Giữa thương chiến, hành động tiếp theo của Mỹ sẽ ảnh hưởng gì đến thị trường tài chính?
Lịch sử đã chứng minh, không một cường quốc nào có thể duy trì vị thế độc tôn quyền lực mãi mãi. Thường chu kỳ chỉ kéo dài khoảng 250 năm. Có thể đơn cử như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan,… Tuy vậy, rất ít khi sự thoái trào của các cường quốc diễn ra một cách êm đẹp mà thường đi kèm một xung đột lớn với những thế lực đang vươn lên mạnh mẽ, thách thức vị thế độc tôn của các cường quốc. Kết quả sau mỗi lần xung đột, thế giới lại đi tới một trật tự mới.
Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ thể hiện như là một cường quốc đang trên đà thoái trào và bị thách thức bởi sự vươn lên của Trung Quốc. Bởi vậy, không sớm thì muộn, đấu tranh giữa bên là một cường quốc đang thống trị là Mỹ và một cường quốc đang trên đà vươn lên là Trung Quốc cũng phải xảy ra. Hình thái của xung đột không nhất thiết là chiến tranh trên thực địa bằng vũ khí nóng mà có thể qua chiến tranh thương mại (như đang diễn ra hiện nay), chiến tranh công nghệ hoặc chiến tranh ủy quyền.
Từ những năm 1970, kinh tế Trung Quốc vươn mình đã giúp cho nước này tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Các ngành sản xuất vật chất quan trọng trong cả đời sống người dân và quốc phòng đều do Trung Quốc nắm giữ. Khi mọi thứ đều diễn ra êm đẹp trong hòa bình, các nước và người dân đều hưởng lợi. Tuy vậy, với những diễn biến như hiện nay, nếu một xung đột vũ trang xảy ra với Mỹ, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu và những nguyên liệu đầu vào quan trọng trong quốc phòng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Mỹ càng không thể ngồi yên để điều này diễn ra và cần phải sớm kéo sản xuất, đặc biệt là những ngành hàng có ý nghĩa quan trọng về với nước Mỹ hay chí ít là về với nước thân Mỹ.
Thêm vào đó, thuế quan của Trung Quốc áp lên hàng hóa của Mỹ thiếu sự công bằng, ít nhất theo góc nhìn của Chính phủ Donald Trump. Theo nguyên tắc tối huệ quốc MFN của tổ chức WTO, nếu Trung Quốc áp thuế 10% lên ô tô nhập khẩu từ Mỹ thì cũng phải áp mức tương tự lên ô tô từ các thị trường khác. Tuy vậy, suốt thời gian dài, Trung Quốc và nhiều nước khác vi phạm nguyên tắc này. Chỉ ở phía Mỹ vẫn đảm bảo và duy trì một mức thuế trung bình chỉ khoảng 2.5%. Mức thuế thấp giúp cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận dễ dàng tới thị trường Mỹ. Từ đó làm người dân Trung Quốc tích lũy được một khối tài sản khổng lồ, tạo nguồn vốn tư bản quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng và chiếm hữu các tài sản tại Mỹ, Canada, Anh,… Trong năm 2023, người gốc Hoa chi khoảng 14 tỷ USD mua bất động sản tại Mỹ, chiếm khoảng 13% giao dịch. Cứ 8 thương vụ mua nhà đất của người nước ngoài thì có 1 vụ là người Trung Quốc. Tài sản của Mỹ đang dần vào tay đối thủ.
Dòng chảy lịch sử và những điều đang diễn ra như hiện nay đang buộc Mỹ phải làm những điều họ đang làm.
Vì vậy, mục tiêu trong chiến tranh thương mại mà Mỹ đang thực hiện hướng tới 2 mục đích. (i) Đảm bảo công bằng trong thuế quan giữa Mỹ với các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, ít nhất là công bằng theo cách mà Mỹ định nghĩa. Đồng thời, mức thuế đặc biệt cao với Trung Quốc kỳ vọng làm cho nền kinh tế nước này dần dần đi vào suy thoái, hạn chế sức ảnh hưởng về mặt kinh tế với phần còn lại của thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc hoạt động ít hiệu quả hơn sẽ giúp Mỹ tiếp tục duy trì vị thế độc tôn của mình trên trường quốc tế. (ii) Kéo sản xuất về Mỹ.
