Mỹ đang trở thành thiên đường thuế lớn nhất thế giới
Dưới thời Donald Trump, Mỹ đang dần trở thành “thiên đường thuế” cho giới siêu giàu thông qua việc phá vỡ các chuẩn mực tài chính quốc tế. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đang tiến tới một hệ thống thuế toàn cầu công bằng hơn mà không cần Mỹ, mở đường cho một trật tự đa phương mới.
Trump và chiến dịch phá vỡ các chuẩn mực tài chính toàn cầu
Donald Trump đang nhanh chóng biến nước Mỹ thành thiên đường thuế lớn nhất trong lịch sử. Một loạt động thái gần đây cho thấy rõ điều đó: Bộ Tài chính Mỹ rút khỏi cơ chế minh bạch quốc tế về chia sẻ thông tin chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp; chính quyền Trump từ bỏ các cuộc đàm phán xây dựng Công ước khung của Liên Hợp Quốc về hợp tác thuế quốc tế; phớt lờ việc thực thi Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) và thúc đẩy nới lỏng quy định đối với thị trường tiền điện tử.
Tất cả những động thái này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm làm xói mòn các thể chế đã được gìn giữ suốt 250 năm qua. Chính quyền Trump từng nhiều lần vi phạm các hiệp ước quốc tế, phớt lờ xung đột lợi ích, phá vỡ cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực (checks and balances), thậm chí giữ lại ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt. Đây không còn đơn thuần là những tranh luận chính sách mà là hành động chà đạp lên pháp quyền.
Duy chỉ có một loại thuế mà Trump yêu thích là thuế nhập khẩu. Ông tin rằng các nước khác phải chi trả cho khoản thuế này và số tiền thu được có thể dùng để giảm thuế cho giới tỷ phú trong nước. Trump cũng tin rằng thuế quan sẽ giúp xoá sổ thâm hụt thương mại và đưa sản xuất công nghiệp trở lại Mỹ. Vấn đề là thực tế thuế nhập khẩu do các nhà nhập khẩu Mỹ đóng và sẽ làm giá hàng hóa trong nước tăng cao, hơn nữa điều này lại đang diễn ra đúng lúc nền kinh tế Mỹ vừa phục hồi sau giai đoạn lạm phát cao.
Về mặt lý thuyết kinh tế vĩ mô, thâm hụt thương mại đa phương phản ánh sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư trong nước. Việc cắt giảm thuế cho giới tỷ phú chỉ càng làm gia tăng khoảng cách này, vì thâm hụt làm giảm tiết kiệm quốc gia. Nói cách khác, các chính sách như cắt giảm thuế cho người giàu và doanh nghiệp lớn lại khiến thâm hụt thương mại Mỹ ngày càng nghiêm trọng.
Thất bại từ cắt giảm thuế và hệ quả kinh tế - xã hội
Kể từ thời Ronald Reagan, phe cánh hữu luôn cho rằng cắt giảm thuế sẽ tự bù đắp được thông qua tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy điều đó không xảy ra dưới thời Reagan, cũng như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Các nghiên cứu thực nghiệm khẳng định, cắt giảm thuế cho người giàu hầu như không đem lại tác động đáng kể nào lên tăng trưởng hay việc làm, nhưng lại làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập một cách rõ rệt và kéo dài. Nếu được gia hạn, đạo luật cắt giảm thuế lớn nhất lịch sử Mỹ năm 2017 (Tax Cuts and Jobs Act) dự kiến sẽ làm tăng thêm khoảng 37 nghìn tỷ USD nợ công Mỹ trong vòng 30 năm tới mà không mang lại hiệu quả kinh tế như cam kết.
Ở cấp độ vi mô, chính quyền Trump cũng khiến thâm hụt thương mại Mỹ thêm trầm trọng. Từ lâu, Mỹ đã là nền kinh tế dịch vụ với những lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu như du lịch, giáo dục và chăm sóc y tế. Thế nhưng Trump lại liên tục phá hoại từng lĩnh vực này. Ai còn muốn đến Mỹ du lịch, học tập, hay chữa bệnh khi có nguy cơ bị giam giữ vô cớ suốt nhiều tuần? Việc hạn chế thị thực sinh viên, cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu khoa học và làm suy yếu các trường đại học danh tiếng càng khiến những lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ trọng yếu của Mỹ rơi vào khủng hoảng.
Chiến lược sai lầm này đã bắt đầu phản tác dụng. Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đã có động thái đáp trả. Nỗi lo lạm phát đình trệ (stagflation) với lạm phát cao và tăng trưởng yếu đang đè nặng lên thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ. Và đây mới chỉ là khởi đầu.
Chưa dừng lại ở đó, nhờ Bộ Hiệu quả Chính phủ do Elon Musk đứng đầu, nguồn thu ngân sách có thể sụt giảm hơn 10% trong năm nay do công tác kiểm tra và tuân thủ thuế yếu kém hơn. Việc cắt giảm khoảng 50,000 nhân sự Sở Thuế vụ Liên Bang (IRS) sẽ khiến nước Mỹ mất thêm khoảng 2,400 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Trái ngược hoàn toàn với mức tăng dự kiến 637 tỷ USD nếu tiếp tục thực hiện các điều khoản trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) nhằm tăng cường năng lực IRS. Rõ ràng, mục tiêu không chỉ là giảm thuế cho giới giàu có mà còn là làm suy yếu luôn cả cơ chế giám sát và thực thi.
