Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, chuyện gì đang xảy ra?
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang tăng vọt trở lại những mức từng gây ra những đợt hỗn loạn trong quá khứ. Tình trạng này phản ánh nỗi lo sâu sắc của các nhà đầu tư về một dự luật thuế mới có thể đẩy thâm hụt ngân sách Mỹ vào vòng xoáy nguy hiểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm đã tăng 12 điểm cơ bản lên mức 5.09%, lần thứ hai trong tuần vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng 5% và chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Lợi suất trái phiếu 10 năm cũng vượt qua mức 4.6% trước khi giảm nhẹ về mức 4.59%. Mức này đã từng gây ra những đợt hỗn loạn trên thị trường vào tháng 4 và thậm chí buộc Tổng thống Donald Trump phải tạm dừng những mức thuế quan cứng rắn nhất của mình. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu 2 năm cũng tăng 4 điểm cơ bản lên 4.01%.
Sự kiện kích hoạt ngay lập tức cho đợt tăng vọt này là cuộc đấu giá trái phiếu 20 năm "thảm hại" diễn ra lúc 13h ngày 21/05 (giờ Mỹ). Ngân hàng đầu tư BMO đã mô tả cuộc đấu giá này bằng từ "thiếu sức hút", cho thấy nhà đầu tư yêu cầu phần bù cao hơn để cho Chính phủ Mỹ vay tiền. Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại rằng nhu cầu đầu tư đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ đang cạn kiệt đúng vào lúc Chính phủ cần phát hành ngày càng nhiều nợ mới để trang trải các khoản chi.
Trong hành lang chính trị Washington, căng thẳng đang gia tăng xung quanh dự luật ngân sách của Tổng thống Trump. Các đảng viên Cộng hòa đang tranh cãi gay gắt về quy mô khấu trừ thuế bang và địa phương, với những người lo lắng về mức chi tiêu trong dự luật đã có cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng trong ngày 21/05 để cố gắng giải quyết những bất đồng sâu sắc.
Nếu dự luật này được thông qua trước Ngày Tưởng niệm (06/06) như mục tiêu của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, nó có thể làm tăng thâm hụt chính phủ Mỹ hàng ngàn tỷ USD. Điều này diễn ra đúng vào thời điểm các nhà đầu tư đã đang lo lắng về khả năng bùng phát lạm phát do chính sách thuế quan của ông Trump, từ đó tạo thành một "cơn bão hoàn hảo" đang đè nặng lên giá trái phiếu và thúc đẩy lợi suất tăng cao.
Mark Haefele, Giám đốc đầu tư trưởng tại UBS Global Wealth Management, cho biết: "Trong khi việc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ ngay sau việc Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm là tương đối khiêm tốn, lợi suất trái phiếu đã tăng đều đặn kể từ cuối tháng 4 khi các cuộc đàm phán ngân sách bắt đầu nóng lên".
Ông cảnh báo rằng dự luật của đảng Cộng hòa dự kiến sẽ bổ sung hàng ngàn tỷ USD vào khoản thâm hụt 36 ngàn tỷ USD hiện tại của quốc gia trong thập kỷ tới. "Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nguồn cung trái phiếu Chính phủ Mỹ, tạo áp lực lên thị trường trái phiếu", ông nhấn mạnh.
Cuối tuần trước, Moody's quyết định hạ xếp hạng tín dụng chính phủ Mỹ. Lý do được đưa ra là gánh nặng ngày càng tăng trong việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách phình to của Chính phủ. Động thái này ngay lập tức khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 30 năm vượt qua ngưỡng 5% vào ngày 19/05.
Trong báo cáo hạ xếp hạng tín nhiệm, Moody's cho biết: "Chúng tôi không tin rằng các đề xuất tài chính hiện tại đang được xem xét sẽ làm giảm chi tiêu bắt buộc và thâm hụt của nước Mỹ".
Huyền thoại Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, cảnh báo rằng việc Moody's hạ xếp hạng thực sự đặt ra mối đe dọa lớn hơn nhiều so với những gì mà cơ quan này đánh giá, bởi vì họ chưa xem xét đến rủi ro nghiêm trọng nhất là khả năng Chính phủ liên bang "in tiền" để trả nợ.
"Họ không tính đến rủi ro lớn hơn rằng các quốc gia mắc nợ sẽ in tiền để trả nợ, do đó gây ra tổn thất cho người nắm giữ trái phiếu từ việc giảm giá trị của số tiền họ nhận được, chứ không phải từ việc giảm lượng tiền họ nhận được", ông Dalio giải thích trong một bài đăng trên mạng xã hội X.
Vấn đề cốt lõi nằm ở một vòng luẩn quẩn đáng lo ngại: Nếu chính phủ tiếp tục phát hành ngày càng nhiều nợ để trang trải các nghĩa vụ tài chính ngày càng tăng, nguồn cung trái phiếu dư thừa sẽ làm giảm giá trái phiếu và đẩy lợi suất tăng vọt. Từ đó, chi phí vay cao hơn sẽ làm tăng gánh nặng lãi vay, buộc Chính phủ phải vay thêm để trả lãi, và cứ thế tiếp tục.
Từ góc độ kinh tế vĩ mô, các nhà kinh tế hiện tại vẫn chưa dự báo suy thoái trong năm nay, một phần nhờ việc Trump đã rút lại các mức thuế quan cứng rắn nhất. Tuy nhiên, với lợi suất trái phiếu 30 năm và 10 năm đóng vai trò tham chiếu cho các khoản vay tiêu dùng như thế chấp mua nhà, việc lãi suất tăng cao có thể nhanh chóng gia tăng rủi ro suy thoái.
Tác động đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện. Hiệp hội các ngân hàng thế chấp báo cáo rằng số đơn xin vay thế chấp đã giảm 5.1% trong tuần trước do lãi suất tăng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)