Liệu cú quay xe thuế quan của ông Trump có cứu nước Mỹ khỏi suy thoái?
Thị trường chứng khoán đã trở nên sôi động sau thỏa thuận với Trung Quốc. Nhưng bên ngoài Phố Wall, niềm tin của người dân đang giảm sút trong khi giá cả tiếp tục tăng cao.
![]() Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Đối với Stonemaier Games - một nhà sản xuất các trò chơi chiến lược như Wingspan, việc thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung có giúp cứu vãn mùa Giáng sinh hay không vẫn là một canh bạc nhiều rủi ro.
Thỏa thuận đình chiến thương mại đã đến kịp lúc để công ty lên kế hoạch đặt hàng cuối năm với nhà cung cấp ở Thâm Quyến nhờ thuế quan giảm mạnh.
Tuy nhiên, đợt sản xuất cho mùa lễ hội năm nay vẫn sẽ "khiêm tốn hơn nhiều so với thường lệ", ông Jamey Stegmaier, người đứng đầu công ty Stonemaier Games, cho biết. “Có quá nhiều bất ổn”, ông nói.
Công ty này cùng 10 doanh nghiệp nhỏ khác đã đệ đơn kiện nhằm thách thức quyền hạn của ông Trump trong việc áp thuế. 'Không hề có quy trình pháp lý nào, chỉ có một người gây rối đã nâng thuế từ 20% lên 145% chỉ trong vòng một tuần', ông Stegmaier nói thêm”.
Trên Phố Wall, ký ức về “ngày giải phóng” đang nhanh chóng phai nhạt khi chỉ số S&P 500 đã tăng trở lại gần mức kỷ lục trong năm nay sau cú lao dốc không phanh vì sự hỗn loạn ngày 02/04.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thực, khó khăn vẫn hiện hữu rõ rệt. Cách tiếp cận thiếu nhất quán của Tổng thống Trump trong việc cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu đã dần làm xói mòn niềm tin vào chính nền kinh tế mà những chính sách này vốn được thiết kế để bảo vệ. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp liên tục phải điều chỉnh kế hoạch trước những thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại.
Trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng yếu hơn dự báo, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng giá hàng hóa sẽ sớm tăng trở lại. Diane Swonk, Chuyên gia kinh tế trưởng của KPMG Mỹ, nhận định số liệu tháng trước có thể là “báo cáo lạm phát dịu nhẹ cuối cùng”.
Mặc dù có những tiến triển gần đây, căng thẳng thương mại vẫn chưa thực sự đi đến hồi kết. Chính sách thương mại của Tổng thống Trump đã thiết lập một ranh giới nguy hiểm mới - khung thời gian 90 ngày cho các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Sau thời hạn này, thuế quan có thể một lần nữa bị đẩy lên mức cao, khiến bầu không khí bất ổn vốn đã bao trùm các thị trường toàn cầu càng thêm nặng nề.
“Thị trường đã phản ứng quá mức với thỏa thuận Mỹ-Trung”, Steve Hanke, Chuyên gia kinh tế tại Đại học Johns Hopkins và từng là cố vấn cho Ronald Reagan, nhận xét. “Trump vẫn nghĩ mình đang điều hành doanh nghiệp, chứ không phải nền kinh tế Mỹ”.
Giá bán lẻ các sản phẩm Trung Quốc tại Mỹ đã tăng mạnh |
Dù thỏa thuận đình chiến gần đây đã giúp giảm bớt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng, cách xử lý cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ vẫn có thể tiếp tục phủ bóng đen lên toàn bộ nền kinh tế trong phần còn lại của năm 2025. Những diễn biến bất ổn này đang dần xóa nhòa nhiều năm tăng trưởng ấn tượng và làm dấy lên nguy cơ đình lạm, khiến các nhà hoạch định chính sách tại Fed rơi vào thế khó.
Những lo ngại càng tăng lên sau quyết định của Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, cảnh báo thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng lên gần 9% GDP vào năm 2035, so với mức 6.4% của năm ngoái.
Sự bất an lan rộng đến mọi nền kinh tế có liên kết với Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Valdis Dombrovskis, Ủy viên kinh tế của EU, cho biết cuộc chiến thương mại toàn cầu đã “gây tác động tiêu cực khá lớn” lên các dự báo của khối này, thể hiện qua việc hạ mạnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Điều này “tạo ra hiệu ứng tiêu cực về niềm tin, ảnh hưởng trước hết đến các quyết định đầu tư”.
