Legamex - biểu tượng dệt may Sài Gòn phải ngưng sản xuất để cắt lỗ
Từng là đơn vị may mặc hàng đầu Việt Nam, Legamex đang lún sâu vào vòng xoáy tài chính với lỗ lũy kế vượt 166 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất gia công - mảng cốt lõi và điều chỉnh kế hoạch sử dụng tiền tăng vốn để trả nợ tài chính.
![]() Công nhân Legamex sản xuất gia công túi vải - Ảnh minh họa |
CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex, UPCoM: LGM) vừa quyết định tạm ngừng hoạt động sản xuất gia công từ tháng 5/2025 nhằm giảm lỗ và giảm áp lực tài chính trong thời gian tới. Đây là lĩnh vực kinh doanh chính và là nguồn thu chủ yếu của Công ty. Việc dừng sản xuất sẽ kéo dài đến khi thị trường dệt may phục hồi và Legamex đủ nguồn lực để vận hành trở lại.
Sau cú sốc đứt đơn hàng gia công tủ vải từ cuối tháng 9/2022 (hệ quả từ vụ kiện giữa Gilimex và Amazon), Legamex chuyển hướng sang gia công hàng may mặc thời trang từ cuối năm 2023. Do thiếu nguồn lực, Công ty chỉ gia công cho các đối tác trong nước, không đủ điều kiện để triển khai đơn hàng xuất khẩu.
Tại cuối năm 2024, Legamex còn 202 lao động, giảm mạnh so với mức 270 đầu năm. Khó khăn về lương thưởng, phúc lợi khiến việc giữ chân và tuyển mới lao động đều không đạt kế hoạch. Trang thiết bị sản xuất đa phần đã hơn 10 năm tuổi, không có khả năng đầu tư mới, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Song song đó, ĐHĐCĐ 2025 của LGM cũng thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới như kho bãi, lưu giữ hàng hóa, bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh để mở rộng dư địa kinh doanh trong bối cảnh khó khăn.
Lỗ lũy kế vượt 166 tỷ, vốn chủ âm 79 tỷ
Legamex đã lỗ 6 năm liên tiếp, đỉnh điểm lỗ kỷ lục gần 63 tỷ đồng năm 2023, tiếp tục lỗ hơn 33 tỷ đồng vào năm 2024, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 166 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm gần 79 tỷ đồng. Công ty cho biết mức lỗ năm 2024 giảm do tiết giảm chi phí, thanh lý tài sản và không còn trích lập nợ khó đòi như năm trước.
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2018-2024 của LGM | ||
Nợ phải trả của Công ty cuối năm 2024 tăng lên gần 158 tỷ đồng, dư nợ vay tài chính đạt 88.8 tỷ đồng, gấp 4.8 lần đầu năm. Đáng chú ý, khoản vay từ ông Đinh Văn Chiến tăng mạnh từ 6 tỷ đồng lên 41 tỷ đồng; phát sinh thêm 2 khoản vay mới từ ông Nguyễn Thành Quốc (30.3 tỷ đồng) và bà Nguyễn Ngọc Minh Thư (17.5 tỷ đồng).
Trong bối cảnh trên, Legamex vừa hoàn tất chào bán riêng lẻ 4.44 triệu cp với giá 15,000 đồng/cp, thu về 66.6 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 118.4 tỷ đồng. Hầu hết lượng cổ phần này được mua bởi công ty mẹ - Công ty TNHH Dệt may và Thương mại Hà Nam, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 79%.
Ban đầu, số tiền huy động dự kiến phân bổ cho tiền thuê đất, lãi phạt và bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, kế hoạch đã được điều chỉnh: toàn bộ 66.6 tỷ đồng được dùng để thanh toán các khoản nợ vay tài chính. Cụ thể, Công ty giữ nguyên khoản 18.5 tỷ đồng thanh toán nợ vay cũ, phần còn lại 48.1 tỷ đồng được phân bổ cho các khoản vay mới phát sinh trong năm 2024.
Các khoản vay này có lãi suất từ 6.2-8%/năm, kỳ hạn ngắn 2-6 tháng, phục vụ bổ sung vốn lưu động, trong đó có cả chi phí thuê đất. Legamex lý giải trong thời gian chờ hoàn tất đợt phát hành, các khoản nợ phát sinh liên tục và đến hạn phải thanh toán nên cần ưu tiên xử lý ngay các nghĩa vụ cấp bách.
Xáo trộn thượng tầng, cổ đông cũ rút sạch vốn
Về nhân sự, trước thềm ĐHĐCĐ 2025, ông Lê Hồng Chiến - Tổng Giám đốc LGM đã nộp đơn từ nhiệm từ ngày 11/03 với lý do cá nhân. Tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 4, ông Chiến cũng được miễn nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT, và cổ đông đã bầu bổ sung ông Huỳnh Tăng Phúc Hậu vào HĐQT. Trước đó, ông Hậu được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay ông Chiến.
Ngoài ra, đầu tháng 4, vị trí Kế toán trưởng cũng có sự thay đổi khi bà Nguyễn Thị Lan Trà từ nhiệm và ông Võ Phú Hưng - nguyên Trưởng phòng Hành chính Nhân sự - được bổ nhiệm thay thế với thời hạn 1 năm.
Việc ông Chiến rời ghế CEO cũng khép lại hoàn toàn dấu ấn của CTCP Dệt may Gia Định (Giditex) tại Legamex. Ông Chiến là CEO của Giditex - tổ chức từng nắm giữ tới 51% vốn LGM khi doanh nghiệp cổ phần hóa. Tuy nhiên, từ giữa năm 2023, Giditex liên tục thoái vốn và chính thức rút sạch sở hữu tại LGM vào đầu năm 2024. Ngay sau đó, toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có cựu Chủ tịch Lê Xuân Khanh, đã nộp đơn từ nhiệm.
Cùng thời điểm thay đổi thượng tầng, LGM chứng kiến biến động cổ đông mạnh mẽ. Giữa tháng 5/2024, nhóm cổ đông lớn gồm 5 cá nhân nắm tổng cộng 72.67% vốn đã thoái sạch cổ phần tại Công ty. Toàn bộ lượng cổ phiếu này được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Dệt may và Thương mại Hà Nam - pháp nhân mới thành lập ngày 25/03/2024, chỉ 1 tháng trước ĐHĐCĐ thường niên.
Công ty Hà Nam có trụ sở tại quận 3, TPHCM, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý, vốn điều lệ 90 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là cấu trúc sở hữu của pháp nhân này có liên quan trực tiếp đến các cổ đông cũ tại LGM.
Cụ thể, ông Đỗ Văn Huy - một trong những cá nhân thoái vốn tại LGM - nắm 80% vốn Công ty Hà Nam, trong khi bà Bùi Thị Thủy Chung - cũng là cổ đông lớn bán vốn - sở hữu 20% còn lại. Đây được xem là bước chuyển từ sở hữu cá nhân sang tổ chức liên quan.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LGM hiện đang trong diện cảnh báo và hạn chế giao dịch. Tính đến phiên 16/05, thị giá LGM dừng ở mức 12,200 đồng/cp, tăng hơn 23% trong 1 tháng, nhưng vẫn giảm 18% qua 1 quý, với thanh khoản rất thấp, bình quân chỉ 190 cp/ngày.
Diễn biến giá cổ phiếu LGM trong 1 năm trở lại đây | ||
Thế Mạnh