Loạt nhà đầu tư điện tái tạo tiếp tục kiến nghị giữ nguyên giá FIT
Ngày 16/05/2025, các nhà đầu tư, định chế tài chính cấp vốn, bên liên quan và đại diện các nhà máy điện gió và điện mặt trời tiếp tục có đơn kiến nghị về phương thức xử lý đối với 173 dự án điện gió và điện mặt trời đã có ngày vận hành thương mại (COD) trước hoặc trong năm 2021 nhưng chưa có Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu (chấp thuận nghiệm thu) tại thời điểm COD.
Trước đó ngày 05/03/2025, các nhà đầu tư đại diện cho 48 dự án năng lượng tái tạo đã gửi thư kiến nghị đầu tiên. Công ty Mua Bán Điện (EVNEPTC), đơn vị trực thuộc của EVN, đã tổ chức một số cuộc họp để thu thập ý kiến từ các nhà đầu tư trong tháng 3.
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư các đề xuất do EVNEPTC đưa ra không giải quyết được các vấn đề cốt lõi.
Trong thư kiến nghị lần này cho biết, EVNEPTC đưa ra đề xuất trong thời gian chờ hướng dẫn hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền, EVNEPTC thực hiện tạm thanh toán tiền điện theo nguyên tắc áp dụng giá điện tương đương giá FIT hoặc giá trần của khung giá chuyển tiếp có hiệu lực tại thời điểm nhà máy điện liên quan có Chấp thuận nghiệm thu; và sau khi có hướng dẫn hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền, các bên sẽ “sửa đổi hợp đồng” và thực hiện thanh quyết toán tiền điện theo quy định.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cho biết, EVN đang đề xuất với Chính Phủ rằng các hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) của các dự án bị ảnh hưởng sẽ được sửa đổi để hồi tố ngày COD về ngày có Chấp thuận nghiệm thu, theo đó sẽ điều chỉnh giá FIT áp dụng cho các dự án này sang mức giá FIT tương ứng với ngày COD được sửa đổi.
Các nhà đầu tư đều cho rằng đề xuất nói trên trái với thỏa thuận trong các HĐMBĐ đang có hiệu lực cũng như pháp luật hiện hành. Trong đó có Nghị quyết 233/NQ-CP thống nhất những nguyên tắc cơ bản về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính Trị ngày 04/05/2025, yêu cầu không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp tư nhân.
Từ tháng 1/2025, EVNEPTC đã tạm giữ lại một phần tiền thanh toán tiền điện thông qua việc tạm thời áp dụng mức giá FIT thấp hơn so với mức giá FIT trong các HĐMBĐ đã ký. Điều này khiến các nhà đầu tư hụt dòng tiền, ảnh hưởng đến hoạt động vận hành nhà máy, áp lực trả nợ…
Các nhà đầu tư một lần nữa đề cập các các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Công thương, điều kiện tiên quyết để hưởng giá FIT ưu đãi là COD trước ngày hết hạn của giá FIT ưu đãi; các điều kiện COD nhà máy điện gió và điện mặt trời không bao gồm điều kiện phải có Chấp thuận nghiệm thu.
Do vậy, các dự án điện không có Chấp thuận nghiệm thu vào thời điểm COD trong giai đoạn trên không phải là dự án điện “không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT”, vì việc có Chấp thuận nghiệm thu không phải là điều kiện để được hưởng giá FIT theo các quy định có hiệu lực trong thời điểm đó.
Việc hồi tố ngày COD và giá FIT sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, có thể dẫn đến việc xóa bỏ gần như toàn bộ giá trị vốn chủ sở hữu của các dự án năng lượng tái tạo bị ảnh hưởng.
Tổng vốn sở hữu có nguy cơ bị tác động trực tiếp là hơn 13 tỷ USD, bao gồm 4 tỷ USD từ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài như Philippines, Singapore, Thái Lan, Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tổng công suất bị ảnh hưởng gần 6,400MWp.
Các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị trực thuộc EVN giữ nguyên ngày COD đã công nhận, thanh toán đúng giá FIT theo HĐMBĐ đã ký, không áp dụng hồi tố quy định mới về xác định điều kiện COD và giá FIT đối với các dự án đã đạt COD trước khi ban hành các quy định mới đó.
Tiến Vũ