Liệu cơ chế hiện hành có đủ sức giữ chân nhân tài công nghệ?
Việt Nam cần ít nhất 2.5 triệu lao động công nghệ trong giai đoạn tới, nhưng hiện mới có 1.2 triệu người. Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa đặt câu hỏi liệu cơ chế hiện hành có đủ giữ chân nhân tài, nhấn mạnh cải cách thể chế và thúc đẩy giáo dục tư nhân là then chốt.
![]() Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT phát biểu tại Diễn đàn |
Ngày 27/05, tại Diễn đàn DX Summit 2025, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc CTCP FPT nhấn mạnh vai trò trung tâm của khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong chiến lược phát triển quốc gia. Ông Khoa dẫn Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là "bà đỡ" quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Khoa, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, lấy khoa học công nghệ làm động lực then chốt cho tăng trưởng. Bốn trụ cột chiến lược mà ông đề cập đều gắn liền với các Nghị quyết trọng yếu của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 59 về đổi mới hoạt động đối ngoại, Nghị quyết 66 về xây dựng và thi hành pháp luật, và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Hiện, cả nước có khoảng 50,000 doanh nghiệp công nghệ, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, thế giới đang đối mặt sự thiếu hụt lớn về nhân lực công nghệ thông tin, dự báo cần thêm nửa triệu kỹ sư trong vòng 10 năm tới. Đây được xem là cơ hội để Việt Nam phát huy lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường phát triển như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang khát lao động công nghệ.
Mặc dù đầu vào đại học ngành công nghệ thông tin thuộc nhóm cao trong 5 năm qua, ông Khoa cho rằng quy mô 1.2 triệu lao động công nghệ thông tin hiện tại vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Ước tính Việt Nam cần ít nhất 2.5 triệu lao động có tay nghề trong lĩnh vực này. Ông đặt vấn đề về việc liệu cơ chế hiện hành có đủ sức giữ chân nhân tài và tạo động lực cạnh tranh cho lực lượng kỹ sư công nghệ.
Bên cạnh việc chia sẻ kỳ vọng vào hạ tầng công nghệ như AI, bán dẫn, ông Khoa nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế, đặc biệt là thúc đẩy giáo dục tư nhân nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và thị trường lao động. Theo ông, doanh nghiệp tư nhân có thể thực hiện các dự án công nghệ lớn minh bạch và hiệu quả nếu có cơ chế phù hợp từ Chính phủ.
"Muốn làm chủ AI, phải số hóa dữ liệu y tế, giáo dục và hành chính công"
Trong phiên thảo luận cùng ngày, ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ FPT đưa ra cái nhìn chi tiết hơn về chiến lược công nghệ. Theo ông Tú, Việt Nam hiện có hơn 54,500 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 16% so với năm 2023. Tổng doanh thu ngành đạt gần 152 tỷ USD, với hơn 1.2 triệu lao động, cho thấy công nghệ đã trở thành hạ tầng phát triển cốt lõi, không còn là lĩnh vực riêng lẻ.
Ông dẫn Nghị quyết 57 như một mốc chính sách định hướng dài hạn, với mục tiêu đến năm 2045, kinh tế số đóng góp ít nhất 50% GDP và Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực.
![]() Ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ tại Diễn đàn |
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, chiến lược công nghệ tập trung vào 3 mũi nhọn: Làm chủ công nghệ AI, tự chủ dữ liệu và phát triển hạ tầng AI. FPT đã triển khai đầu tư vào hệ thống AI từ năm 2024, giúp rút ngắn thời gian thử nghiệm mô hình từ 45 ngày xuống còn 1 ngày. Hệ sinh thái AI Lab của doanh nghiệp này cũng công bố trên 100 nghiên cứu tại các hội nghị khoa học quốc tế.
Tuy nhiên, ông Tú cho rằng điểm nghẽn lớn vẫn nằm ở thiếu dữ liệu chất lượng và việc chia sẻ dữ liệu còn manh mún. Đẩy mạnh số hóa các ngành y tế, giáo dục, hành chính công và phát triển cơ chế chia sẻ dữ liệu công cộng là điều kiện tiên quyết để tiến tới làm chủ các nền tảng AI phục vụ đặc thù người Việt.
Cả 2 diễn giả đều nhấn mạnh nhu cầu đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách, và tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để công nghệ không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là lực kéo tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Thế Mạnh