Nguồn: WSJ
Khi các tỷ phú định hình luật chơi mới
Trong bối cảnh dòng vốn và giới siêu giàu ngày càng dễ dàng dịch chuyển xuyên biên giới, hợp tác quốc tế là con đường duy nhất để các chính phủ đảm bảo doanh nghiệp đa quốc gia và tầng lớp thượng lưu phải đóng thuế công bằng. Tuy nhiên, Mỹ dưới thời Trump lại liên tục phá bỏ các thể chế đa phương này: ngừng thu thập dữ liệu chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp; dung túng thị trường tiền điện tử ẩn dan và từ bỏ tiến trình đàm phán công ước thuế toàn cầu. Việc tạm dừng thực thi Đạo luật chống nham nhũng ở nước ngoài (FCPA) cũng cho thấy nước Mỹ giờ đây chẳng còn mấy bận tâm đến các hành vi hối lộ và tham nhũng quốc tế.
Những gì chúng ta đang chứng kiến là một nỗ lực rõ ràng từ Trump, Musk và các đồng minh tỷ phú của họ nhằm xây dựng một kiểu chủ nghĩa tư bản giống như “thiên đường thuế” ngay trên lãnh thổ Mỹ. Đây không đơn thuần là một cuộc nổi loạn về thuế mà là một cuộc tấn công trực diện vào mọi luật lệ cản trở việc tích lũy tài sản và quyền lực ở mức cực đoan.
Điều này thể hiện rõ nhất ở việc họ ủng hộ tiền điện tử. Sự bùng nổ của các sàn giao dịch tiền điền tử lỏng lẻo, các casino trực tuyến và nền tảng cá cược đã thổi bùng nền kinh tế ngầm toàn cầu. Dưới thời Trump, Bộ Tài chính Mỹ đã nới lỏng các hình phạt và quy định với các nền tảng có khả năng che giấu giao dịch, thậm chí còn ký sắc lệnh lập “kho dự trữ chiến lược tiền số” và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về tiền điện tử tại Nhà Trắng. Thượng viện Mỹ sau đó cũng hủy bỏ điều khoản yêu cầu các sàn tiền số phải xác minh và báo cáo danh tính người dùng.
Trump từng phát hành một đồng “meme coin” gây tranh cãi và có thể sắp tung ra một trò chơi điện tử dựa trên “Monopoly” phiên bản crypto. Giờ đây, ông cũng đã bổ nhiệm một người ủng hộ mạnh mẽ tiền điện tử, Paul Atkins vào ghế Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Atkins là một thành viên trong nhóm hoạch định chính sách ủng hộ mạnh cho tài sản kỹ thuật số và các hệ thống tài chính phi ngân hàng.
Suy cho cùng, tiền số chỉ phục vụ một mục đích duy nhất: che giấu tài sản. Khi thế giới đã có đồng USD, JPY, EUR và nhiều loại tiền tệ ổn định khác cộng với các nền tảng thanh toán hiệu quả, thì nhu cầu thực sự với crypto chủ yếu đến từ mục đích giấu tiền và tránh sự kiểm soát của chính phủ, đặc biệt là trong các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế và chuyển tài sản ẩn danh.
Khi thế giới tái định hình toàn cầu hóa không cần nước Mỹ
Phần còn lại của thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn. Thực tế đã cho thấy hợp tác quốc tế có thể mang lại hiệu quả, như mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng lên lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia mà hơn 50 quốc gia đang triển khai. Trong nhóm G20, dưới sự dẫn dắt của Brazil năm ngoái, các nền kinh tế lớn đã nhất trí kêu gọi giới siêu giàu phải đóng góp phần công bằng hơn cho xã hội.
Mỹ có thể đứng ngoài các thỏa thuận quốc tế, nhưng chính điều đó lại giúp các nước còn lại dễ dàng đạt được kết quả tham vọng hơn. Trước đây, Mỹ luôn ép phải giảm nhẹ các điều khoản (để bảo vệ nhóm lợi ích riêng), rồi cuối cùng vẫn từ chối ký kết. Điều này đã xảy ra trong các cuộc đàm phán của OECD về đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia. Giờ đây, phần còn lại của thế giới có thể tiếp tục xây dựng một hệ thống thuế toàn cầu công bằng và hiệu quả hơn.
Giải pháp thật sự để đối phó bất bình đẳng ngày càng trầm trọng chính là hợp tác quốc tế và thể chế bao trùm. Việc Mỹ tự cô lập chính mình đang mở ra cơ hội tái thiết toàn cầu hóa trên nền tảng đa phương đúng nghĩa - một trật tự “G-minus-one” (một thế giới hợp tác đa phương mà không cần đến Mỹ) cho thế kỷ 21.
Nguồn: Spiderum
Giới thiệu về tác giả Joseph E. Stiglitz
Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 và là Giáo sư tại Đại học Columbia. Ông cũng từng đảm nhiệm chức vụ Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 1997-2000 và là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của cựu Tổng thống Bill Clinton.
Ông là Đồng chủ tịch của Ủy ban Cải cách Thuế doanh nghiệp Quốc tế và là tác giả của cuốn sách The Road to Freedom: Economics and the Good Society.
Nguồn: Wikipedia
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Joseph E. Stiglitz
Phòng Tư vấn Vietstock