Quyết định chi 200 tỷ USD làm từ thiện của Bill Gates trước áp lực thời Trump

date
11/05/2025 10:02

Quyết định chi 200 tỷ USD làm từ thiện của Bill Gates trước áp lực thời Trump

Bill Gates dự định chi gần như toàn bộ tài sản của mình trong 20 năm tới, nhưng các đợt cắt giảm ngân sách viện trợ của Chính phủ đang đặt ra thách thức lớn đối với tham vọng nâng cao y tế toàn cầu của ông.

Cách đây 25 năm, khi còn là người giàu nhất thế giới, Bill Gates đã tuyên bố sẽ bắt đầu cho đi phần lớn tài sản để cứu sống con người và giảm nghèo ở trong nước lẫn quốc tế. Từ đó đến nay, Quỹ Bill & Melinda Gates do ông và vợ cũ Melinda French Gates sáng lập đã đóng góp hơn 100 tỷ USD cho các lĩnh vực y tế, phát triển và giáo dục toàn cầu

Giờ đây, khi sắp bước sang tuổi 70, Bill Gates quyết định đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong 20 năm tới, Quỹ Gates (được đổi tên sau cuộc ly hôn năm 2021) dự kiến sẽ phân phối thêm 200 tỷ USD và chính thức đóng cửa vào ngày 31/12/2045, khi ông tròn 90 tuổi. Bill Gates cam kết sẽ sử dụng hết 99% tài sản, chỉ giữ lại một phần nhỏ, như ông từng dí dỏm, là “đủ để mua cây vợt tennis của tôi”.

Trong bức thư công bố điều mà ông gọi là chương cuối trong sự nghiệp, Bill Gates dẫn lại câu nói nổi tiếng của Andrew Carnegie, ông trùm thép và nhà từ thiện thế kỷ 19: “Người chết giàu là người chết trong ô nhục”. Bill Gates khẳng định, có thể người ta sẽ bàn tán nhiều điều về ông, “nhưng tôi quyết tâm rằng ‘ông ấy chết giàu’ sẽ không phải là một trong số đó”.

Trong suốt 25 năm làm từ thiện, Bill Gates không chỉ nhận được lời khen mà còn đối mặt với nhiều chỉ trích, từ cáo buộc dùng quỹ từ thiện để tránh thuế, mua ảnh hưởng cho đến những thuyết âm mưu như cấy chip vào não người. Dù vậy, ông vẫn kiên định với con đường đã chọn. Bill Gates tin rằng, bằng cách đẩy nhanh tốc độ giải ngân, ông có thể góp phần giải quyết dứt điểm một số vấn đề y tế lớn nhất của thế giới.

Trong hai thập kỷ tới, những mục tiêu lớn mà ông hướng đến bao gồm xóa sổ bệnh bại liệt (và có thể cả sốt rét, sởi), tìm ra phương pháp chữa HIV, cũng như giảm một nửa tỷ lệ tử vong trẻ em so với mức đã giảm một nửa kể từ năm 2000, phần lớn nhờ các chương trình mà ông khởi xướng hoặc tài trợ.

Bill Gates cho rằng chiến lược mới này vượt trội hơn việc nhỏ giọt tài trợ và duy trì quỹ lâu dài, bởi nó cho phép tập trung nguồn lực vào các vấn đề cấp bách. “Nó mang lại cho chúng tôi sự rõ ràng”, ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Financial Times. “Chúng tôi sẽ có nhiều tiền hơn để giải ngân trong 20 năm, thay vì cố gắng duy trì quỹ vĩnh viễn”.

Bill Gates tin rằng việc tăng tốc chi tiêu có thể đưa thế giới tiến gần hơn tới việc chấm dứt các ca tử vong có thể phòng tránh ở mẹ và trẻ sơ sinh. Ông cho rằng tiến bộ nhanh hơn hoàn toàn khả thi, đặc biệt nhờ những bước phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy cải thiện y tế toàn cầu của Bill Gates đang đối mặt với thách thức lớn từ bối cảnh chính trị hiện nay, khi Mỹ cùng nhiều Chính phủ phương Tây mạnh tay cắt giảm viện trợ nước ngoài. Điều này đe dọa đảo ngược những thành tựu lớn trong lĩnh vực y tế toàn cầu mà không một tổ chức từ thiện tư nhân nào kể cả Quỹ Gates có thể bù đắp nổi.

