Ông trùm Jamie Dimon cảnh báo về nguy cơ đình lạm, ủng hộ Fed giữ nguyên lãi suất
Jamie Dimon - người đứng đầu JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - không loại trừ khả năng nước Mỹ rơi vào tình trạng đình lạm (stagflation), đồng thời cảnh báo về những rủi ro từ thâm hụt tài khóa, địa chính trị và áp lực giá cả.
Phát biểu tại Hội nghị Trung Quốc Toàn cầu ở Thượng Hải, vị CEO kỳ cựu này cho rằng: "Tôi không đồng ý rằng chúng ta đang ở trong một vị thế tuyệt vời".
![]() Ông Jamie Dimon - người đứng đầu JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ |
Quan điểm của Dimon phản ánh sự thận trọng của giới lãnh đạo tài chính hàng đầu khi nhìn nhận tình hình kinh tế hiện tại. Ông chỉ ra rằng nước Mỹ đang đối mặt với "những rủi ro lớn từ địa chính trị, thâm hụt ngân sách và áp lực giá cả". Đây là những yếu tố mà theo ông có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng đình lạm - một kịch bản kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng chậm.
Ông Dimon ủng hộ quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed. Ông cho rằng NHTW Mỹ "đang làm đúng khi chờ đợi và quan sát trước khi quyết định về chính sách tiền tệ". Thực tế, các quan chức Fed đã giữ nguyên lãi suất trong năm nay trong bối cảnh kinh tế vẫn vững chắc nhưng đầy bất định vì các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các quan chức Fed cảnh báo nguy cơ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Mặc dù hai nước đã đồng ý giảm mạnh thuế quan trong 90 ngày để tìm kiếm thỏa thuận mới, các nhà phân tích dự báo thuế quan của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc vẫn sẽ duy trì ở mức đủ cao để "hạn chế nghiêm trọng xuất khẩu của Trung Quốc" sau khi thỏa thuận kết thúc.
"Tôi không nghĩ Chính phủ Mỹ muốn tách rời khỏi Trung Quốc. Tôi hy vọng họ sẽ có vòng hai, vòng ba hoặc vòng bốn và hy vọng cuối cùng sẽ kết thúc tốt đẹp", ông Dimon nhận định.
Những tuyên bố thuế quan hỗn loạn của ông Trump và nỗ lực thu hẹp hoặc đóng cửa các cơ quan Chính phủ đã tạo ra làn sóng lo ngại về thương mại, lạm phát, thất nghiệp và cả nguy cơ suy thoái. Các công ty đang tạm dừng mở rộng, bao gồm cả các thương vụ M&A, theo lời của các giám đốc ngân hàng.
Tại JPMorgan, đồng CEO Troy Rohrbaugh dự báo phí dịch vụ từ mảng ngân hàng đầu tư có thể giảm "ở mức hai con số so với một năm trước".
Gần đây, JPMorgan đã ra mắt "Trung tâm Địa chính trị" với nghiên cứu về các điểm nóng như Nga-Ukraine, Trung Đông và xu hướng tái vũ trang toàn cầu. Theo ông Dimon, trung tâm này "vừa phục vụ cho chúng tôi, vừa để hỗ trợ khách hàng" khi họ thường xuyên hỏi "nên làm gì với đất nước này, làm thế nào để nhìn nhận rủi ro".
Về vấn đề tài chính công, ông Dimon nhấn mạnh rằng Mỹ phải "giải quyết các vấn đề thâm hụt”, và cũng hiểu tại sao các nhà đầu tư lại muốn giảm tài sản bằng USD. Điều này diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo Đảng Cộng hòa Hạ viện điều chỉnh lại dự luật thuế và chi tiêu khổng lồ nhằm thuyết phục các thành viên trong Đảng Cộng hòa thông qua dự luật này.
Thị trường trái phiếu đã phản ánh những lo ngại này khi trái phiếu Chính phủ Mỹ Mỹ tiếp tục đợt bán tháo, với lợi suất trái phiếu 30 năm tăng tới 13 điểm cơ bản lên gần 5.1% - mức cao nhất kể từ năm 2023.
"Tôi không lo lắng về những biến động ngắn hạn của đồng bạc xanh, nhưng tôi hiểu mọi người có thể đang giảm tài sản bằng USD", ông Dimon cho biết.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)