Góc nhìn tuần 26-30/05: Khó tăng tiếp?
Dù thị trường đã có tuần thứ 3 tăng điểm liên tiếp, nhưng đà tăng đang chững lại khi VN-Index đối mặt vùng kháng cự mạnh quanh 1,330 điểm. Dòng tiền có dấu hiệu phân hóa và thận trọng, khiến khả năng chỉ số tiếp tục đi ngang hoặc điều chỉnh trong tuần tới là kịch bản được nhiều công ty chứng khoán (CTCK) dự báo.
Vẫn sẽ đi ngang?
CTCK VPBank (VPBankS): Thị trường tăng nhẹ trở lại và khép lại tuần với đà tăng điểm sang tuần thứ ba liên tiếp. Các nhóm cổ phiếu lớn đang chịu tác động mạnh nhất khi dòng tiền đang chuyển hướng về một số nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận. Do đó có thể chỉ số VN-Index có thể đi ngang nhưng cơ hội vẫn có thể đến từ một số nhóm cổ phiếu riêng lẻ. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang kiểm nghiệm lại đường hỗ trợ ngắn MA10 ngày trong khi vẫn gặp khó ở khu vực đỉnh năm nay ở 1,340 điểm. Nhà đầu tư có thể quan sát thêm phản ứng của dòng tiền để hành động trong các phiên tới.
Có thể giảm về 1,300
CTCK Thiên Việt (TVS): Trên đồ thị ngày, VN-Index hình thành nến Doji thân ngắn thể hiện sự cân bằng giữa cung và cầu trong ngắn hạn. Vận động rung lắc, tích lũy của thị trường tương tự với nhận định gần nhất của TVS. Trạng thái này có thể tiếp diễn với vùng hỗ trợ gần 1,300. CTCK duy trì khuyến nghị nắm giữ với nhóm Ngân hàng nhờ lợi thế về giá vốn thấp. Phân hóa đang là diễn biến chính trong ngày hôm nay của nhóm Ngân hàng, trong đó các cổ phiếu ACB, STB, EIB đóng cửa với sắc xanh
Đà tăng suy yếu
CTCK Vietcombank (VCBS): Ở khung 1D, VN Index tạo cây nến xanh doji với khối lượng giao dịch thấp, xuống dưới ngưỡng trung bình 20 ngày, cho thấy trạng thái lưỡng lự của 2 bên mua - bán. Chỉ báo ADX < 25 và MACD có xu hướng tạo đỉnh đầu tiên, tiếp tục thể hiện sự suy yếu của đà tăng trong ngắn hạn.
Dòng tiền trên thị trường có xu hướng luân chuyển phân hóa sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là các cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng nổi bật trong mỗi ngành. Đồng thời, nhóm cố phiếu vốn hóa lớn đều đã trải qua nhịp tăng mạnh trong thời gian qua và ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt khi đi vào các vùng kháng cự mạnh hoặc gặp áp lực chốt lời lớn. Vì vậy, chỉ số chung có thể sẽ tiếp tục có các nhịp rung lắc đan xen trong tuần tới trước khi bứt phá quay trở lại chinh phục vùng 1,330 điểm. Vì vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời với các cổ phiếu đã đạt biên lợi nhuận tốt trong danh mục, chuẩn bị sức mua để tìm kiếm cơ hội giải ngân các cổ phiếu mục tiêu nếu xuất hiện những nhịp điều chỉnh trong tuần giao dịch tới.
Ngắn hạn vẫn điều chỉnh
CTCK Tiên Phong (TPS): Chỉ số VN-Index duy trì giao dịch ở vùng kháng cự từ 1,313 đến 1,354 điểm. Thanh khoản suy giảm rõ rệt cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng hơn. TPS cho rằng thị trường vẫn có khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn vì các chỉ báo động lượng đã ở vùng quá mua. Trong trường hợp xuất hiện đợt điều chỉnh, hệ thống đường MA bên dưới sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực (điều chỉnh lành mạnh), do đó nhìn chung thị trường sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định trong trung vài hạn.
