Phá vỡ thế bế tắc thương mại Mỹ - Trung, ai xuống nước trước?
Một cuộc gặp bí mật diễn ra tại tầng hầm trụ sở IMF đã tạo bước ngoặt quan trọng, mở đường cho thỏa thuận thuế quan mà cả Mỹ và Trung Quốc đều xem là chiến thắng cho mình.
![]() Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong © FT tổng hợp; AFP/Getty Images |
Ai là bên xuống nước trước?
Cuộc gặp đầu tiên nhằm tháo gỡ thế bế tắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra cách đây gần ba tuần tại tầng hầm trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong bầu không khí tuyệt đối bí mật.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, nhân dịp tham dự các cuộc họp mùa xuân của IMF tại Washington, đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An để thảo luận về tình trạng gần như tê liệt trong thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc gặp chưa từng được tiết lộ này đánh dấu lần tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức và phát động cuộc chiến thuế quan. Đỉnh điểm của các cuộc đàm phán là vào cuối tuần qua tại Geneva, nơi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã nhất trí về một thỏa thuận đình chiến, theo đó hai bên sẽ cùng cắt giảm tổng cộng 115 điểm phần trăm thuế quan trong vòng 90 ngày tới.
Dù cả Washington và Bắc Kinh đều khẳng định sẵn sàng “cầm cự lâu dài”, nhưng thỏa thuận đình chiến lại được chốt nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Một câu hỏi lớn, có ý nghĩa quyết định đặt ra cho các vòng đàm phán tiếp theo, đó là: Bắc Kinh hay Washington là bên nhượng bộ trước?
Ngày 12/05, Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến thắng, khẳng định ông đã tạo ra một “cuộc tái thiết hoàn toàn” trong quan hệ với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, ông Hồ Tích Tiến, cựu Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo, lại viết trên mạng xã hội rằng đây là “một chiến thắng lớn của Trung Quốc”.
“Mỹ đã xuống nước”, một bài đăng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc bình luận về thỏa thuận này.
Các chuyên gia kinh tế đều nhất trí rằng Mỹ có thể đã tự đẩy mình vào thế khó khi tăng thuế quá nhanh và quá cao. Chuyên gia Alicia García-Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis (Pháp), nhận định: “Mỹ là bên chớp mắt trước. Họ nghĩ có thể tăng thuế gần như vô hạn mà không bị tổn thương, nhưng thực tế không phải vậy”.
![]() Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer (bên trái) và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tại Geneva vào ngày 12/05 © Jean-Christophe Bott/AP |
Mỹ và Trung Quốc đều lập luận rằng phía đối phương mới là bên chịu nhiều tổn thương hơn từ các mức thuế quan. Tuy nhiên, tốc độ tháo gỡ thuế quan nhanh chóng tại Geneva lại cho thấy cuộc chiến thương mại đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho cả hai phía.
Viễn cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời hoàn toàn đe dọa hàng triệu lao động Trung Quốc mất việc làm, trong khi người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với lạm phát tăng cao và tình trạng khan hiếm hàng hóa trên các kệ siêu thị.
Chuyên gia Craig Singleton từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Washington) nhận định, điều đáng chú ý là thỏa thuận được chốt nhanh như vậy, cho thấy “cả hai bên đều bị dồn vào thế bí về kinh tế hơn những gì họ thể hiện ra bên ngoài”.
Dù Bắc Kinh đã đối đầu sòng phẳng với Washington trong cuộc chiến thuế quan dưới thời Tổng thống Trump, các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo lập một sân chơi công bằng, bởi Mỹ hiện vẫn duy trì mức thuế cao hơn nhiều đối với hàng hóa Trung Quốc so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Không dễ dàng hướng tới một thỏa thuận lâu dài
Theo tính toán của Capital Economics, tổng thuế quan Mỹ đánh lên hàng hóa Trung Quốc sẽ vẫn ở mức khoảng 40% sau thỏa thuận đình chiến, trong khi thuế Trung Quốc áp lên hàng Mỹ khoảng 25%. Các chuyên gia cũng cảnh báo con đường hướng tới một thỏa thuận lâu dài sẽ không hề dễ dàng.
“Đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ như một chuyến tàu lượn siêu tốc” (ngụ ý rằng quá trình đàm phán sẽ liên tục thay đổi, lúc lên lúc xuống, có thể xảy ra những diễn biến bất ngờ, căng thẳng rồi lại hạ nhiệt), ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định. “Thị trường có thể tạm thở phào, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi rừng rậm”.
![]() Một chiếc mũ “ Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” sản xuất tại Trung Quốc được bày bán ở New York © Richard Drew/AP |
Trước thềm đàm phán, ông Bessent từng cảnh báo rằng mức thuế cao hiện tại là không bền vững, chẳng khác nào một lệnh cấm vận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thỏa thuận đình chiến ít nhất đã thu hẹp khoảng cách đủ để các nhà sản xuất Trung Quốc vốn có lợi thế cạnh tranh về giá duy trì hoạt động tại thị trường Mỹ.
Ông Alfredo Montufar-Helu, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc thuộc tổ chức The Conference Board ở New York, nhận định rằng các nhà sản xuất Trung Quốc không thể nào bù đắp được mức thuế 145% mà Mỹ áp đặt. “Nhưng ở mức 30%, tôi cho rằng phần lớn hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ lấy lại được sức cạnh tranh”.
Trước các cuộc đàm phán tại Geneva, ông Bessent từng cho rằng hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận kinh tế - thương mại toàn diện, nhấn mạnh rằng cần “giảm leo thang căng thẳng trước khi tiến xa hơn”.
Tuy nhiên, đến ngày 12/05, ông lại tỏ ra lạc quan, hé lộ khả năng Washington sẽ tìm kiếm các “thỏa thuận mua hàng” vốn là đặc trưng của giai đoạn đầu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dưới thời Trump.
Khi đó, Bắc Kinh từng cam kết mua một lượng lớn nông sản như đậu tương và hàng hóa sản xuất của Mỹ, nhưng các cam kết này đã bị gián đoạn do đại dịch. “Sẽ có khả năng đạt được các thỏa thuận mua hàng để thu hẹp thâm hụt thương mại song phương lớn nhất của chúng ta”, ông Bessent nói.
Ông Bessent và ông Greer cũng bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu tiền chất fentanyl vào Mỹ.
![]() Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi công bố các vụ bắt giữ và thu giữ ma túy trong một chiến dịch truy quét fentanyl tại New Mexico © Jim Lo Scalzo/EPA-EFE/Shutterstock |
“Điều khiến tôi bất ngờ tích cực cuối tuần qua là mức độ hợp tác của Trung Quốc về khủng hoảng fentanyl”, ông Bessent chia sẻ.
Ông cho biết đoàn Trung Quốc có một quan chức đã có cuộc trao đổi “rất sâu sắc và chi tiết” với đại diện đội an ninh quốc gia Mỹ.
Với Bắc Kinh, một thỏa thuận về fentanyl có thể giúp xóa bỏ 20 điểm phần trăm thuế còn lại mà ông Trump từng áp đặt, đưa Trung Quốc về gần mức ngang bằng với các quốc gia khác xuất khẩu vào Mỹ.
Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với các mức thuế chuyên ngành, như thuế thời Biden áp lên xe điện. Tuy nhiên, các quốc gia khác cũng sẽ bị Mỹ áp thuế tương tự ở những lĩnh vực này.
Dù có được khoảng lặng này, các nhà kinh tế vẫn cảnh báo rằng quan hệ song phương tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, với chính sách khó lường của ông Trump được dự báo sẽ khiến Trung Quốc tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và kích thích cầu nội địa.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng có khả năng tận dụng 90 ngày đàm phán để đẩy mạnh xuất hàng sang Mỹ, điều này có thể dẫn đến việc thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lại tăng vọt.
“Việc đạt được một giải pháp bền vững vẫn là thách thức lớn, xét tới sự phức tạp trong quan hệ song phương”, chuyên gia kinh tế Robin Xing của Morgan Stanley nhận định.
Quốc An (theo FT)