Gần 40 bộ ngành giải ngân vốn đầu tư thấp hơn mức trung bình

date
16/05/2025 21:48

Gần 40 bộ ngành giải ngân vốn đầu tư thấp hơn mức trung bình

Dù chi đầu tư phát triển đạt hơn 723,000 tỷ đồng nhưng nhiều bộ ngành chỉ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn trong nước, vốn nước ngoài chỉ đạt hơn 53%, khiến Quốc hội yêu cầu đánh giá lại toàn diện việc lập và thực hiện dự toán chi ngân sách.

Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước 2023

Chiều 16/05, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023

Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô giữ được ổn định. Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5.05%, thấp hơn mục tiêu đề ra (6.5%) nhưng vẫn là mức tăng khá trong khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát, quốc phòng - an ninh giữ vững, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm.

Tổng thu NSNN đạt 1.77 triệu tỷ đồng, vượt 150,032 tỷ đồng (tăng 9.3%) so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 927,511 tỷ đồng, vượt 7.4%; thu ngân sách địa phương đạt 843,265 tỷ đồng, vượt 11.4%. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17.2% GDP; riêng thu từ thuế, phí và lệ phí đạt 14% GDP.

Chi NSNN đạt 1.94 triệu tỷ đồng, giảm 139,332 tỷ đồng (tương đương 6.7%) so với dự toán. Bội chi NSNN theo quyết toán là 291,564 tỷ đồng, tương đương 2.83% GDP, thấp hơn nhiều so với dự toán (4.42% GDP), giảm 163,936 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc thu NSNN vượt dự toán đã góp phần bù đắp giảm thu do thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đồng thời bổ sung nguồn cải cách tiền lương, đầu tư phát triển hạ tầng, và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh cấp bách.

Công tác quản lý thu được đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Quản lý chi NSNN được siết chặt, tiết kiệm chi thường xuyên từ khâu dự toán, ưu tiên chi đầu tư phát triển. Việc vay, trả nợ công, bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ đều trong giới hạn cho phép, góp phần cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại như một số khoản thu, sắc thuế và thu NSNN tại địa phương chưa đạt dự toán. Việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư phát triển và các chương trình mục tiêu quốc gia nhiều nơi còn thấp. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2023

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định, vẫn còn tồn tại kéo dài trong lập, chấp hành và quyết toán NSNN chưa được xử lý dứt điểm. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tổ chức lại quy trình lập dự toán, phân bổ, thực hiện và giải ngân để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban trình Quốc hội phê duyệt bổ sung 16,655 tỷ đồng dự toán thu NSNN năm 2023 và thông qua toàn bộ quyết toán NSNN năm 2023 theo đề xuất.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi 16,073 tỷ đồng; xử lý khác 15,464 tỷ đồng và kiến nghị điều chỉnh 177 văn bản không phù hợp pháp luật hoặc thực tiễn.

Tổng Kiểm toán cho biết, tổng thu NSNN đạt hơn 1,77 triệu tỷ đồng, bằng 109,3% dự toán, nhưng thấp hơn 2.7% so với thực hiện năm 2022. Công tác thu còn tồn tại như chậm điều chỉnh giá thuê đất, xác định miễn tiền thuê đất sai đối tượng; sai sót trong kê khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Về chi NSNN, quyết toán đạt gần 1.937 triệu tỷ đồng, bằng 93.3% dự toán. Đối với chi đầu tư phát triển, quyết toán đạt 723,839 tỷ đồng (99.3% dự toán). Tuy nhiên, có 38 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình, trong đó nhiều đơn vị giải ngân vốn trong nước dưới 30%, vốn nước ngoài chỉ đạt 53.9% kế hoạch.

Một số địa phương chưa xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản, kéo dài kế hoạch vốn trái quy định. Về nguồn cải cách tiền lương, số dư lũy kế tăng nhanh, lên tới 536,394 tỷ đồng vào cuối năm 2023, nhưng do dự toán thu không sát, phần lớn khoản tăng thu lại chủ yếu dành cho cải cách tiền lương, khiến nhiều khoản chi cần thiết khác như đầu tư phát triển, khoa học công nghệ thiếu hụt nguồn lực.

Tùng Phong

FILI - 20:46:41 16/05/2025