Xác suất cao sẽ đi ngang
CTCK Asean (Aseansc): Trong tuần qua, thị trường tiếp đà hồi phục với cây nến xanh thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên áp lực bán dần xuất hiện với phần bóng nến trên dài, là một điều cần đáng lưu ý. Đồng thời, các chỉ báo xu hướng như EMA đang có dấu hiệu tích cực, với chỉ số đang nằm trên các đường EMA 20 và EMA 50. Tuy nhiên các chỉ báo động lượng như RSI đang có những tín hiệu tiến đến vùng quá mua. Dựa trên các yếu tố này, CTCK đề xuất hai kịch bản sau:
Kịch bản tích cực (xác suất 30%): Thị trường có thể tiếp đà phục hồi vượt qua mốc kháng cự quan trọng 1,340 điểm. Kịch bản trung lập (xác suất 70%): Áp lực bán dần gia tăng khi chỉ số tiến sát vùng kháng cự 1,340 khiến chỉ số dao động đi ngang quanh vùng 1,300-1,340.
Chỉnh về vùng 1,300?
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng trên hỗ trợ gần nhất 1,300 điểm. Áp lực bán đã gia tăng mạnh hơn khi VN-Index gặp vùng đỉnh cũ, giá cao nhất tháng 3/2025. Diễn biến này đã được cập nhật trong các báo cáo trước, với áp lực điều chỉnh ở các nhóm mã khác vẫn đang tương đối bình thường và nhiều mã vẫn luân phiên phục hồi, tích lũy tốt. Trong phiên cuối tuần thanh khoản giảm khá mạnh với áp lực cung vùng giá cao gia tăng, lực cầu giá lên giảm khá mạnh. Cho thấy tâm lý trở nên thận trọng hơn khi VN-Index đã có giai đoạn tăng giá tốt dưới ảnh hưởng của VN30 và nhóm cổ phiếu Vingroup. Ngắn hạn VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1,300 điểm.
Cẩn trọng
CTCK BIDV (BSC): Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tạo nền quanh ngưỡng 1,315. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng vì đây là vùng kháng cự cứng trước khi đà bán tháo xảy ra trên diện rộng.
Cần vượt 1,330 điểm để xác định xu hướng tăng kéo dài
CTCK Ngân hàng số Vikki (VikkiBankS): Về kỹ thuật, VN-Index vẫn đang dao động quanh vùng 1,315 điểm sau khi không thể vượt qua mốc kháng cự 1,330 điểm trong phiên trước. Biên độ dao động hẹp kèm thanh khoản sụt giảm cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn tích lũy trở lại. Vùng 1,300 điểm tiếp tục đóng vai trò là hỗ trợ ngắn hạn, trong khi 1,325-1,330 là vùng cản cần vượt qua để xác nhận xu hướng tăng được nối dài. Nhà đầu tư nên duy trì danh mục ở trạng thái cân bằng, quan tâm nhóm ngân hàng, bất động sản, công nghiệp và công nghệ. Trong ngắn hạn, nên tránh mua đuổi khi thị trường chưa xác lập xu hướng rõ ràng.
Chưa quá tiêu cực
CTCK Phú Hưng (PHS): VN-Index đóng cửa với nến Doji kèm thanh khoản khá thấp cho thấy giao dịch cân bằng. Xu hướng có lẽ đã hạ nhiệt nhưng chưa quá tiêu cực mà chỉ thể hiện tâm lý giằng co chốt lời trên vùng giá cao. Mức lan tỏa kém là yếu tố cần lưu ý giai đoạn hiện tại. Nếu các phiên tới vận động có dấu hiệu thoái lui thấp hơn ngưỡng 1,295 điểm, thị trường sẽ xác nhận bước vào giai đoạn điều chỉnh và tìm về khu vực hỗ trợ bên dưới quanh mức 1,260 - 1,270 điểm. Trường hợp vận động vẫn được củng cố trên mốc 1,300 có thể kỳ vọng việc tái tích lũy thêm trước khi bứt phá đỉnh cũ 1,340 điểm.
Tử Kính