Nghị quyết 66: Khắc phục tận gốc bất cập trong xây dựng pháp luật
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Nghị quyết 66 xuất phát từ yêu cầu cấp bách phải nâng cao chất lượng thể chế, giải phóng nguồn lực cho phát triển và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp về một môi trường pháp lý minh bạch và công bằng.
![]() Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày chuyên đề tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW - Ảnh: VGP |
Sáng 18/05, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/04/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/05/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Trình bày chuyên đề tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định việc ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW là yêu cầu khách quan trong tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng, thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn lên giàu mạnh, thịnh vượng.
Theo ông, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với thể chế pháp luật để thực hiện mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây là đòi hỏi một hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ và khả thi.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang đặt ra những vấn đề pháp lý mới, phức tạp, cần được điều chỉnh kịp thời. Hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng yêu cầu pháp luật nội địa phải tương thích với các cam kết và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển. "Nghị quyết là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết quan trọng của Đảng", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Nghị quyết cũng xuất phát từ yêu cầu cấp bách phải khắc phục các hạn chế hiện nay; từ nhu cầu khơi thông, giải phóng nguồn lực cho phát triển; từ mong muốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp về một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng, hiệu quả.
Công tác xây dựng pháp luật là "đột phá của đột phá"
Nghị quyết 66-NQ/TW nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo cần quán triệt sâu sắc trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường vai trò của Đảng trong thi hành pháp luật; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng. Việc xây dựng và thi hành pháp luật phải dung hòa giữa ổn định và đổi mới, thực tiễn và quy luật phát triển, đồng thời tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thứ hai, xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá" trong hoàn thiện thể chế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ của các cơ quan nhà nước mà của cả hệ thống chính trị. Cần thay đổi toàn diện từ tư duy đến cách làm, từ hoạch định chính sách đến tổ chức thực thi.
Thứ ba, pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, tiếp thu tinh hoa nhân loại, trở thành nền tảng vững chắc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "hai con số", nâng cao đời sống người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Công tác xây dựng pháp luật cần bám sát thực tiễn, chú trọng tổng kết, khảo sát, đánh giá tác động chính sách, tiếp thu đầy đủ các góp ý, không đẩy khó khăn về phía người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng văn hóa thượng tôn pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thực thi.
Thứ năm, đầu tư cho xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước cần ưu tiên nguồn lực và có chế độ đặc thù cho hoạt động nghiên cứu, hoạch định chính sách và đội ngũ thực hiện nhiệm vụ này.
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu rõ ràng cho giai đoạn trung và dài hạn. Đến năm 2030, Việt Nam phải có hệ thống pháp luật dân chủ, đồng bộ, minh bạch, tạo nền tảng cho phát triển. Đến năm 2045, xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, hội nhập, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Tùng Phong