Quốc hội thông qua nghị quyết đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Hàng loạt chính sách đặc biệt vừa được Quốc hội thông qua nhằm khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Từ ưu đãi thuế đến hạn chế thanh kiểm tra và bảo đảm môi trường pháp lý ổn định, công bằng.
Với 429/434 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thánh, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
![]() Các đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân |
Miễn thuế 3 năm, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp sáng tạo
Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, Nhà nước sẽ bố trí kinh phí cung cấp miễn phí các nền tảng số và phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh.
Đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp và tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp.
Ngoài ra, nghị quyết miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp và quyền mua vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp và các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 2 năm và giảm 50% số thuế trong 4 năm tiếp theo.
Hỗ trợ lãi suất 2% cho dự án xanh, tuần hoàn
Doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, hộ và cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Thanh tra, kiểm tra không quá một lần mỗi năm
Nghị quyết quy định mỗi doanh nghiệp, hộ hoặc cá nhân kinh doanh chỉ bị thanh tra, kiểm tra tối đa một lần mỗi năm, kể cả kiểm tra liên ngành, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Việc thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu. Các hành vi lợi dụng thanh tra, kiểm tra để gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm.
Ưu tiên biện pháp kinh tế, dân sự, không hình sự hóa quan hệ kinh tế
Nghị quyết nhấn mạnh nguyên tắc phân định rõ giữa trách nhiệm pháp nhân và trách nhiệm cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự. Với các vi phạm dân sự, kinh tế, sẽ ưu tiên áp dụng biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước.
Trường hợp có thể dẫn tới xử lý hình sự thì chỉ thực hiện khi cần thiết và sau khi đã xem xét các biện pháp khắc phục thiệt hại kinh tế một cách chủ động, kịp thời. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét việc khởi tố, điều tra và xét xử.
Nghị quyết cũng quy định không áp dụng hồi tố pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ hoặc cá nhân kinh doanh.
Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, hạn chế tác động điều tra đến hoạt động sản xuất
Khi tài liệu, chứng cứ chưa rõ ràng để kết luận hành vi vi phạm, cơ quan có trách nhiệm phải sớm kết luận và công bố công khai. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội. Việc phong tỏa, kê biên, niêm phong tài sản phải tương xứng với hậu quả thiệt hại dự kiến và không được ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng yêu cầu phân biệt rõ tài sản hợp pháp với tài sản liên quan đến hành vi vi phạm; phân biệt giữa tài sản của doanh nghiệp với cá nhân quản lý trong xử lý các vi phạm.
Tùng Phong