Thỏa thuận Mỹ - Trung “đã khắc phục được một phần thiệt hại đáng kể”, Jason Furman, chuyên gia kinh tế tại Đại học Harvard, từng làm việc trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Barack Obama, nhận định. “Nhưng chúng ta vẫn sẽ chứng kiến lạm phát tăng, tăng trưởng vẫn sẽ chậm lại. Và chúng ta vẫn chưa biết vở kịch này sẽ kết thúc ra sao”.
Thỏa thuận Mỹ - Trung giúp hạ nhiệt thương mại nhưng áp lực giá cả và bất ổn vẫn kéo dài
Sự nhẹ nhõm lan tỏa trong giới đầu tư toàn cầu sau thỏa thuận đạt được tại Geneva tuần trước giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Trước đó, đỉnh điểm của thuế quan Trump đã đẩy mức thuế suất hiệu lực của Mỹ lên gần 26.8%, mức cao nhất kể từ năm 1903 theo số liệu của Yale Budget Lab, và khiến thương mại Mỹ - Trung gần như đóng băng suốt một tháng.
Việc lưu lượng vận chuyển hàng hóa xuyên Thái Bình Dương giảm mạnh đã khiến các nhà bán lẻ cảnh báo nguy cơ kệ hàng trống trơn, trong khi Tổng thống Mỹ khuyên trẻ em nên hài lòng với “2 con búp bê thay vì 30” trong mùa lễ hội năm nay.
Trong tuần đầu tháng 5, cảng Los Angeles ghi nhận lượng hàng nhập khẩu giảm tới 30%, chủ yếu do lo ngại về chính sách thuế quan, và Giám đốc điều hành cảng Gene Seroka dự báo chi phí cho người tiêu dùng Mỹ sẽ tăng với các mặt hàng như cà phê, bơ và chuối.
Các doanh nghiệp Mỹ đã phản ứng bằng cách cắt giảm sản xuất.
Church & Dwight, nhà sản xuất Arm & Hammer và Trojan, cho biết sẽ bán hoặc đóng cửa các mảng kinh doanh như máy nhổ lông Flawless, bàn chải đánh răng điện Spinbrush và vòi sen Waterpik nhằm giảm thiểu “phần lớn” tác động từ thuế quan, với tổng chi phí ước tính lên tới 190 triệu USD trong 12 tháng tới.
Doanh thu thuế của Mỹ tăng mạnh trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump |
Ngay cả những người từng ủng hộ chính sách ưu tiên sản xuất trong nước của ông Trump cũng dần thay đổi quan điểm.
“Ngày 01/01, tôi cảm thấy rất lạc quan. Ông Trump có một kế hoạch thân thiện với doanh nghiệp, ưu tiên sản xuất và tôi rất tích cực”, Harry Moser, Chủ tịch Reshoring Initiative, chia sẻ. “Nhưng đến ngày 02/04, tôi thấy ông ấy đã làm mọi thứ phức tạp lên và áp thuế quá cao với hầu hết các nước, kể cả đồng minh của chúng ta”.
Tại các cuộc họp bộ trưởng tài chính ở Washington tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Bessent bắt đầu thúc đẩy chính quyền Mỹ hướng tới một thỏa thuận hòa hoãn, trấn an các đối tác rằng giai đoạn bất ổn đỉnh điểm đã qua.
Sau đó Mỹ và Trung Quốc đã tiến tới thỏa thuận giảm thuế suất tương ứng tới 115 điểm phần trăm trong vòng 90 ngày. Nhờ đó, kỳ vọng về các thỏa thuận thương mại với các nước khác cũng tăng lên, nhất là sau hiệp định Mỹ - Anh trước đó.
Tuy nhiên, ngay cả khi tình hình đã dịu lại, các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn cảnh báo về những thiệt hại kéo dài.
Theo Yale Budget Lab, mức thuế suất hiệu lực trung bình của Mỹ vẫn ở mức 17.8%, cao gấp hơn 7 lần mức 2.5% khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Thuế quan Mỹ - Trung “vẫn cao hơn nhiều so với chỉ vài tháng trước, cũng như thuế từ nhiều quốc gia khác”, bà Karen Dynan, chuyên gia kinh tế tại Viện Peterson và từng là kinh tế trưởng của Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Obama, nhận định. “Vì vậy, thuế quan vẫn đang tạo áp lực đáng kể lên người tiêu dùng và doanh nghiệp”.
Dù ít ai nghĩ mức thuế lên tới 145% sẽ quay trở lại, các rào cản mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn được dự báo sẽ khiến giá bán lẻ tại Mỹ tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ nhập hàng trước ngày 02/04 để tránh tăng giá, nhưng lợi thế này được dự báo sẽ nhanh chóng biến mất.
Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ với doanh số hơn 550 tỷ USD, cảnh báo giá đồ dùng học tập và quà tặng dịp lễ cuối năm sẽ tăng mạnh. “Ngay cả khi thuế đã giảm, mức thuế cao hơn vẫn sẽ dẫn đến giá bán cao hơn”, Tổng giám đốc Doug McMillon nói trong một cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh. (Đáp lại trên mạng xã hội, Trump kêu gọi Walmart “HÃY CHỊU TOÀN BỘ THUẾ và đừng tính phí gì cho khách hàng thân thiết”.)
Theo Yale Budget Lab, một gia đình Mỹ trung bình sẽ phải trả thêm 2,800 USD cho cùng một giỏ hàng hóa như năm ngoái nếu thuế quan giữ ở mức hiện tại, trong đó các hộ thu nhập thấp chịu ảnh hưởng lớn hơn.
Các sản phẩm Trung Quốc bán tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng giá rõ rệt, theo phân tích dữ liệu tần suất cao từ PriceStats của Alberto Cavallo, Trường Kinh doanh Harvard.
Không chỉ thuế quan, việc bãi bỏ quy định miễn thuế “de minimis” từ ngày 02/05, vốn cho phép nhập hàng từ Trung Quốc trị giá dưới 800 USD mà không phải chịu thuế và gần như không cần thủ tục giấy tờ cũng sẽ tiếp tục đẩy giá lên và hạn chế lựa chọn cho người tiêu dùng.
“Chúng ta đã biến chuỗi cung ứng thành đồ ăn nhanh, mọi người kỳ vọng hàng hóa phải nhanh và rẻ. Người tiêu dùng chỉ cần lên mạng đặt mua áo, muốn giá thấp nhất và nhận ngay ngày hôm sau”, Bernie Hart, Phó Chủ tịch phụ trách hải quan của tập đoàn logistics toàn cầu Flexport, nhận xét. “Giờ chúng ta đang dần đảo ngược mô hình đó”.
Thay đổi này đã ảnh hưởng rõ rệt đến tư duy doanh nghiệp. Dữ liệu từ AlphaSense cho thấy số cuộc họp phân tích đề cập đến “de minimis” đã tăng vọt từ 5 lần trong cả năm 2024 lên 28 lần chỉ trong 30 ngày qua.
Sau các cuộc đàm phán tại Geneva, mức thuế với hàng hóa dưới 800 USD cũng được giảm, nhưng các nhà nhập khẩu vẫn phải đối mặt với hàng loạt thủ tục giấy tờ mà với nhiều doanh nghiệp nhỏ gần như không thể đáp ứng.
“Yêu cầu về mức độ chi tiết là rất cao”, Brie Carere, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc khách hàng của FedEx, cho biết. “Vì vậy, không chỉ có rào cản tài chính tức thời, mà còn có rào cản kiểm toán, tuân thủ”.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp Mỹ tin rằng việc bãi bỏ miễn thuế de minimis sẽ giúp họ về lâu dài, khi gây khó khăn cho các đối thủ thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein hơn là cho chính họ.
“Thời trang siêu nhanh và miễn thuế tràn ngập thị trường Mỹ vài năm qua chắc chắn đã gây áp lực lên khả năng cạnh tranh của chúng tôi”, James Reinhart, Tổng giám đốc cửa hàng đồ cũ trực tuyến ThredUp, phát biểu. “Chúng tôi tin việc ngừng miễn thuế de minimis sẽ khiến giá các mặt hàng này tăng và sản lượng giảm”.
Các quan chức Chính phủ vẫn khẳng định kinh tế Mỹ đang duy trì sự ổn định.
Trong những tuần gần đây, ông Bessent cho biết kế hoạch của ông Trump về việc duy trì vĩnh viễn chương trình cắt giảm thuế năm 2017, cùng với việc nới lỏng các quy định về nhà ở, năng lượng và tài chính, kết hợp với thuế quan, sẽ mở ra một “thời kỳ hoàng kim” cho nền kinh tế.
Arthur Laffer, chuyên gia kinh tế nổi tiếng với “đường cong Laffer”, nhận định việc gia hạn cắt giảm thuế năm 2017 dự kiến được Quốc hội thông qua vào mùa hè này và sẽ mang lại kết quả tuyệt vời cho kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối cho rằng các biện pháp này sẽ làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài khóa. Moody’s dự báo việc gia hạn cắt giảm thuế sẽ khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng thêm hơn 4,000 tỷ USD trong thập kỷ tới, đây cũng là một trong những lý do khiến Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
Laffer từng là cố vấn cho nhiều tổng thống Cộng hòa, bao gồm Nixon, Reagan và Trump tin rằng chính quyền cuối cùng sẽ giảm thuế về mức thúc đẩy tự do thương mại.
