Loạt chính sách mới mở đường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP nhằm triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội, đưa ra loạt cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là những nhóm nhận được nhiều hỗ trợ cụ thể và thiết thực.
Chính phủ yêu cầu từ nay đến hết năm 2025, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn tất việc rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, chồng chéo hoặc không còn phù hợp. Mục tiêu là giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% số lượng điều kiện kinh doanh. Những cải cách này áp dụng trên toàn hệ thống, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho mọi loại hình doanh nghiệp trong khu vực tư nhân.
Các thủ tục liên quan đến gia nhập và rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ… phải được số hóa tối đa. Các dịch vụ công dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được cung cấp không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra, Chính phủ yêu cầu phân loại rõ đối tượng, đảm bảo không trùng lặp giữa thanh tra và kiểm tra trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ bị kiểm tra tối đa một lần/năm cho cùng một nội dung. Việc công bố công khai kế hoạch kiểm tra trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chức năng cũng là yêu cầu bắt buộc, nhằm đảm bảo minh bạch và giúp doanh nghiệp chủ động phối hợp.
Chính phủ yêu cầu chấm dứt tình trạng lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đồng thời, ưu tiên triển khai các hình thức kiểm tra trực tuyến, từ xa dựa trên dữ liệu điện tử, giảm thiểu kiểm tra trực tiếp. Các cơ quan liên quan cần phát triển hệ thống cảnh báo sớm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh về nguy cơ vi phạm pháp luật trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn.
Một trong những nội dung quan trọng là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong việc tham gia các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước. Chính phủ giao Bộ Tài chính trình văn bản hướng dẫn chính sách dành các gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, gói thầu hỗn hợp có giá không quá 20 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó ưu tiên doanh nghiệp do phụ nữ, thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, cũng như doanh nghiệp hoạt động tại miền núi, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành triển khai chính sách hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất cho khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể, các địa phương phải dành ít nhất 20ha hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê. Bộ Tài chính cũng được giao trình chính sách hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu cho các nhóm doanh nghiệp nói trên; phần hỗ trợ này sẽ do Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư hạ tầng.
Đồng thời, các bộ liên quan sẽ sửa đổi các quy định về sử dụng nhà, đất là tài sản công chưa khai thác để làm mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các địa phương được yêu cầu công khai quy hoạch đất đai, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Trong lĩnh vực tín dụng, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn thực hiện các dự án xanh, dự án tuần hoàn hoặc áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Chính sách này được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Về chính sách thuế, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình loạt chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tư nhân đang trong giai đoạn khởi nghiệp và phát triển. Trong đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp hoặc quyền mua vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng được miễn thuế.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập, sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu. Ngoài ra, chi phí đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất cũng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Từ ngày 01/01/2026, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ không còn áp dụng phương pháp khoán thuế như hiện tại. Bộ Tài chính đang rà soát và sửa đổi các quy định liên quan để xây dựng phương pháp tính thuế mới phù hợp với thực tiễn, minh bạch và công bằng hơn cho đối tượng này.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc thực thi Luật Cạnh tranh để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý nghiêm, góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ, vừa và mới gia nhập thị trường.
Bên cạnh các chính sách về hành chính, tài chính và đất đai, Chính phủ còn đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, không chỉ nâng đỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn hướng tới hình thành những doanh nghiệp tư nhân lớn, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế.
Hầu hết các nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai đều đặt mốc hoàn thành trong năm 2025.
Tử Kính