Nghị định 94 và cơ chế sandbox fintech: Đòn bẩy chiến lược cho chuyển đổi số tài chính ngân hàng
Nghị định 94 không chỉ là động thái quản lý linh hoạt mà còn là tầm nhìn thể chế dài hạn, nhằm tạo lập không gian đổi mới sáng tạo có kiểm soát, giúp Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng tài chính số toàn cầu.
Ngày 29/04/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP, đánh dấu bước ngoặt chính sách trong việc chính thức triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong số các giải pháp được phép thí điểm, 3 lĩnh vực trọng yếu gồm: Cho vay ngang hàng (P2P Lending); chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu tài chính qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Các giải pháp này chính là nòng cốt để hình thành một hệ sinh thái tài chính mở, linh hoạt và toàn diện hơn trong tương lai gần.
Người viết đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi để làm rõ một số tác động khi đưa vào thí điểm mô hình này.
![]() ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi |
Khi triển khai Nghị định 94, theo ông, sẽ có tác động như thế nào đến ngân hàng, công ty fintech?
Ông Nguyễn Quang Huy: Theo tôi, khi áp dụng thí điểm sẽ có tác động đa chiều đến ngân hàng, fintech.
Các ngân hàng thương mại, dù chịu áp lực, nhưng sẽ có cơ hội tái định vị. Cho vay ngang hàng có thể khiến ngân hàng mất dần thế độc quyền trong phân khúc tín dụng nhỏ lẻ, nhưng cũng tạo cú hích buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh chiến lược ngân hàng mở (Open Banking), tích hợp API, hợp tác fintech để tối ưu hóa chuỗi giá trị. Dữ liệu từ các nền tảng chấm điểm tín dụng và hành vi tiêu dùng sẽ hỗ trợ ngân hàng cải thiện thuật toán đánh giá rủi ro, đặc biệt với nhóm khách hàng phi truyền thống.
Trong khi đó, doanh nghiệp fintech từ “vùng xám pháp lý” sẽ có cơ hội hướng đến không gian sáng tạo có định hướng. Việc được tham gia sandbox là bước tiến giúp fintech chính danh hóa mô hình kinh doanh, tăng cường năng lực huy động vốn và thu hút nhân tài. Tuy nhiên, sandbox không đồng nghĩa với “giấy phép chính thức”. Công ty fintech cần chuẩn bị năng lực công nghệ, quản trị và tuân thủ để bước ra khỏi sandbox một cách bền vững.
Khách hàng hay người đi vay có lợi ích và rủi ro gì?
Người dân và người đi vay dù mở rộng được lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sandbox mở ra cơ hội tiếp cận tài chính cho hàng triệu người chưa đủ điều kiện vay ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, nếu thiếu hiểu biết tài chính, người dân dễ trở thành nạn nhân của các biến tướng cho vay trá hình, lãi suất cao, hay lạm dụng dữ liệu cá nhân.
Trước đây, cho vay ngang hàng từng chứng kiến những biến tướng tại nhiều quốc gia - từ việc tự ý huy động vốn trái phép, cho vay nặc danh, đến trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùng. Nếu không có lộ trình rõ ràng và sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, giáo dục và công nghệ, để kiểm soát sớm những biến tướng, Việt Nam có thể phải trả giá bằng uy tín hệ thống tài chính.
Theo ông, cần có những giải pháp nào để kiểm soát rủi ro này?
Để sandbox không trở thành “chiếc hộp đóng kín”, lộ trình pháp lý hóa mô hình sau thử nghiệm cần được công bố sớm và minh bạch. Cần một lộ trình cụ thể sau thử nghiệm 2 năm với bộ tiêu chí đánh giá kết quả thử nghiệm rõ ràng, mang tính định lượng. Các bước tiếp theo sau thử nghiệm (thẩm định - cấp phép - tích hợp hệ thống giám sát) được hoạch định cụ thể. Cần có cơ chế cảnh báo rủi ro và khuyến nghị điều chỉnh trong quá trình vận hành sandbox. Sự rõ ràng trong lộ trình sẽ giúp các chủ thể tham gia chủ động đầu tư, vận hành và kiểm soát rủi ro, thay vì bị động chờ đợi hoặc hoạt động trong vùng mờ pháp lý.
Nhìn xa hơn, cần chuẩn bị gì để P2P Lending phát triển bền vững?
Cần xây dựng nền tảng giáo dục và nhận thức để P2P Lending phát triển bền vững.
Công nghệ có thể dẫn đầu, nhưng giáo dục tài chính và hiểu biết cộng đồng mới là nền tảng lâu dài cho sự phát triển bền vững. Để bảo vệ người dân và nâng cao hiệu quả cơ chế sandbox, ngay từ bây giờ, cần khẩn trương tổ chức truyền thông đại chúng về các hình thức tài chính mới, đặc biệt là cho vay ngang hàng và dữ liệu mở.
Song song đó, phải phổ cập kiến thức quản lý tài chính cá nhân cho toàn dân - thông qua truyền hình, mạng xã hội, hội thảo cộng đồng hay đưa môn học “quản lý tài chính cá nhân” và “ứng dụng công nghệ AI trong tài chính” vào chương trình giáo dục từ phổ thông tới đại học.
Khi người dân có nền tảng kiến thức vững chắc, kỹ năng phân tích và năng lực tự bảo vệ thì không chỉ P2P Lending, mà cả nền tài chính quốc gia sẽ phát triển an toàn và hiệu quả hơn trong kỷ nguyên số.
Nghị định 94 là một bước chuyển mình đột phá - nơi thử nghiệm không chỉ là kỹ thuật công nghệ, mà còn là năng lực quản trị chính sách, tầm nhìn thể chế và văn hóa sử dụng tài chính số. Nhưng để trở thành “nền móng vững chắc” cho một hệ thống tài chính hiện đại, Việt Nam cần không chỉ luật lệ đúng, mà cả giáo dục, nhận thức và lộ trình rõ ràng - để mọi chủ thể tham gia đều chủ động, minh bạch và trách nhiệm.
Xin cảm ơn ông.
Cát Lam