“Mùa khô” IPO sắp kết thúc?

date
14/05/2025 09:02

“Mùa khô” IPO sắp kết thúc?

Sau giai đoạn dài vắng bóng, các thương vụ IPO, niêm yết, chuyển sàn được dự báo sẽ sôi động trở lại kể từ năm 2025, từ cả khối doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân, giúp quy mô và số lượng hàng hóa mới trên thị trường tăng lên.

Theo thống kê về thị trường IPO tại Việt Nam, năm 2019 ghi nhận 27 thương vụ, tương ứng quy mô 172 triệu USD. Số lượng đi xuống trong các năm sau đó, với năm 2021 có 13 thương vụ huy động gần 16 triệu USD, năm 2022 còn 8 thương vụ huy động hơn 71 triệu USD. Thị trường IPO chạm đáy khi ghi nhận 3 thương vụ trong năm 2023, huy động hơn 7 triệu USD và chỉ còn 1 thương vụ trong năm 2024 với mức huy động khoảng 37 triệu USD. Tuy nhiên, "mùa khô" IPO được dự báo sắp kết thúc.

Nguồn: Báo cáo thị trường IPO tại Đông Nam Á của Deloitte, người viết tổng hợp

Đối với khối tư nhân, gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy định hướng đã có sự thay đổi tích cực. 

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển KHCN Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thống kê kế hoạch của các doanh nghiệp giai đoạn năm 2025 - 2027 cho thấy, nhiều thương vụ IPO dự kiến diễn ra với tổng giá trị 47.5 tỷ USD (chưa tính đến số liệu của các thương vụ từ doanh nghiệp Nhà nước). Trước mắt, thị trường có thể chứng kiến thương vụ Vinpearl (VPL) trong năm 2025 và Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) thực hiện IPO để sau đó bắt đầu niêm yết từ đầu năm 2026, hứa hẹn thu hút dòng vốn quay lại thị trường.

Danh mục IPO, niêm yết dự kiến đạt tổng giá trị 47.5 tỷ USD trong 3 năm tới
Nguồn: Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ở nhóm doanh nghiệp Nhà nước, chuyên gia Yuanta chỉ ra nhiều cơ sở để thị trường IPO và niêm yết tích cực trở lại. Trong năm 2024, Việt Nam đưa ra hàng loạt dự thảo và thông qua luật sửa đổi, nổi bật là Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, vốn rất quan trọng cho khâu thực hiện IPO và tiến đến niêm yết. 

Trong giai đoạn năm 2016 - 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua chu kỳ “sốt” các thương vụ niêm yết, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đã có lúc tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 22% trong giai đoạn 2018 - 2019 nhờ các “deal” này. Sau đó, thị trường IPO bước vào thời kỳ “hạn hán”.

Bên cạnh đó, làn sóng chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE cũng rất đáng chú ý. Để chuẩn bị cho kế hoạch sáp nhập HOSEHNX làm một sàn niêm yết chung, đã có rất nhiều doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch chuyển từ UPCoM sang HOSE, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước. Điển hình là trường hợp của Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đầu năm nay và rất có thể tiếp theo là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Masan Consumer (MCH).

Thực tế, có những quỹ đầu tư chỉ thực hiện các thương vụ trên HOSEHNX, do đó, đây là cơ hội để họ đầu tư hàng hóa mới.

Ông Minh nhấn mạnh, đây sẽ là các xúc tác mạnh giúp thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới, bên cạnh các yếu tố thường được nhắc đến như nâng hạng thị trường, triển khai hệ thống KRX, làn sóng FDI.

Làn sóng IPO, niêm yết cổ phiếu sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Theo ông Đào Hồng Dương - Giám đốc phân tích Ngành và Cổ phiếu VPBankS, việc đón nhận nhiều hơn các trường hợp chuyển sàn lên HOSE, IPO và niêm yết doanh nghiệp Nhà nước sẽ góp phần làm tăng quy mô thị trường chứng khoán, bổ sung nhiều lựa chọn cổ phiếu chất lượng, đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết theo ngành nghề và góp phần giảm bớt chênh lệch về vốn hóa quá lớn giữa các nhóm ngành… Về căn bản, sự sôi động của các đợt IPO là động lực phát triển thị trường chứng khoán bền vững trong dài hạn.

Tiêu chuẩn và yêu cầu về minh bạch thông tin gia tăng đáng kể, các cổ phiếu chờ IPO đều là những doanh nghiệp có triển vọng, có chất lượng tài sản tốt, góp phần thu hút dòng tiền tham gia vào thị trường, bao gồm cả dòng tiền khối ngoại.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin đánh giá đầy đủ hơn về giá trị tài sản của các cổ phiếu tập đoàn khi công ty con cũng được niêm yết trên sàn và có mức giá tham chiếu cụ thể. Yếu tố cũng góp phần thu hút dòng tiền tham gia vào các cổ phiếu mô hình tập đoàn là việc trong đó có nhiều cổ phiếu vốn hóa rất lớn thuộc VN30.

Niêm yết ngay sau IPO là yếu tố cần thiết để bắt kịp xu thế

Câu chuyện thúc đẩy IPO cũng cần có sự đẩy mạnh giảm bớt thủ tục hành chính. Chia sẻ tại hội thảo “Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới”, tổ chức ngày 19/3, bà Phạm Thị Thùy Linh - Trưởng Ban Phát triển thị trường chứng khoán UBCKNN cho biết, UBCKNN đã rà soát để gắn IPO với hoạt động niêm yết của doanh nghiệp. Trước đây, 2 hoạt động này vẫn tách rời nhau, với việc IPO được UBCKNN cấp phép, trong khi niêm yết lại do Sở Giao dịch Chứng khoán xét duyệt. Hiện nay, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ hơn với các Sở giao dịch để giúp doanh nghiệp có thể niêm yết ngay sau IPO.

Đại diện UBCKNN nhấn mạnh, điều này cần sự hợp tác từ các công ty tư vấn chứng khoán và doanh nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, phù hợp. Nếu doanh nghiệp làm tốt khâu chuẩn bị, UBCKNN có thể rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giúp cổ phiếu nhanh chóng lên sàn và giao dịch thuận lợi.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá: việc nhanh chóng niêm yết ngay sau khi cổ phần hóa là trào lưu mà các thị trường chứng khoán trên thế giới áp dụng, mục đích là tạo thanh khoản cũng như phổ cập rộng rãi cho các nhà đầu tư.

Ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, rất khó tiếp cận cổ phiếu, khó mua và khi mua rồi đôi khi muốn bán cũng lại khó tìm được đối tác. Đó là lý do mà các thị trường lớn đều đẩy mạnh việc IPO và Việt Nam cũng đã hưởng ứng xu thế.

Thứ hai, việc đưa cổ phiếu lên thị trường thứ cấp giúp các quỹ đầu tư dễ mua hơn, khi mua rồi cũng dễ dàng bán hơn. Đây là một trong những chất xúc tác có thể giúp nhà đầu tư ngoại tìm đến và giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn.

Huy Khải

FILI - 08:00:00 14/05/2025