Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp là đối tác, không còn là đối tượng bị quản lý
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết 68 không chỉ trao lại quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp, mà còn thiết lập các cơ chế cụ thể để doanh nghiệp nhỏ, vừa và startup tiếp cận đất đai, vốn và thị trường thuận lợi hơn.
![]() Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng |
Trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đánh dấu bước ngoặt về tư duy, thể chế và cách tiếp cận đối với khu vực này.
Theo Phó Thủ tướng, điểm đột phá đầu tiên là sự thay đổi trong quan điểm và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Nếu trước đây, khu vực kinh tế tư nhân được xem là một bộ phận, sau là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thì nay, Nghị quyết khẳng định đây là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. "Chúng ta đã nhìn nhận và khẳng định đúng vai trò của khu vực này, dựa trên những đóng góp thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí xứng đáng. Đây là một thay đổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng", ông Dũng nói.
Nghị quyết cũng mạnh dạn khẳng định các quyền cơ bản của doanh nghiệp, như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và quyền tiếp cận công bằng với các nguồn lực. Dù những quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp khó phát huy hết tiềm năng.
Một thay đổi lớn khác là chuyển tư duy từ "quản lý" sang "đồng hành". "Trước đây, doanh nghiệp được coi như một đối tượng để quản lý, nhưng bây giờ, chúng ta xác định doanh nghiệp tư nhân là đối tác để cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước", Phó Thủ tướng nói. Các chính sách mới cũng sẽ lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, phục vụ sự phát triển, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào các dự án lớn, mang tính chiến lược của quốc gia.
Ông nhấn mạnh đây là một cuộc cách mạng về tư duy và thể chế, đặc biệt thể hiện qua việc từ bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy "không quản được thì cấm". "Lần này, chúng ta chủ động thiết kế, kiến tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển, để dòng chảy kinh tế được lưu thông một cách tự nhiên, thậm chí làm cho chảy nhanh hơn, đúng hướng hơn, tốt hơn, chứ không phải là ngăn cấm", ông nói.
Phó Thủ tướng cũng cho biết: "Chúng ta coi doanh nghiệp là đối tác và đã mạnh dạn chuyển từ cơ chế 'tiền kiểm' sang 'hậu kiểm'. Đây là những thay đổi rất lớn về thể chế". Theo ông, thay vì siết chặt đầu vào nhưng buông lỏng đầu ra như mô hình "hình nón ngược", cơ chế mới học hỏi từ quốc tế theo hướng "hình chiếc phễu" - thông thoáng đầu vào, kiểm soát chặt chẽ đầu ra thông qua tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát. Điều này giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.
Bên cạnh thay đổi tư duy, Nghị quyết cũng đưa ra 8 nhóm chính sách cụ thể, theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư là phải "trúng" và "đúng". Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chính sách phải "đột phá", "đủ mạnh", "toàn diện", "cụ thể", "dễ hiểu", "dễ nhớ" và có thể "triển khai thực hiện ngay".
Một điểm mới đáng chú ý là chính sách tiếp cận đất đai. Mỗi địa phương phải dành tối thiểu 5% hoặc khoảng 20 ha đất sạch đã có hạ tầng trong các khu/cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và startup. Ngoài ra, các doanh nghiệp này được giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm. Doanh nghiệp hạ tầng nếu cung cấp đất giá ưu đãi cho các đối tượng này sẽ được khấu trừ vào số thuế đất phải nộp.
Về tiếp cận vốn, Nghị quyết yêu cầu xây dựng kênh tín dụng thương mại riêng cho các doanh nghiệp nhỏ, startup, doanh nghiệp mới thành lập hoặc hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, xanh. Đồng thời, sẽ có chính sách hỗ trợ lãi suất, cho phép dùng tài sản hình thành trong tương lai hoặc tín chấp làm bảo đảm vay vốn - điều vốn rất khó trước đây. Các ngân hàng thương mại cũng được khuyến khích xem xét cho vay thuận lợi hơn với chi phí thấp hơn.
Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu nghiêm cấm các hành vi thanh tra, kiểm tra gây nhũng nhiễu, trùng lặp, kéo dài không cần thiết. Mỗi doanh nghiệp chỉ bị thanh tra, kiểm tra một lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. "Việc cố gắng chuyển sang thanh tra trực tuyến, giảm thanh tra trực tiếp, là cải cách rất mạnh mẽ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến xử lý sai phạm, ông Dũng cho biết Nghị quyết khẳng định ưu tiên các biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế với những vụ việc liên quan đến dân sự, hành chính, kinh tế. Đặc biệt, "nếu trong trường hợp pháp luật có thể hiểu theo hướng xử lý hình sự cũng được, hoặc không xử lý hình sự cũng được thì Nghị quyết yêu cầu cương quyết không xử lý hình sự". Nếu buộc phải xử lý hình sự, biện pháp kinh tế khắc phục hậu quả sẽ là căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm. "Đây là điểm rất mới và mang tính đột phá", ông Dũng nhấn mạnh.
Tùng Phong