Giá gạo tăng mạnh, lạm phát lõi của Nhật Bản lập đỉnh hơn 2 năm
Lạm phát lõi của Nhật Bản đã tăng tốc lên 3.5% trong tháng 4, theo dữ liệu chính phủ công bố vào ngày 23/05. Mức tăng này được thúc đẩy một phần bởi giá gạo tăng vọt, trong lúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang cân nhắc tạm dừng lập trường tăng lãi suất để đánh giá tác động của thuế quan Mỹ.
Con số lạm phát lõi - loại trừ giá thực phẩm tươi sống - cao hơn kỳ vọng 3.4% của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò. Mức này tăng từ 3.2% trong tháng trước và đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Lạm phát tổng thể cũng tăng 3.6% so với cùng kỳ năm ngoái, đi ngang so với tháng trước. Điều đáng chú ý là mức này đã duy trì trên mục tiêu 2% của BOJ trong hơn ba năm liên tiếp.
Cuộc khủng hoảng giá gạo
Một yếu tố đáng lo ngại trong bức tranh lạm phát là giá gạo đã tăng gấp đôi trong năm qua. Giá trung bình tại 1,000 siêu thị trên toàn quốc tiếp tục đạt mức cao kỷ lục. Tính đến ngày 11/05, giá cho túi gạo 5 kg đã tăng thêm 54 Yên so với tuần trước, lên 4,268 Yên (29.63 USD).
Tình hình nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Shigeru Ishiba đã cam kết giảm giá gạo xuống dưới 4,000 Yên (28 USD) cho mỗi túi 5 kg.
Masato Koike, nhà kinh tế tại Sompo Institute Plus, dự báo lạm phát lõi sẽ giảm trong những tháng tới. Nguyên nhân chính đến từ giá dầu thô thấp hơn và sự tăng giá của đồng Yên.
Koike cũng lý giải rằng như đã thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nguồn cung thực phẩm dư thừa do thuế quan Mỹ có thể dẫn đến giá thực phẩm thấp hơn. Việc Chính phủ khôi phục trợ cấp cho hóa đơn điện và khí đốt vào mùa hè cũng sẽ tạo áp lực giảm lên lạm phát.
Marcel Thieliant, Trưởng phòng châu Á-Thái Bình Dương tại Capital Economics, cho rằng việc lạm phát liên tục duy trì ở mức cao sẽ thuyết phục Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 10/2025.
Áp lực từ thuế quan Mỹ
Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với thuế quan cơ bản 10% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên hầu hết các đối tác thương mại. Ngoài ra, thuế quan "có đi có lại" 24% dự kiến có hiệu lực vào tháng 7, trừ khi nước này có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Ngoài ra, xứ sở mặt trời mọc còn là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế suất 25% của Trump đối với sản phẩm ô tô, thép và nhôm.
Cuộc đàm phán song phương hiện đang trong tình trạng bế tắc. Các quan chức cấp cao Nhật Bản đã yêu cầu Washington gỡ bỏ tất cả thuế quan đối với Tokyo, đồng thời nhấn mạnh rằng nước này sẽ không vội vàng vào bất kỳ thỏa thuận nào có thể đặt lợi ích quốc gia vào tình thế rủi ro.
Vũ Hạo (Theo CNBC)