail). Trong quý 1, mảng dược phẩm với sự mở rộng của chuỗi Long Châu mang lại cho FRT gần 8.1 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 46% so với cùng kỳ, chiếm 69% doanh thu hợp nhất; EBITDA đạt 411 tỷ đồng, tăng trưởng 88%. Thông tin từ FRT, Doanh nghiệp mở mới thêm 435 nhà thuốc cùng 93 trung tâm tiêm chủng so với cùng kỳ. Hiện tại, FRT sở hữu hơn 2 ngàn nhà thuốc, trung bình doanh thu khoảng 1.3 tỷ đồng/nhà thuốc/tháng.

Dược Hà Tây (HNX: DHT) ghi nhận doanh thu giảm nhẹ nhưng lợi nhuận gộp tăng tới 15%, do giá vốn giảm mạnh hơn. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Doanh nghiệp đã tái cơ cấu danh mục về các sản phẩm cho biên lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, việc lợi nhuận quý 1 tăng mạnh 45%, đạt 21 tỷ đồng, một phần cũng nhờ có thêm khoản thu từ chuyển nhượng vốn tại công ty liên kết.

Dù vậy, có không ít đơn vị lớn giảm lãi. Traphaco (HOSE: TRA) báo lãi đi lùi 23%, còn 42 tỷ đồng, do giá vốn tăng cao hơn doanh thu. Dược Việt Nam (UPCoM: DVN) cũng giảm lãi 10%, còn 73 tỷ đồng, vì giá vốn bị đẩy lên cao. OPC thậm chí giảm doanh thu vì các sản phẩm lợi nhuận cao đi lùi, trong khi giá vốn vẫn tăng lên, dẫn đến lợi nhuận rơi 25%, còn 24 tỷ đồng.

Tập đoàn F.I.T (HOSE: FIT) rơi lợi nhuận tới 70%, chỉ còn 16 tỷ đồng, nhưng nguyên nhân chủ yếu vì doanh thu tài chính lùi sâu. Trái lại, doanh thu FIT tăng đáng kể, đạt 515 tỷ đồng (+26%); trong đó, thuốc và trang thiết bị y tế chiếm hơn 340 tỷ đồng, tăng gần 22%. Lãi gộp cũng tăng 35%, lên gần 127 tỷ đồng.

Nhóm thua lỗ trong quý 1 gọi tên MKPDP2. Trong đó, MKP từ lãi 14 tỷ đồng chuyển sang lỗ ròng 13 tỷ đồng do giảm doanh thu, trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng đáng kể. DP2 lỗ 3.4 tỷ đồng, nặng hơn khoản lỗ 1.4 tỷ đồng cùng kỳ, nguyên nhân do thị trường kinh doanh khó khăn dẫn đến giảm doanh thu và không còn khoản lợi nhuận khác như cùng kỳ.

Tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng

Mùa ĐHĐCĐ trôi qua, các doanh nghiệp dược lớn đã công bố kế hoạch 2025 với mục tiêu duy trì đà tăng trưởng, thậm chí là phá kỷ lục lợi nhuận như IMPDBD. Nhìn chung, các kế hoạch đều dựa trên nhận định về thị trường, cũng như triển vọng về ngành dược Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Theo Chứng khoán ABS, ngành dược sắp tới được kỳ vọng tăng trưởng ổn định. Giá trị thị trường từ năm 2015 đạt 3.4 tỷ USD đã tăng lên gần 7 tỷ USD vào năm 2023. Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8%, khả năng chi tiêu cho sức khoẻ của người dân dự báo sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về các vấn đề sức khỏe cũng đã tăng. Theo nghiên cứu của Roland Berger năm 2023, 78% người được hỏi sẵn sàng chi tiêu thêm cho các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phản ánh xu hướng tăng tiêu dùng trong ngành.

Ngoài ra, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với quy mô dân số hơn 100 triệu người. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 13.9% năm 2023 và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 25%. Năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Người cao tuổi thường có nhu cầu sử dụng dược phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao hơn, do ảnh hưởng của quá trình lão hóa và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Cuối cùng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như Luật Dược sửa đổi, Luật đấu thầu 2023, Luật Bảo hiểm y tế… thúc đẩy phát triển sản xuất dược nội địa, giảm phụ thuộc vào thuốc nhập và tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Châu An

FILI - 09:00:00 19/05/2025