Lợi nhuận ngành nước phân hóa quý 1, tiêu thụ tại TPHCM giảm đồng loạt

date
28/05/2025 14:02

Lợi nhuận ngành nước phân hóa quý 1, tiêu thụ tại TPHCM giảm đồng loạt

Bức tranh lợi nhuận ngành nước trong 3 tháng đầu năm có sự phân hóa rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp bứt phá nhờ điều chỉnh giá bán tăng, trong khi không ít đơn vị hụt hơi do sản lượng tiêu thụ sụt giảm và chi phí vận hành tăng cao.

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, 42 doanh nghiệp cấp nước (trên HOSE, HNX và UPCoM) ghi nhận tổng doanh thu gần 7.76 ngàn tỷ đồng, tăng 7.2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng chỉ tăng nhẹ 2.6%, đạt 811 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu nằm ở sự chênh lệch chính sách giá giữa các địa phương và khả năng kiểm soát chi phí không đồng đều.

Hưởng lợi từ giá nước điều chỉnh tăng

Nhiều đơn vị cải thiện kết quả kinh doanh nhờ giá bán và sản lượng tăng. Nước sạch Thái Nguyên (UPCoM: TNW) tăng trưởng lợi nhuận hơn 333%, lên 4.4 tỷ đồng, nhờ sản lượng tăng và giảm chi phí tài chính.

Cấp nước Đắk Lắk (UPCoM: DWC) có doanh thu gần 78 tỷ đồng, tăng 15% và là mức cao nhất lịch sử. Lợi nhuận theo đó tăng 67%, đạt gần 10.5 tỷ đồng nhờ tăng giá nước từ đầu năm và nhu cầu sử dụng cao hơn, đưa biên lợi nhuận gộp lên kỷ lục 61.9%.

Giá bán bình quân tăng cũng giúp lãi Cấp nước Đà Nẵng (UPCoM: DNN) Cấp nước Nhà Bè (HNX: NBW) tăng lần lượt 34% và 70%, lên 36 tỷ đồng và 12 tỷ đồng.

Cấp nước Thanh Hóa (UPCoM: THN)Nước sạch Bắc Giang (UPCoM: BGW) chuyển biến tích cực khi giảm thất thoát, mở rộng hệ thống phân phối, dù mức tăng doanh thu khiêm tốn.

Lãi tăng bằng lần nhờ dòng tiền tài chính

Nổi bật nhất là Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) khi lợi nhuận tăng tới 283%, lên 144 tỷ đồng trong khi doanh thu giảm. Động lực chính không đến từ bán nước mà là khoản cổ tức hơn 107 tỷ đồng từ “ông lớn” BWE.

DNP Holding (HNX: DNP) cũng tạo bất ngờ khi lãi gấp 13 lần, lên hơn 8 tỷ đồng, nhờ tăng trưởng ở 3 mảng chính gồm nước sạch, gạch ốp lát và gia dụng. Khác biệt so với quý 1 năm ngoái là kỳ này hợp nhất thêm Nước Sài Gòn - An Khê.

Bất chấp doanh thu giảm, lợi nhuận của Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (UPCoM: BWS) được giữ vững hơn 66 tỷ đồng nhờ được chia cổ tức.

Nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng 2 chữ số (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp

Chi phí vận hành “ăn mòn” hiệu quả kinh doanh

Dù doanh thu tích cực, nhiều doanh nghiệp lại hụt hơi khi chi phí đầu vào tăng nhanh hơn.

Tổng công ty nước - môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) đạt doanh thu gần 924 tỷ đồng, tăng 17%, nhưng chỉ giữ được 148 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 17% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu từ lỗ tỷ giá khiến chi phí tài chính tăng 45%, bên cạnh chi phí vận hành tăng mạnh. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp vẫn cao nhất 4 quý gần đây, 46.6%.

Ở nhóm quy mô nhỏ hơn, Cấp thoát nước Phú Yên (UPCoM: PWS) sụt lãi gần 37% do chi phí đấu nối cuối năm 2024 tiếp tục phân bổ vào kỳ này. Tương tự, kết quả của Nước sạch Quảng Trị (UPCoM: NQT) cũng giảm 35% vì giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu.

