Nhà đầu tư lớn vay thế chấp cổ phần quỹ đầu tư tư nhân giữa lúc cạn tiền mặt

date
02/05/2025 20:12

Nhà đầu tư lớn vay thế chấp cổ phần quỹ đầu tư tư nhân giữa lúc cạn tiền mặt

Các quỹ hưu trí và nhiều nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn đã bắt đầu vay thế chấp dựa trên danh mục đầu tư tư nhân của mình nhằm huy động tiền mặt, trong bối cảnh hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A), phát hành cổ phiếu ra công chúng chững lại, làm mờ đi hy vọng thoái vốn khỏi hàng ngàn tỷ USD đang bị mắc kẹt trong những thương vụ trước đó.

Trong những tháng gần đây, các nhà đầu tư đã chuyển sang hình thức vay dựa trên giá trị tài sản ròng (NAV loans) để tăng thanh khoản, khi phần lớn danh mục đầu tư của họ đang bị giam trong các tài sản thuộc lĩnh vực đầu tư tư nhân, vốn đầu tư mạo hiểm và bất động sản – những lĩnh vực gần như không mang lại dòng tiền mặt đáng kể.

Trong chiến lược này, người vay dùng phần sở hữu quỹ làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, vốn chủ yếu được các tập đoàn đầu tư tư nhân sử dụng để huy động tiền mặt khi mua lại doanh nghiệp hoặc chia cổ tức. Tuy nhiên hiện nay, các nhà đầu tư quỹ cũng đang áp dụng cách này nhằm tạo ra dòng tiền mà không phải bán tháo tài sản với giá bất lợi.

Các nhà đầu tư vào lĩnh vực đầu tư tư nhân đang thiếu tiền mặt do các khoản phân phối mà quỹ trả về trong 3 năm qua chỉ bằng khoảng một nửa mức trung bình lịch sử, khiến lượng giao dịch đầu tư tư nhân chưa thoái vốn tồn đọng lên mức kỷ lục 3,000 tỷ USD vào năm ngoái. Theo Cambridge Associates, hiện có một khoảng thiếu hụt tiền mặt từ 400 đến 500 tỷ USD lẽ ra đã phải được trả lại cho nhà đầu tư.

Đầu năm nay, các chuyên gia giao dịch dự báo hoạt động M&A và phát hành cổ phiếu ra công chúng sẽ phục hồi, qua đó giúp giải phóng tài sản tồn đọng. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại do Donald Trump phát động đã khiến thị trường đóng băng, các lãnh đạo quỹ đầu tư tư nhân dự báo các đợt IPO có thể bị trì hoãn đến hết năm nay.

“Không phải cứ bấm nút là mọi thứ thay đổi ngay lập tức”, ông Michael Hacker, Giám đốc toàn cầu mảng tài chính danh mục và là đối tác của nhóm đầu tư thứ cấp tại Carlyle AlpInvest, nhận định. “Nhiều hoạt động trên thị trường hiện nay thực chất đã được chuẩn bị từ năm ngoái, khi nhiều thương vụ dự kiến thoái vốn bất thành”.

Các khoản vay dựa trên giá trị tài sản ròng thường được xem là giải pháp thay thế cho việc bán cổ phần quỹ đầu tư tư nhân trên thị trường thứ cấp, một kênh khác mà nhà đầu tư đã tận dụng để huy động tiền mặt gần đây. Bằng cách đi vay thay vì bán, nhà đầu tư có thể nhận được tiền mặt mà không phải bán cổ phần với giá chiết khấu và ghi nhận lỗ.

Các khoản vay này thường có thời hạn 4 đến 5 năm, với tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo khoảng 20%, khiến các bên mua như công ty bảo hiểm và quỹ tín dụng tư nhân đánh giá đây là tài sản an toàn.

Tuy nhiên, hình thức vay dựa trên giá trị tài sản ròng vẫn gây tranh cãi trên Phố Wall vì chúng đòi hỏi nhà đầu tư phải thế chấp chéo tài sản của quỹ, về bản chất là dùng cả một rổ tài sản để bảo đảm cho khoản vay, đồng nghĩa với việc đặt toàn bộ khoản đầu tư tại quỹ vào rủi ro. Năm ngoái, một hiệp hội ngành đã ban hành hướng dẫn về việc sử dụng hình thức vay dựa trên giá trị tài sản ròng để chi trả cổ tức, sau khi Financial Times đưa tin về xu hướng gia tăng của hình thức này.

Các đơn vị cung cấp hình thức vay dựa trên giá trị tài sản ròng tích cực nhất hiện nay bao gồm 17 Capital cùng các tập đoàn lớn như Carlyle và Ares Management.

Các nhà đầu tư bắt đầu sử dụng hình thức vay dựa trên giá trị tài sản ròng từ vài năm trước, khi các công cụ tài chính như chứng khoán hóa quỹ trở nên phổ biến hơn, giúp khai thông dòng tiền từ lượng tài sản chưa thoái vốn.

Ngoài các quỹ hưu trí và tổ chức lớn, các văn phòng quản lý tài sản gia đình (family offices) và quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth funds) cũng đã sử dụng hình thức vay dựa trên giá trị tài sản ròng, theo các nguồn tin tham gia giao dịch. Đến nay, các khoản vay lớn nhất đã lên tới khoảng 800 triệu USD; tuy nhiên, những người am hiểu các giao dịch sắp tới cho biết con số này sẽ sớm vượt mốc 1 tỷ USD.

“Mặc dù không phải ai cũng sử dụng, nhưng đây là công cụ quản lý thanh khoản mà các đối tác lớn và có trình độ cao đang dùng để quản lý bảng cân đối kế toán của mình”, một bên cho vay từng cung cấp tài chính cho các khoản vay này cho biết.

Quốc An (Theo FT)

fili - 19:10:00 02/05/2025