PHS: Định giá hấp dẫn cùng nền tảng vĩ mô ổn định là động lực để VN-Index duy trì sự phục hồi
Trong báo cáo chiến lược tháng 5/2025, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, mức định giá hấp dẫn cùng nền tảng vĩ mô ổn định là động lực để VN-Index duy trì sự phục hồi, nhưng cần lưu ý đến những yếu tố bất định bên ngoài như thuế quan. Do đó, nhà đầu tư duy trì vị thế đầu tư dài hạn nhưng hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này.
Trên phương diện kinh tế toàn cầu, PHS kỳ vọng đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong tháng 5 và 6, hỗ trợ bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thương mại sẽ không thể đạt kết quả nhanh chóng trong vòng 1 - 2 tháng tới, đồng nghĩa thị trường tài chính sẽ tiếp tục dao động mạnh trong biên độ rộng, với các nhịp tăng giảm dựa trên diễn biến thông tin đàm phán.
Ngoài ra, sự gia tăng của lợi suất trái phiếu trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận toàn cầu suy giảm đang là một yếu tố đáng lo ngại. Nguy cơ thị trường chứng khoán toàn cầu phải tái định giá (re-rate) là hiện hữu, và khả năng bứt phá mạnh mẽ trở nên khó khăn hơn. Nhà đầu tư cần duy trì sự thận trọng, tập trung vào quản trị rủi ro và linh hoạt trong chiến lược đầu tư.
Trong nước, giữa bối cảnh cuộc chiến thuế quan bắt đầu tác động, bức tranh kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều khó khăn rõ nét. Mức thuế 10% tuy thấp hơn dự kiến ban đầu (46%) nhưng cũng đủ để tạo ra tâm lý thận trọng, khiến hoạt động sản xuất có dấu hiệu chững lại.
Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng, cho thấy còn nhiều thách thức trong việc triển khai các dự án quan trọng. Tuy nhiên, PHS vẫn duy trì kỳ vọng vào nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh giải ngân, đặc biệt sau khi hoàn tất ổn định nhân sự và sáp nhập tỉnh thành vào quý 2. Chính phủ Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng và không ngừng cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một dấu mốc quan trọng, thể hiện tư duy cởi mở và cam kết thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển bền vững. Đây không chỉ là tín hiệu củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực tư nhân mà còn mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Các giải pháp như cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những biện pháp thiết thực, giúp giảm gánh nặng chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, định hướng phát triển tối thiểu 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ khẳng định vai trò của khu vực tư nhân mà còn đặt nền móng cho quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Về thương mại quốc tế, PHS duy trì quan điểm thận trọng. Dù kỳ vọng đàm phán thương mại sẽ giúp mức thuế quan giảm về khoảng 20%, nhưng áp lực trong ngắn hạn vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình toàn cầu còn nhiều biến động.
Gần đây, việc chuyển hướng sang Ấn Độ đang ngày càng được các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh, điển hình như Apple, Samsung, LG,… để tận dụng lợi thế nhân công, thị trường tiêu thụ tiềm năng và thuế đối ứng thấp 26% (so với các quốc gia đối thủ khác như ASEAN theo danh sách của ông Trump).
Tuy vậy, Việt Nam vẫn có những lợi thế riêng về vị trí địa lý, tài nguyên, tính ổn định của chính trị, trình độ nhân công, môi trường đầu tư… và vẫn sẽ là điểm đến của dòng vốn đầu tư khi tình hình ổn định hơn. Vì vậy, PHS vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư công, bất động sản, công nghệ và các tập đoàn tư nhân lớn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ chốt.
Tổng kết lại, PHS cho rằng Chính phủ & NHNN hiện có nhiều công cụ để hỗ trợ nền kinh tế, từ duy trì môi trường lãi suất thấp đến giảm thuế phí, giải ngân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh và giảm thiểu tác động từ những bất ổn bên ngoài. Tuy nhiên trong ngắn hạn, kinh tế tháng 5 sẽ tiếp tục khắc họa rõ nét hơn các khó khăn nếu như chưa có tiến triển mới trong đàm phán.
Về tỷ giá, PHS duy trì nhận định rằng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định quanh ngưỡng 25,850 - 26,100. PHS kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0.25% vào tháng 6, qua đó, tỷ giá có thể giảm nhiệt về dưới mức 25,800 trong trường hợp Việt Nam sớm chốt được thỏa thuận với phía Mỹ. Ngược lại, trong trường hợp mức thuế quan vượt trên 25%, tỷ giá sẽ chạm mốc 26,200.
![]() Nguồn: PHS |
Trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn giảm sốc, thị trường đã và đang bước vào nhịp phục hồi tích cực. Mức định giá thị trường hấp dẫn cùng nền tảng vĩ mô ổn định là động lực để VN-Index có thể duy trì xu hướng phục hồi. Ngoài ra, việc đưa vào vận hành hệ thống KRX cũng mở ra bước ngoặt cho thị trường Việt Nam để hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu giải ngân mua ròng trở lại kể từ khi KRX được vận hành chính thức.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cần phải lưu ý đến những yếu tố bất định từ bên ngoài. Kết quả thỏa thuận thuế quan với Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Do đó, các nhà đầu tư ưu tiên duy trì vị thế đầu tư dài hạn nhưng hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này.
![]() Nguồn: PHS |
Huy Khải