Các đợt cắt giảm viện trợ diễn ra đặc biệt mạnh tại Mỹ, nơi Elon Musk từng tuyên bố trên mạng xã hội hồi tháng 02/2025 rằng ông đã “ném USAID vào máy nghiền gỗ”.

Nếu như suốt 25 năm qua, Bill Gates tập trung thúc đẩy các chương trình điều trị AIDS và tiêm chủng cho trẻ em, thì Musk lại nổi lên như một phần tử chống Gates, chỉ trích các hoạt động này là toàn cầu hóa và bằng cách nào đó chống lại nước Mỹ. Trong khi Bill Gates chọn giải quyết các vấn đề nhân loại thông qua từ thiện, Musk, người đã vượt Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới, lại chọn giải quyết các vấn đề của nhân loại thông qua giải pháp thương mại như xe điện Tesla hay thậm chí là ngoài không gian thay vì trên Trái đất.

Quỹ Gates, với gần 9 tỷ USD chi tiêu trong năm ngoái, là tổ chức từ thiện lớn nhất nước Mỹ. Tuy vậy, con số này vẫn nhỏ so với ngân sách 44 tỷ USD trước đây của USAID, trong đó ít nhất 4/5 đang bị cắt giảm mạnh mẽ. Các Chính phủ khác như Anh, Pháp, Hà Lan cũng đồng loạt giảm viện trợ nước ngoài, khiến Bill Gates như đang bơi ngược dòng giữa làn sóng cắt giảm toàn cầu.

Không có nguồn tài trợ từ Mỹ, Bill Gates cho biết giấc mơ xóa sổ bệnh bại liệt vốn đã ở rất gần sẽ đứng trước nguy cơ thất bại.

Ông nhấn mạnh, các sáng kiến trong những lĩnh vực như phòng chống lao, sốt rét hay tiêu chảy gây tử vong ở trẻ em chỉ có thể tiếp cận được những người cần nhất nhờ sự hỗ trợ của các Chính phủ, đặc biệt là Mỹ quốc gia từng một mình chi hơn 40% tổng ngân sách quốc tế dành cho y tế toàn cầu.

Rõ ràng, đây không phải là những việc chúng tôi tự làm hay có thể tự mình làm được”, Mark Suzman, Giám đốc điều hành Quỹ Gates, chia sẻ. “Chúng tôi không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ chính. Việc triển khai cuối cùng phải đến từ các Chính phủ và sự hợp tác đa phương”.

Bên cạnh các đợt cắt giảm viện trợ, một mối đe dọa khác liên quan đến ông Trump cũng đang treo lơ lửng trên kế hoạch của Bill Gates: quỹ của ông, giống như nhiều tổ chức khác, có nguy cơ bị tước bỏ quy chế miễn thuế.

Ông Trump từng công khai tuyên bố sẽ thu hồi quyền miễn thuế của Đại học Harvard, với lý do trường này quá cấp tiến và không đáp ứng các yêu cầu của chính quyền. Những động thái tương tự nhắm vào Quỹ Gates đã được báo hiệu từ lâu; ngay từ năm 2021, Phó Tổng thống JD Vance, khi đó còn là ứng viên Thượng viện, đã gọi cả Harvard lẫn Quỹ Gates là “khối ung thư của xã hội Mỹ”.

Tháng trước, Quỹ Gates cùng một số tổ chức khác đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng có thể bị tước quy chế từ thiện thông qua một sắc lệnh hành pháp. “Đã có những tin đồn như vậy”, Bill Gates cho biết, dù ông cũng nhấn mạnh rằng cơ sở pháp lý để ông Trump thực hiện điều này là không rõ ràng. “Quốc hội đã đặt ra các quy định để các quỹ từ thiện tồn tại, bao gồm cả định nghĩa về mục đích từ thiện. Không rõ liệu một sắc lệnh hành pháp có thể vượt qua được điều đó hay không”, Bill Gates chi sẻ.

Bill Gates, người từng đóng góp 50 triệu USD cho chiến dịch tranh cử không thành công của Kamala Harris, từ lâu luôn nỗ lực khẳng định các hoạt động của quỹ mình hoàn toàn phi chính trị. Quỹ tập trung vào những mục tiêu mà cho đến gần đây, phần lớn người Mỹ đều ủng hộ.

Những mục tiêu đó bao gồm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và sản phụ, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng suất cho nông dân nghèo, cũng như cải thiện chất lượng giáo dục chủ yếu ở nước ngoài nhưng cũng có tại Mỹ. Đây đều là các ưu tiên phù hợp với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc được thông qua năm 2015, kế thừa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước đó.

