Fed giữ nguyên lãi suất, cảnh báo nguy cơ đình lạm vì thuế quan của ông Trump
Đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt trong lúc chờ đợi diễn biến từ các chính sách thương mại và hướng đi của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) giữ nguyên phạm vi lãi suất quỹ liên bang ở biên độ 4.25%-4.5%, mức này được giữ ổn định từ tháng 12/2024.
Diễn biến lãi suất quỹ liên bang của Fed ![]() |
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed ghi nhận những biến động hiện tại và tác động của chúng đến quá trình hoạch định chính sách.
"Tính không chắc chắn về triển vọng kinh tế đã tăng lên", trích từ tuyên bố. "Ủy ban chú ý đến các rủi ro đối với cả hai mặt của nhiệm vụ kép và đánh giá rằng rủi ro về tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và lạm phát cao hơn đã gia tăng".
Dù không đề cập trực tiếp đến các mức thuế quan trong tuyên bố chính thức, nhưng các câu hỏi về chủ đề này chắc chắn sẽ được đặt ra cho Chủ tịch Jerome Powell trong cuộc họp báo sau đó.
Chiến dịch áp thuế trên diện rộng của Tổng thống Donald Trump đã khiến việc cân bằng giữa hai yếu tố trong nhiệm vụ kép của Fed trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Các quan chức Fed lo ngại kịch bản thuế quan có thể đồng thời thúc đẩy lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế, tạo ra tình trạng đình lạm (stagflation) - một hiện tượng kinh tế chưa từng xuất hiện ở Mỹ kể từ đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách phần lớn đồng thuận rằng ngân hàng trung ương hiện đang ở vị thế thuận lợi để kiên nhẫn theo dõi và điều chỉnh chính sách tiền tệ, khi nền kinh tế vẫn đang duy trì được sự ổn định.
Cuộc họp của Fed diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang đàm phán với các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trong giai đoạn tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày (từ ngày 09/04). Đến nay, Tổng thống Trump vẫn duy trì mức thuế 10% trên toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ và đe dọa các mức thuế "đáp trả" riêng lẻ khác trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.
Phản ánh tác động từ thuế quan của ông Trump, GDP Mỹ đã giảm 0.3% trong quý đầu năm nay. Nguyên nhân chính đến từ việc người dân và Chính phủ đã chi tiêu ít hơn, cùng với việc doanh nghiệp đổ xô nhập khẩu hàng hóa trước khi thuế quan được áp dụng. Tuy vậy, giới phân tích tài chính Phố Wall vẫn lạc quan cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 2.
FOMC đã lưu ý trong tuyên bố rằng "những biến động trong xuất khẩu ròng đã ảnh hưởng đến dữ liệu GDP", nhưng vẫn giữ nhận định gần đây rằng nền kinh tế "tiếp tục mở rộng ở tốc độ vững chắc".
Thực tế, thị trường lao động vẫn mạnh bất chấp nỗ lực cắt giảm lượng lao động liên bang của chính quyền ông Trump. Số lượng việc làm phi nông nghiệp đã tăng 177,000 trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 4.2%, giúp Fed có thêm thời gian để quan sát trước khi hành động.
Lạm phát hiện đang giảm dần và tiến gần đến mức mục tiêu 2% của Fed, nhưng các mức thuế quan dự kiến sẽ dẫn đến ít nhất là một đợt tăng giá ngắn hạn. Trước đó, ông Trump đã nhiều lần thúc giục Fed cắt giảm lãi suất khi lạm phát đã hạ nhiệt. Thước đo ưa thích của ngân hàng trung ương cho thấy lạm phát tổng thể đang ở mức 2.3%, và chỉ số lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) ở mức 2.6%.
Tuy nhiên, cũng như mọi khía cạnh khác của nền kinh tế, mọi diễn biến đều phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra với các mức thuế quan.
Những dấu hiệu tiến triển gần đây trong các cuộc đàm phán, cùng với một số động thái mềm mỏng hơn từ phía chính quyền Trump, đã giúp đảo ngược đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán sau thông báo thuế đối ứng vào ngày 02/04. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát doanh nghiệp vẫn cho thấy mức độ lo lắng cao, với phần lớn các nhà quản lý báo cáo những lo ngại về nguồn cung và giá cả do tác động của thuế quan.
Hiện thị trường dự báo chỉ có xác suất 30% Fed giảm lãi suất vào tháng 6/2025 và xác suất cao hơn nhiều sẽ giảm vào tháng 7/2025. Các trader đang kỳ vọng tổng cộng 3 đợt cắt giảm trong năm nay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)