Những bước đi tiếp theo của Mỹ
Điều đáng lo ngại hơn, các hành động về mặt thuế quan mà Mỹ đang triển khai có thể chỉ là những bước khởi đầu, tập trung vào các vấn đề về mặt thương mại, thị trường tài chính, đầu tư… sẽ xảy ra những biến động mạnh. Những hành động tiếp theo có thể là:
Thứ nhất, sau chiến tranh thương mại, một trong những bước đi chiến lược mà Mỹ triển khai là giới hạn dòng vốn từ các tổ chức tài chính Mỹ chảy vào Trung Quốc và Hong Kong. Các cơ quan Mỹ, như Bộ Tài chính và Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS), đã gia tăng kiểm soát đối với các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội hoặc Nhà nước Trung Quốc.
Một số danh mục đầu tư lớn như các quỹ hưu trí liên bang (TSP) đã bị cấm hoặc khuyến cáo không đầu tư vào các chỉ số chứng khoán có cổ phiếu Trung Quốc. Mục tiêu là làm chậm lại dòng vốn vào các ngành công nghiệp trọng yếu của Trung Quốc như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, viễn thông. Đối với Hong Kong – từng được xem là cửa ngõ tài chính kết nối Trung Quốc với thế giới – Mỹ đã rút quy chế đặc biệt, khiến các ưu đãi thương mại và đầu tư bị xóa bỏ.
Ngoài ra, các ngân hàng và nhà đầu tư Mỹ được cảnh báo về rủi ro chính trị, kiểm soát vốn và thiếu minh bạch pháp lý tại Hong Kong, làm giảm lòng tin vào trung tâm tài chính này. Hạn chế này cũng khiến các quỹ ETF và các quỹ đầu tư quốc tế bắt đầu điều chỉnh lại danh mục để giảm tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc.
Mỹ còn đề xuất các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn kiểm toán, nếu không sẽ bị hủy niêm yết. Điều này làm tăng chi phí niêm yết và giảm khả năng huy động vốn của các công ty Trung Quốc. Đây là động thái nhằm cảnh báo các công ty công nghệ lớn như Alibaba, Tencent, và Baidu rằng việc tiếp cận thị trường vốn Mỹ sẽ không còn dễ dàng như trước. Mỹ không đơn thuần nhắm vào Trung Quốc, mà còn vào các thực thể tài chính trung gian ở Hong Kong – nơi thường được dùng để hợp pháp hóa các luồng vốn ra quốc tế. Bằng việc siết dòng vốn, Mỹ hy vọng sẽ làm giảm khả năng đầu tư chiến lược ra nước ngoài của Trung Quốc, vốn đang mở rộng mạnh mẽ qua các dự án như “Vành đai – Con đường”. Ngoài tác động tài chính, nó còn mang hiệu ứng tâm lý làm giảm sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc trong mắt nhà đầu tư toàn cầu.
Thứ hai, cấm mua bán trái phiếu Chính phủ Trung Quốc. Trái phiếu Chính phủ là công cụ tài chính giúp Trung Quốc duy trì tính thanh khoản, tài trợ cho chi tiêu công và ổn định tỷ giá nhân dân tệ. Khi nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ, mua vào trái phiếu Chính phủ Trung Quốc, điều đó không chỉ tăng nguồn vốn mà còn tạo ra sự hợp pháp hóa quốc tế cho hệ thống tài chính Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và nâng cấp thị trường trái phiếu nội địa, sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ mang ý nghĩa chiến lược. Việc Mỹ ngăn cản các quỹ đầu tư lớn – đặc biệt là các quỹ ETF hoặc các quỹ theo chỉ số trái phiếu như Bloomberg Barclays hoặc JPMorgan EM Bond Index – đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc sẽ làm giảm dòng vốn chảy vào Trung Quốc. Đồng thời, việc cấm hoặc giới hạn này còn làm tăng chi phí vay nợ của Chính phủ Trung Quốc trên thị trường quốc tế, gây áp lực lên ngân sách.
Trái phiếu Chính phủ thường là nền tảng cho vai trò dự trữ của một đồng tiền – nếu niềm tin với trái phiếu Trung Quốc bị lung lay, khả năng trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu sẽ suy yếu. Bên cạnh đó, nếu Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp lên các tổ chức tài chính quốc tế mua trái phiếu Trung Quốc, tác động lan tỏa sẽ còn mạnh hơn.
Nhìn chung, mục tiêu là làm giảm khả năng tài chính của Trung Quốc trong việc tài trợ cho các chương trình quốc gia chiến lược, đồng thời làm chậm lại quá trình quốc tế hóa đồng tiền và thị trường vốn của Trung Quốc. Việc sử dụng chính sách trái phiếu như một công cụ địa chính trị đã từng được áp dụng trong chiến tranh lạnh, và giờ đang quay trở lại trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung hiện đại.
Chu Tuấn Phong