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên Trump, những mục tiêu như bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo hay hành động vì khí hậu lại trở thành chủ đề gây tranh cãi. Trong một bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 3, Edward Heartney – quan chức cấp cao của phái đoàn Mỹ – tuyên bố chính quyền Trump phản đối và lên án các mục tiêu phát triển bền vững, cho rằng đây là chương trình quản trị toàn cầu mềm không phù hợp với chủ quyền và lợi ích của người dân Mỹ.

Bill Gates thẳng thắn khi nói về Musk, người mà ông cho rằng sẽ “gián tiếp khiến những đứa trẻ nghèo nhất thế giới thiệt mạng” vì phá hủy USAID. Tuy nhiên, ông lại rất dè dặt khi chỉ trích trực diện Trump. Tháng 12 năm ngoái, Bill Gates từng bay tới Mar-a-Lago dự bữa tối kéo dài 3 tiếng với tổng thống đắc cử khi đó, sau đó chia sẻ với The Wall Street rằng ông thực sự ấn tượng trước sự quan tâm của Trump đối với đổi mới trong lĩnh vực vắc xin và HIV.

Kể từ đó, Bill Gates vẫn giữ quan điểm này, dù có nhiều bằng chứng cho thấy Trump hoàn toàn ủng hộ việc cắt giảm ngân sách y tế toàn cầu. Sau khi Musk quyết định giải tán USAID, Trump cũng cho rằng tổ chức này cực đoan trong điều hành. Bill Gates ngụ ý Tổng thống có thể chưa nhận thức hết tác động của các đợt cắt giảm này, và với sự thuyết phục, có thể một phần sẽ được đảo ngược.

Tôi không chắc Tổng thống Trump nhận ra rằng những cắt giảm này, riêng với HIV, sẽ khiến hàng trăm ngàn trẻ sơ sinh bị lây nhiễm và thực sự hơn một triệu người sẽ tử vong”, ông nói. “Chúng tôi sẽ vận động cả nhánh hành pháp lẫn Quốc hội để khôi phục một phần đáng kể khoản ngân sách này”.

Dù thận trọng khi đối đầu trực diện với Trump, Bill Gates cũng không chấp nhận quan điểm cho rằng các mục tiêu về y tế toàn cầu và bình đẳng mà ông theo đuổi lâu nay đã không còn được người Mỹ ủng hộ.

“Nước Mỹ không trở nên nghèo đi một cách đáng kể, hoặc, hy vọng là, kém tiến bộ về đạo đức hơn”, ông nói. “Về cơ bản, tôi cho rằng việc cứu sống trẻ em ngoài nước Mỹ là hoàn toàn đúng đắn”.

Bill Gates sinh năm 1955 tại Seattle. Cha ông, Bill Gates Sr., là một luật sư, còn mẹ ông, Mary Maxwell Gates, là một nhân viên ngân hàng và nhà hoạt động xã hội. Bill Gates đã quyết định thôi học tại Harvard năm 1975 để cùng sáng lập Microsoft.

Trong 25 năm tiếp theo trên cương vị giám đốc điều hành, Bill Gates nổi tiếng với sự quyết liệt và tầm nhìn chiến lược, đưa Microsoft trở thành công ty giá trị nhất toàn cầu. Đến năm 1999, tầm ảnh hưởng của Microsoft lớn đến mức một thẩm phán liên bang đã gọi đây là một “độc quyền săn mồi”, đúng vào thời điểm 01 năm trước khi Bill Gates rời vị trí CEO.

Một nhóm tiêm chủng bại liệt di chuyển bằng xe đạp, mang theo hộp lạnh tại Bihar, Ấn Độ. Xóa sổ căn bệnh này, một ưu tiên lâu dài của Bill Gates, là một nhiệm vụ đầy thách thức nhưng tỷ lệ trẻ em bị liệt đã giảm mạnh trong những năm qua. © Quỹ Bill & Melinda Gates/Prashant Panjiar

Trong 25 năm đầu thế kỷ 21, Bill Gates đã cống hiến cho sự nghiệp từ thiện với sự nghiêm túc không kém gì khi ông tích lũy tài sản.

