MRV quan trọng thế nào trong hành trình đạt tín chỉ carbon?

date
26/05/2025 09:37

MRV quan trọng thế nào trong hành trình đạt tín chỉ carbon?

Trong hành trình đạt tín chỉ carbon, quy trình MRV (Monitoring - Giám sát, Reporting - Báo cáo, Verification - Thẩm tra) đóng vai trò then chốt. Đây không chỉ là một thủ tục kỹ thuật, mà là bước “gạn lọc” quyết định liệu một dự án có được cấp tín chỉ carbon hay không.

Tại tọa đàm “Tài chính xanh và Sàn giao dịch tín chỉ carbon”, ông Lê Hoàng Thế - Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái VOS Holding nhấn mạnh, để đạt được chứng chỉ tín chỉ carbon, doanh nghiệp phải xây dựng một quy trình bài bản, trong đó MRV là cốt lõi trong bộ hồ sơ chứng nhận.

Theo ông Thế, hành trình xây dựng một dự án đạt tín chỉ carbon bắt đầu từ việc doanh nghiệp cần xác định tiêu chuẩn theo đuổi, sau đó tiến hành đo lường mức phát thải và mức giảm phát thải. Dự án cần có hồ sơ pháp lý rõ ràng, gồm giấy phép kinh doanh, hợp đồng đầu ra (như điện mặt trời, điện gió…), đánh giá tác động môi trường - xã hội và các cam kết tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững.

Một điểm quan trọng trong hồ sơ kỹ thuật là xác định “mức phát thải cơ sở” (baseline) tức mức phát thải trước khi có sự can thiệp của dự án. Đây là cơ sở để tính toán lượng khí nhà kính được giảm sau khi thực hiện. Ông Thế lấy ví dụ: nếu trước đây một cơ sở phát điện bằng than đá, còn giờ chuyển sang điện mặt trời thì sự chênh lệch phát thải giữa hai phương án chính là phần được ghi nhận làm tín chỉ carbon.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch MRV để giám sát lượng phát thải, thu thập dữ liệu theo thời gian, lập báo cáo và mời một tổ chức độc lập đánh giá. Đây là bước then chốt để xác thực lượng phát thải được giảm là có thật, có thể đo lường, và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. MRV càng chính xác và đầy đủ, khả năng được cấp tín chỉ càng cao.

"Các bạn cứ tưởng tượng cái này như là giấy khai sinh, là kê khai của chúng ta", ông Thế ví von và cho biết, MRV có vai trò then chốt vì chính nó tạo nên mức độ tin cậy của toàn bộ dự án. Chỉ khi lượng giảm phát thải được đo lường và xác minh một cách chính xác, dự án mới có thể được công nhận. Bản xác nhận MRV không chỉ là căn cứ kỹ thuật, mà còn là cơ sở để bên mua tín chỉ đánh giá hiệu quả môi trường của dự án. Điều này đòi hỏi MRV phải đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu và sự nhất quán trong toàn bộ quá trình triển khai.

Ông Lê Hoàng Thế chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Tử Kính

Sau MRV, hồ sơ sẽ được tổ chức gọi là DOE (Designated Operational Entity - tổ chức thẩm định được chỉ định) thẩm định lại. Các tổ chức này có thể kể đến như TUV Nord, DNV, Intertek, Control Union..., thường do bên cấp tín chỉ carbon chỉ định và họ sẽ đánh giá toàn bộ quá trình, từ hồ sơ đến thực địa. Nếu đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ carbon chính thức, được đăng ký số và đưa lên cơ sở dữ liệu, làm nền tảng cho giao dịch tín chỉ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy - Tổng Giám đốc Chứng nhận và Thực phẩm Intertek Việt Nam cho rằng, MRV là điều kiện tiên quyết để chứng minh một dự án thực sự “xanh”. Tuy nhiên, ông Huy cảnh báo nhiều doanh nghiệp Việt hiện chưa nắm rõ quy trình, dễ dẫn đến sai sót khi kê khai và lập báo cáo phát thải.

Ông Huy cho biết, đo lường phát thải khí nhà kính hiện nay được thực hiện theo 3 phạm vi. Từ phát thải trực tiếp từ các hoạt động mà doanh nghiệp kiểm soát, như đốt nhiên liệu (phạm vi 1), cho đến phát thải gián tiếp từ năng lượng mua vào, ví dụ điện từ lưới (phạm vi 2) và phát thải gián tiếp trong toàn bộ chuỗi cung ứng chẳng hạn như nguyên vật liệu, vận chuyển, tiêu dùng... (phạm vi 3).

Để tính toán chính xác, doanh nghiệp cần thu thập dữ liệu hoạt động như hóa đơn điện, nhiên liệu, nguyên vật liệu… rồi áp dụng hệ số phát thải do các tổ chức quốc tế như IPCC hoặc Bộ Tài nguyên & Môi trường (cũ) công bố. Một lỗi phổ biến là doanh nghiệp kê khai thiếu hoặc “hợp lý hóa” dữ liệu, khiến báo cáo không còn chính xác. Trong khi đó, dữ liệu đã nộp không thể thu hồi hay “sửa lại” như báo cáo tài chính.

Thách thức lớn nhất, theo đại diện Intertek, không nằm ở kỹ thuật tính toán mà ở tính minh bạch và trung thực khi cung cấp thông tin. Việc chọn năm cơ sở để làm mốc so sánh cũng cần được cân nhắc kỹ. Các năm 2021, 2022 sẽ không phù hợp vì chịu ảnh hưởng bất thường từ đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, trong bối cảnh các quy định mới như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU) bắt đầu có hiệu lực, việc thiếu hệ thống MRV bài bản có thể khiến doanh nghiệp mất cơ hội xuất khẩu hoặc tiếp cận vốn quốc tế. Ông Huy cho biết, với Intertek, tiêu chí môi trường chiếm 15% tổng KPI đánh giá hiệu quả hoạt động toàn cầu, và nhiều tập đoàn lớn đã tích hợp tiêu chí phát thải vào KPI thưởng của ban lãnh đạo.

Đánh thuế carbon, nhóm ngành nào chịu ảnh hưởng?

Thuế biên giới carbon đặt ra yêu cầu gì cho xuất khẩu Việt Nam?

Theo 2 chuyên gia, đầu tư vào MRV không chỉ để được cấp tín chỉ carbon, mà là bước chuẩn bị chiến lược để doanh nghiệp tồn tại và cạnh tranh trong nền kinh tế carbon thấp. Trong tương lai gần, những doanh nghiệp không có hồ sơ phát thải minh bạch và chuẩn hóa sẽ đối mặt với rào cản không chỉ từ thị trường quốc tế mà ngay cả trong nước - nơi hệ thống sàn giao dịch tín chỉ carbon nội địa đang hình thành.

Sẵn sàng với ‘sân chơi’ CBAM trong cuộc đua Xanh hóa nền kinh tế

Tử Kính

FILI - 08:35:28 26/05/2025