Mỹ và Trung Quốc đạt "bước tiến lớn" sau hai ngày đàm phán

date
12/05/2025 01:19

Mỹ và Trung Quốc đạt "bước tiến lớn" sau hai ngày đàm phán

Sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Thông tin này được Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer công bố vào ngày 11/05.

Bộ trưởng Bessent đã mô tả các cuộc đàm phán với các quan chức Trung Quốc ở Geneva là "hiệu quả". Ông khẳng định rằng các cuộc thảo luận đã mang lại "rất nhiều" kết quả tích cực và hứa sẽ cung cấp thêm chi tiết trong một buổi họp báo vào sáng ngày 12/05 (giờ Mỹ).

Còn ông Jamieson Greer cho biết: "Điều quan trọng cần được nhấn mạnh là chúng tôi đã đạt được thỏa thuận nhanh đến thế nào, điều này cho thấy có lẽ khác biệt không lớn như nhiều người tưởng. Tuy nhiên, phải nói rằng chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi bước vào hai ngày đàm phán này”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent

Bessent cũng tiết lộ rằng ông và Greer đều đã báo cáo với Tổng thống Donald Trump vào tối ngày 10/05 và đảm bảo "ông ấy nhận đầy đủ thông tin" về các cuộc thảo luận. Đồng thời, ông cho biết phái đoàn Mỹ đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hạ Lập Phong, cùng hai thứ trưởng khác của Trung Quốc, những người mà vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ xem là đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, phía Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng về các cuộc đàm phán này.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng cực độ khi Tổng thống Donald Trump liên tiếp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, đẩy mức thuế lên đến 145%. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng nâng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên mức 125%.

Cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" đã tạo ra bế tắc nghiêm trọng khi cả hai bên đều không muốn nhượng bộ. Tuy nhiên, áp lực từ kinh tế đã buộc cả hai cường quốc phải nhìn nhận lại tình hình.

Tại Mỹ, nỗi lo về kệ hàng trống rỗng có thể đã góp phần tạo ra sự cấp bách cho các cuộc họp. Ông Trump và nhóm kinh tế của ông đã nhận nhiều cảnh báo từ các giám đốc điều hành trong ngành bán lẻ, rằng việc duy trì thuế cao sẽ là tình trạng thiếu hụt như hồi đại dịch COVID-19 cùng với các cú sốc chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang cho thấy những dấu hiệu suy yếu, với nỗi lo giảm phát và rắc rối từ thị trường bất động sản vẫn chưa được giải quyết.

Với những diễn biến tích cực từ cuộc đàm phán ở Geneva, giới quan sát đang kỳ vọng vào một bước ngoặt trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thị trường tài chính toàn cầu đang chờ đợi những thông tin chi tiết sẽ được công bố trong buổi họp báo vào ngày 12/05 để đánh giá tác động thực tế của cuộc đàm phán này.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg, CNBC)

FILI - 00:17:41 12/05/2025