Elon Musk cam kết với vai trò CEO Tesla và sẽ giảm chi tiền cho chính trị

date
21/05/2025 11:34

Elon Musk cam kết với vai trò CEO Tesla và sẽ giảm chi tiền cho chính trị

Trong một động thái có thể làm dịu các nhà đầu tư đang lo ngại về tương lai của "viên ngọc quý" trong đế chế kinh doanh của mình, Elon Musk đã công khai cam kết tiếp tục dẫn dắt Tesla trong ít nhất 5 năm tới. Đồng thời, tỷ phú này cũng bày tỏ ý định giảm đáng kể chi tiêu cho các hoạt động chính trị - lĩnh vực đã khiến ông vướng vào nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Elon Musk tại cuộc họp của nội các tại Nhà Trắng

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News, ông Musk không chỉ chia sẻ về kế hoạch lãnh đạo Tesla mà còn đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng, từ gói lương gây tranh cãi, doanh số Tesla đang sụt giảm, đến khả năng tách Starlink - dịch vụ internet vệ tinh của SpaceX - thành một doanh nghiệp độc lập. Ông cũng không ngần ngại tiếp tục chỉ trích những nhân vật quen thuộc, từ Bill Gates đến thẩm phán Delaware - người đã hai lần ra phán quyết bác bỏ gói thù lao khổng lồ của ông tại Tesla.

"Đây không phải là vấn đề tiền bạc", ông Musk - hiện sở hữu khối tài sản 375.5 tỷ USD và bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg - nhấn mạnh trong buổi tham dự từ xa Diễn đàn Kinh tế Qatar ở Doha hôm thứ Ba. "Đó là việc kiểm soát hợp lý đối với tương lai của công ty".

Ông Musk đã giữ vị trí CEO Tesla từ năm 2008, một trong những nhiệm kỳ dài nhất trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, sự gắn bó của ông với công ty đã bị đặt dưới sự giám sát kỹ lưỡng hơn khi Tesla vừa trải qua đợt sụt giảm doanh số bán hàng hàng năm đầu tiên trong hơn một thập kỷ, và tình hình còn tồi tệ hơn trong những tháng đầu năm nay.

Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu Tesla đã tăng 3.6% trước khi điều chỉnh giảm nhẹ.

Ở tuổi 53, Musk tỏ ra khá lạc quan khi nói về những thách thức mà Tesla đang phải đối mặt, khẳng định rằng công ty "đã xoay chuyển tình thế". Khi được hỏi về việc doanh số xe của Tesla tiếp tục giảm mạnh tại các thị trường xe điện lớn nhất châu Âu trong tháng 4, vị CEO thừa nhận châu Âu là điểm yếu của công ty, nhưng nhấn mạnh rằng Tesla vẫn đang hoạt động tốt ở các khu vực khác.

"Doanh số bán hàng của chúng tôi hiện đang rất khả quan", ông nói. "Chúng tôi không dự đoán bất kỳ sự thiếu hụt doanh số đáng kể nào".

Tổn hại về thương hiệu

Về những lo ngại rằng các hoạt động chính trị của ông đã gây tổn hại đến thương hiệu Tesla, ông thừa nhận rằng công ty có thể đã mất đi một số khách hàng thiên tả, nhưng đồng thời cũng thu hút được nhiều khách hàng thiên hữu hơn. Điều khiến ông bức xúc hơn cả là những cuộc biểu tình bạo lực nhắm vào các công ty của ông.

"Họ đang đứng sai bên của lịch sử, và đó là một điều xấu xa", Musk phẫn nộ khi đề cập đến những kẻ phá hoại xe Tesla và các phòng trưng bày. "Cần phải có biện pháp xử lý họ, và một số người trong bọn họ đang phải vào tù - họ xứng đáng với điều đó".

Một đại lý xe Tesla bị tạt sơn xanh sau vụ phá hoại của các nhà hoạt động ở Berlin vào ngày 31 tháng 3.

Có thể thấy, tỷ phú công nghệ này nhận được sự ủng hộ đáng kể từ chính quyền Trump. Tổng thống Donald Trump đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Musk và Tesla, thậm chí còn cho trưng bày xe Tesla ngay bên ngoài Nhà Trắng vào tháng 3. Cục Điều tra Liên bang (FBI) sau đó đã lập một đội đặc nhiệm để điều tra các vụ phá hoại và đốt phá tại các cửa hàng Tesla và trạm sạc, trong khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi đã công bố cáo buộc đối với những cá nhân bị tình nghi đốt tài sản của công ty bằng bom xăng Molotov.

Số phận của SpaceX

Về phía SpaceX, doanh nghiệp này dường như vẫn hoạt động ổn định trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Các chính phủ trên toàn cầu đang ngày càng cởi mở với Starlink - dịch vụ internet vệ tinh của công ty - kể từ khi người sáng lập của nó chi hơn một phần tư tỷ đô la để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Trump.

Khi được hỏi về khả năng đưa Starlink lên sàn chứng khoán, Musk cho biết mặc dù điều này có thể xảy ra trong tương lai, ông không vội vàng thực hiện. Vì mặc dù việc niêm yết có thể mang lại nguồn vốn lớn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với chi phí quản lý bổ sung và những vụ kiện "rất bực mình".

"Cần phải có biện pháp giải quyết vấn đề các vụ kiện phái sinh của cổ đông Mỹ", ông Musk cho biết.

Bình luận này phản ánh nhất quán quan điểm chỉ trích của Musk về vụ kiện cổ đông dẫn đến việc Thẩm phán Tòa án Chancery Delaware Kathaleen St. J. McCormick ra phán quyết vào tháng 1 năm ngoái, yêu cầu hủy bỏ gói lương của ông tại Tesla. Công ty đã kháng cáo lên tòa án tối cao của tiểu bang, và hội đồng quản trị gần đây đã thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét các vấn đề liên quan đến thù lao của ông Musk.

Ông Musk cũng đáp trả Bill Gates, người vừa chỉ trích ông tuần trước về vai trò trong việc chính quyền Trump cắt giảm hàng chục tỷ USD viện trợ mà Mỹ đã cung cấp cho các quốc gia đang phát triển. Đồng sáng lập Microsoft đã phát biểu với Financial Times: "Hình ảnh người đàn ông giàu nhất thế giới giết những đứa trẻ nghèo nhất thế giới không phải là một hình ảnh đẹp".

"Bill Gates nghĩ mình là ai mà dám đưa ra bình luận về phúc lợi của trẻ em?", Musk phản pháo. Khi được hỏi liệu ông đã kiểm chứng tuyên bố của Gates rằng việc cắt giảm USAID có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng, ông Musk thách thức: "Hãy cho chúng tôi thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh điều đó là đúng. Nó hoàn toàn sai".

Đối với câu hỏi về kế hoạch tài trợ cho các chiến dịch chính trị trong tương lai, đặc biệt là cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 sắp tới, Musk tuyên bố sẽ chi tiêu "ít hơn nhiều" cho các hoạt động chính trị.

"Tôi nghĩ mình đã làm đủ rồi", ông khẳng định. Khi được hỏi liệu quyết định này có phải do phản ứng tiêu cực từ công chúng hay không, ông Musk từ chối trả lời trực tiếp, chỉ nói: "Nếu tôi thấy lý do để chi tiêu cho chính trị trong tương lai, tôi sẽ làm điều đó. Hiện tại, tôi không thấy lý do nào".

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi - 10:32:42 21/05/2025