Doanh thu và biên lãi gộp của Cấp nước Cà Mau (UPCoM: CMW) ở mức cao kỷ lục, lần lượt gần 38 tỷ đồng và 43%, nhưng lợi nhuận lại giảm do tăng chi cho mở rộng khách hàng, sửa chữa hệ thống và giảm thất thoát.

Thời tiết gây bất lợi

Một số doanh nghiệp chịu tác động từ điều kiện khí hậu ít khắc nghiệt hơn cùng kỳ, khiến nhu cầu sử dụng nước sạch giảm.

Cấp thoát nước Bến Tre (UPCoM: NBT) cho biết tình trạng xâm nhập mặn và nắng nóng không gay gắt như năm ngoái, khiến sản lượng tiêu thụ giảm hơn 122,000m³, trong khi chi phí vận hành tăng, lãi ròng còn 13 tỷ đồng, giảm hơn 12%.

Do mưa nhiều và nền nhiệt độ thấp kéo dài, doanh thu Cấp thoát nước Bình Định (UPCoM: BDW) thấp nhất hai năm, còn 64 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng giảm 34% còn 5.4 tỷ đồng.

Tương tự lý do thời tiết, doanh thu Cấp nước Quảng Bình (UPCoM: NQB) không tăng, cùng loạt chi phí tăng lên khiến lợi nhuận giảm 27%, còn 2.3 tỷ đồng.

Sản lượng tiêu thụ ở TPHCM đồng loạt giảm

Tại khu vực TPHCM, ngoại trừ Cấp nước Nhà Bè (HNX: NBW) báo lãi tăng trưởng 70%, còn lại đều ghi nhận kết quả đi lùi do sản lượng tiêu thụ sụt giảm, bất chấp giá bán bình quân hầu hết tăng.

Sản lượng của Cấp nước Chợ Lớn (HOSE: CLW) giảm mạnh nhất hơn 1.2 triệu m³, tương đương giảm 4.6%; giá bán bình quân cũng giảm nhẹ, trong khi giá mua sỉ tăng. Lợi nhuận theo đó giảm 44%, còn 12 tỷ đồng.

Lượng nước tiêu thụ tại Cấp nước Gia Định (HNX: GDW) giảm hơn 297,000m³, cộng với chi phí vận hành đội lên khiến lợi nhuận giảm gần 89%, mang về vỏn vẹn 700 triệu đồng.

Cấp nước Bến Thành (HNX: BTW) sụt hơn 415,000m³, dù giá bán bình quân tăng nhẹ. Chi phí tăng khiến lãi ròng còn gần 19 tỷ đồng, giảm 21%. Cấp nước Thủ Đức (HOSE: TDW) bị ảnh hưởng tương tự khi giá mua sỉ tăng, đẩy giá vốn tăng, lợi nhuận giảm gần 19%, 11.4 tỷ đồng.

Không ít đơn vị giảm sâu lợi nhuận (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp

Thua lỗ vì chi phí tài chính đè nặng

Một số doanh nghiệp mở đầu năm 2025 với kết quả âm, chủ yếu do gánh nặng chi phí tài chính và các khoản phát sinh bất thường.

Lỗ nặng nhất ngành là Hạ tầng Nước Sài Gòn (UPCoM: SII) với 51.4 tỷ đồng. Việc hợp nhất Nước Sài Gòn - An Khê được cho là làm lợi nhuận gộp giảm, trong khi Công ty còn phát sinh hơn 40 tỷ đồng chi phí tài chính.

Đầu tư Nước sạch Sông Đà (UPCoM: VCW) tiếp tục chuỗi lỗ kéo dài với gần 24 tỷ đồng, do phải gánh 39.3 tỷ đồng chi phí lãi vay, trong khi lợi nhuận gộp chỉ 26.6 tỷ đồng.

Duy nhất Cấp nước Sóc Trăng (UPCoM: STW) chuyển từ lãi sang lỗ hơn 2.3 tỷ đồng do chi phí sửa chữa tăng và khoản xử phạt hành chính liên quan đến môi trường, thuế và đăng ký kinh doanh lên đến 12 tỷ đồng.

3 doanh nghiệp lỗ trong quý 1/2025 (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp

Tử Kính

FILI - 13:00:00 28/05/2025