Quỹ ngoại muốn nâng sở hữu lên hơn 23%, Chủ tịch APG đăng ký bán gần hết cổ phần
Trong khi quỹ đầu tư PANDO 1 Investment mạnh tay đăng ký gom thêm 40 triệu cp APG để nâng sở hữu lên 23.14%, Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng lại muốn bán ra gần hết số cổ phần đang nắm giữ. Giao dịch của 2 bên dự kiến diễn ra cùng thời gian, nhiều khả năng là giao dịch sang tay.
Quỹ đầu tư PANDO 1 INVESTMENT PTE.LTD vừa thông báo đăng ký mua 40 triệu cp CTCP Chứng khoán APG (HOSE: APG) trong thời gian từ 20/05-18/06, nhằm nâng sở hữu từ 5.25% lên 23.14%, tương ứng 51.74 triệu cp. Mục đích giao dịch là cơ cấu danh mục đầu tư.
PANDO 1 là tổ chức có liên quan đến người nội bộ của APG - ông Ong Tee Chun, Thành viên HĐQT APG đồng thời là Giám đốc của quỹ. Ông Chun không sở hữu trực tiếp cổ phần nào tại APG và vừa được bầu bổ sung vào HĐQT trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2025 ngày 25/04, sau khi 2 thành viên HĐQT miễn nhiệm.
Động thái muốn gom mạnh cổ phần diễn ra ngay sau khi quỹ này chính thức trở thành cổ đông lớn của APG vào ngày 14/04 với việc mua thêm 850,400 cp, nâng tỷ lệ sở hữu lên 5.25%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu APG hiện giao dịch sát ngưỡng 12,000 đồng/cp, tăng 39% trong 1 quý và hơn gấp đôi so với đầu năm. Với mức giá này, quỹ PANDO 1 cần chi khoảng 480 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Diễn biến giá cổ phiếu APG từ đầu năm 2025 đến nay | ||
Đáng chú ý, từ cuối tháng 3, cổ phiếu APG liên tục ghi nhận giao dịch thỏa thuận lớn từ khối ngoại. Riêng trong 3 phiên 24-27/03, khối ngoại đã mua thỏa thuận hơn 8.6 triệu cp. Giai đoạn 31/03-14/04 tiếp tục ghi nhận thêm hơn 3 triệu cp được sang tay. Sau một thời gian tạm ngưng, trong 2 ngày 13-14/05 ghi nhận thêm hơn 1.4 triệu cp được giao dịch thỏa thuận. Tổng cộng, chưa đầy 2 tháng (24/03-14/05), khối ngoại đã giao dịch thỏa thuận hơn 13 triệu cp APG, trị giá 130.5 tỷ đồng, bình quân khoảng 10,000 đồng/cp.
|
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Hồ Hưng - Chủ tịch HĐQT APG vừa đăng ký bán ra 6 triệu cp APG, tương ứng gần 90% lượng cổ phần ông đang nắm giữ, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 3.03% xuống còn 0.35% (tương đương 783,803 cp). Giao dịch dự kiến diễn ra từ 20/05-18/06, trùng thời gian với quỹ PANDO 1 đăng ký mua vào, nhiều khả năng là giao dịch sang tay. Nếu bán thành công, ông Hưng có thể thu về khoảng 72 tỷ đồng.
Trước đó, ông Hưng đã bán trọn 5 triệu cp APG trong đầu tháng 10/2024, hạ tỷ trọng sở hữu xuống mức 3.03%, đồng thời không còn là cổ đông lớn tại đây.
Lãi trước thuế quý 1 tăng mạnh 75%
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, APG đặt mục tiêu doanh thu 100 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước; tuy nhiên, lãi trước thuế dự kiến 30 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lỗ gần 146 tỷ đồng năm 2024.
Trong quý 1/2025, doanh thu hoạt động APG đạt gần 25 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi trước thuế tăng mạnh 75% lên hơn 11 tỷ đồng, nhờ lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng, đồng thời lỗ từ tài sản tài chính giảm. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 25% kế hoạch doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh hàng quý giai đoạn 2022-2025 của APG | ||
Ngoài ra, ngày 15/05, APG công bố quyết định xử phạt hành chính từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) với tổng số tiền 120 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định.
Thế Mạnh