Khởi đầu với khoản chi 1 tỷ USD, quỹ từ thiện của ông dần mở rộng quy mô, một phần nhờ sự đồng hành của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Buffett không chỉ cùng Bill và Melinda Gates khởi xướng “Cam kết quyên tặng” (Giving Pledge) năm 2010, kêu gọi các tỷ phú từ Sam Altman đến Mark Zuckerberg hiến tặng ít nhất một nửa tài sản cho từ thiện mà còn trực tiếp đóng góp hơn 43 tỷ USD cho Quỹ Gates.

Khi mở rộng phạm vi hoạt động, tổ chức có trụ sở tại Seattle này đã thiết lập thêm các văn phòng tại Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu và nhiều quốc gia châu Phi. Số lượng nhân viên cũng tăng mạnh, từ 20 người lên hơn 2,000 người.

Dưới sự dẫn dắt của Bill Gates, quỹ ngày càng tập trung vào lĩnh vực y tế toàn cầu và đã đạt được nhiều thành tựu nhanh chóng nhờ duy trì đầu tư vào các giải pháp đã được kiểm chứng. Giáo sư Ian Goldin, chuyên gia về toàn cầu hóa và phát triển tại Oxford Martin School, nhận định: “Bill Gates rất giỏi trong việc lấp đầy những khoảng trống mà không làm lệch trọng tâm. Điều này càng khiến ông trở nên quan trọng trong bối cảnh nguồn tài trợ công đang ở mức thấp nhất trong 25 năm qua”.

Phương thức hoạt động của quỹ luôn nhất quán: ứng dụng công nghệ, đo lường hiệu quả các can thiệp, hợp tác với khu vực tư nhân và tập trung giải quyết những thất bại của thị trường.

Một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Bill Gates là vào Gavi (một Liên minh Vắc xin) với khoản tài trợ ban đầu lên tới 750 triệu USD, cùng với Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét. Cả hai tổ chức này đều hướng đến mục tiêu huy động nguồn lực và tạo động lực thị trường để mua sắm, phân phối vắc xin cho trẻ em, thuốc kháng virus và các phương pháp điều trị khác cho những người không có khả năng chi trả.

Gavi ước tính rằng, nhờ cung cấp vắc xin phòng các bệnh có thể ngăn ngừa như tả, sởi và rotavirus gây tiêu chảy cho hơn 1 tỷ trẻ em ở các quốc gia thu nhập thấp, tổ chức này đã cứu sống khoảng 18.8 triệu người, con số còn lớn hơn tổng số người tử vong trong Thế chiến thứ I.

Trước đây, cứ 1,000 trẻ thì có tới 200 em tử vong”, Seth Berkley, cựu Giám đốc điều hành Gavi, cho biết. “Giờ đây, tỷ lệ này đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Những gì ông ấy làm với Gavi xứng đáng nhận giải Nobel”.

Bằng cách thúc đẩy đổi mới và thường xuyên tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên nhằm chứng minh hiệu quả, quỹ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đơn cử như việc triển khai tấm thu máu cho sản phụ, một giải pháp đơn giản giúp y tá nhanh chóng phát hiện xuất huyết sau sinh, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong khi sinh nở. Nhờ đó, các y tá có thể kịp thời điều trị bằng các loại thuốc giá rẻ do chính quỹ của Bill Gates hỗ trợ phát triển.

Khoản chi lớn nhất của quỹ vẫn liên tục được dành cho mục tiêu xóa sổ bệnh bại liệt. Dù việc loại trừ căn bệnh này vô cùng phức tạp, tỷ lệ trẻ em bị liệt đã giảm đáng kể. Từ cuối những năm 1980, số ca mắc bại liệt trên toàn cầu đã giảm từ 350,000 xuống chỉ còn vài trăm ca mới vào năm 2024.

Bill Gates nhấn mạnh rằng, nếu bại liệt được bổ sung vào danh sách các bệnh đã được xóa sổ, hiện mới chỉ có bệnh đậu mùa, thì chi phí phòng ngừa và điều trị sẽ giảm về 0, qua đó giải phóng nguồn lực để giải quyết các vấn đề y tế khác.

Ông cho biết quỹ sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực đã chứng minh hiệu quả, đặc biệt là y tế, giáo dục và nỗ lực giảm thêm chi phí thuốc cứu người. Ngoài ra, Bill Gates cũng cam kết tiếp tục tài trợ cho các nghiên cứu về bệnh Alzheimer.