“Có khả năng lớn là chúng ta đang ở thời điểm chuyển mình lịch sử”, Laffer nói với Financial Times. “Mọi thứ chưa hoàn toàn ổn thỏa. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Nhưng từ góc nhìn của tôi, mỗi ngày lại càng sáng sủa hơn”.
Dù các số liệu chưa cho thấy tác động lớn từ thuế quan, các khảo sát về niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng lại phản ánh tâm lý ảm đạm. Chỉ số niềm tin tiêu dùng do Đại học Michigan theo dõi đã xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử vào tháng 5 và cho thấy ngay cả các cử tri Cộng hòa cũng đang mất dần niềm tin vào chính sách kinh tế của Trump.
Tình trạng này được phản ánh rõ nét qua trải nghiệm của các doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước. Misty Skolnick, đồng sở hữu tiệm bánh Uncle Jerry's Pretzels ở Pennsylvania, cho biết doanh số đã giảm khi sự hỗn loạn vì thuế quan ngày 02/04 tạo ra hiệu ứng lan tỏa khắp nền kinh tế. “Mọi người không chắc điều gì đang xảy ra”, cô nói. “Chi tiền cho một chiếc bánh pretzel thủ công không phải là ưu tiên lúc này”.
Tỷ lệ tiền thu thuế trên giá trị nhập khẩu của từng mặt hàng |
Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn dự báo tăng trưởng yếu.
“Tác động lên niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp là rất tiêu cực, ảnh hưởng đến đầu tư và chi tiêu trong những tháng tới”, Nikolay Markov, chuyên gia kinh tế tại Pictet Asset Management, nhận định. Ông vẫn dự báo mức tăng trưởng 1.1% cho năm 2025, chưa bằng một nửa mức 2.8% của năm ngoái. “Vẫn có khả năng tích cực, nhưng chưa đủ để chúng tôi nâng dự báo”.
Câu hỏi then chốt đang đặt ra cho cả thị trường và các nhà hoạch định chính sách là: liệu việc giá hàng hóa tăng sẽ ăn sâu vào tâm lý và trở thành một phần trong tính toán lạm phát tương lai của doanh nghiệp và hộ gia đình hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ mang ý nghĩa quyết định đối với hướng đi tiếp theo của Fed.
Ngày 14/05, Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson cho biết ông đã “hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay” sau các đợt áp thuế, đồng thời dự báo nếu thuế quan duy trì, giá sẽ tiếp tục tăng.
Tác động lâu dài của cú sốc giá do thuế quan gây ra không chỉ phụ thuộc vào các chính sách thương mại, mà còn phụ thuộc sâu sắc vào niềm tin của doanh nghiệp về sức chịu đựng của người tiêu dùng. Liệu khách hàng của họ sẽ chấp nhận mức giá cao hơn hay không?
Báo cáo CPI tháng 4 cho thấy dấu hiệu chi tiêu cho hàng hóa không thiết yếu giảm, cho thấy chính sách của Trump có thể đã ảnh hưởng đến nhu cầu. Giá vé máy bay, phòng khách sạn giảm, trong khi giá vé các sự kiện thể thao lao dốc hơn 12% so với tháng trước.
Julie Drews, đồng sở hữu cửa hàng bia The Brew Shop ở Arlington, vùng ngoại ô giàu có gần Washington, cho rằng sẽ rất khó để chuyển chi phí cho người tiêu dùng vì họ đã chịu nhiều đợt lạm phát kể từ sau đại dịch COVID-19.
“Tôi không muốn tăng giá thêm nữa”, Drews nói. “Tôi cảm thấy khách hàng vẫn rất nhạy cảm với giá”.
Vance Sine, quản lý tại nhà bán lẻ California Electric Supply, cho rằng nhà cung cấp có thể khiến ông không còn lựa chọn nào khác. “Cảm giác như ai cũng tranh thủ kiếm tiền, ai cũng tăng giá, họ cũng nhảy vào”, Sine nói. Doanh nghiệp của ông đặt tại Chula Vista, gần biên giới Mexico.
Hiện tại, cảm giác bất định vẫn bao trùm toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Thuế quan có thể đã giảm, nhưng tâm lý thận trọng vẫn còn đó - từ các doanh nghiệp lớn như Walmart đến những cửa hàng nhỏ như The Brew Shop.
“Sẽ có sự nhẹ nhõm khi thuế quan được nới lỏng, nhưng các nhà nhập khẩu không thể hành động như chưa có gì xảy ra”, Peter Sand, Chuyên gia dữ liệu vận tải biển tại Xeneta, nhận định. “Nếu có điều gì chúng ta học được vài tháng qua, đó là phải luôn sẵn sàng cho những điều bất ngờ”.
Quốc An (Theo FT)