Nneka Mobisson (bên trái) đang hướng dẫn một phụ nữ sử dụng mDoc, công cụ y tế số do cô sáng lập với sự hỗ trợ từ Quỹ Gates. Bill Gates tin rằng trí tuệ nhân tạo có thể thúc đẩy những tiến bộ lớn trong lĩnh vực y tế toàn cầu. © Gates Archive/Nyancho NwaNri

Ông cảnh báo rằng các đợt cắt giảm viện trợ quy mô lớn có thể khiến thành quả đạt được bị thụt lùi nhiều năm, đồng thời nhấn mạnh sự đột ngột của các quyết định này sẽ gây ra tác động tiêu cực tức thì cũng như lâu dài. “Bạn sẽ có thuốc HIV nằm trong kho… thực phẩm nằm trong kho, các khảo sát sức khỏe dân số thực hiện dở dang”, ông nói.

Theo Quỹ Gates, tùy vào mức độ cắt giảm cuối cùng, họ có thể điều chỉnh chi tiêu để bù đắp một phần thiếu hụt. Tuy nhiên, Bill Gates khẳng định quỹ không thể khắc phục hoàn toàn hậu quả. “Đây là một bi kịch, và nếu chúng ta không đảo ngược được các khoản cắt giảm của Chính phủ Mỹ, sẽ có hàng triệu người chết vì điều đó”, ông nhấn mạnh.

Khi bắt đầu hành trình chi tiêu khối tài sản khổng lồ cách đây 25 năm, có lẽ Bill Gates không thể ngờ rằng các hoạt động từ thiện của mình lại trở thành chủ đề gây tranh cãi đến như vậy. Từ lâu trước khi Elon Musk và Donald Trump công khai chỉ trích, nhiều người ở phía đối lập trên bản đồ chính trị đã xem Bill Gates là hiện thân của kiểu tỷ phú “thích thao túng, biết tuốt và mua chuộc ảnh hưởng”.

Nhà báo Tim Schwab, trong cuốn sách “The Bill Gates Problem” (Tạm dịch Vấn đề Bill Gates) xuất bản năm 2023, đã chỉ trích Bill Gates sử dụng quỹ từ thiện như một “công cụ chính trị, lá chắn thuế và bộ máy quan hệ công chúng”. Schwab từng nhận định: “Ảnh hưởng của ông ấy trên trường quốc tế chỉ thực sự có ý nghĩa nếu bạn tin rằng người giàu nhất thì xứng đáng có tiếng nói lớn nhất”.

Ngay cả những người ngưỡng mộ Bill Gates cũng không khỏi băn khoăn trước ý tưởng rằng chỉ một cá nhân dù thông minh hay thiện chí đến đâu lại có thể tác động sâu rộng đến các ưu tiên toàn cầu.

Hình ảnh người làm điều thiện của Bill Gates cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, trước hết là bởi cuộc ly hôn ồn ào với Melinda French Gates, người hiện đã điều hành quỹ từ thiện riêng Pivotal Ventures. Nghiêm trọng hơn là những liên hệ trong quá khứ với Jeffrey Epstein. Bill Gates thừa nhận việc gặp Epstein là một sai lầm, nhưng khẳng định không có quan hệ làm ăn hay bạn bè gì với tội phạm tình dục này.

Bill Gates cho biết ông sẵn sàng đối diện với những câu hỏi mà Schwab và nhiều người khác đặt ra về việc liệu các tỷ phú có nên đóng thuế nhiều hơn hay không. Ông ủng hộ việc áp dụng thuế di sản ở mức cao để ngăn chặn sự tích tụ của tài sản dòng họ, nhưng không đồng tình với các đề xuất cực đoan hơn. “Bernie Sanders cho rằng không nên tồn tại tỷ phú”, ông nói về Thượng nghị sĩ bang Vermont. “Có thể tôi hơi thiên vị, nhưng tôi không đồng ý”.

Warren Buffett (bên phải), cùng Bill và Melinda Gates và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter năm 2017. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã đóng góp hơn 43 tỷ USD cho Quỹ Gates. © Gates Archive/Evan McGlinn

Điều khiến Bill Gates phẫn nộ nhất là làn sóng phản đối vắc xin, thứ mà ông gọi là công cụ tuyệt vời và được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là biện pháp can thiệp hiệu quả nhất về chi phí. “Bạn có tưởng tượng nổi Chính phủ Mỹ lại bổ nhiệm một người từng công khai chống đối vắc xin và cụ thể là vai trò của tôi… với đầy rẫy thông tin sai lệch làm lãnh đạo ngành y tế hay không?” Bill Gates nói, ám chỉ việc Trump bổ nhiệm Robert F. Kennedy Jr., người hoài nghi vắc xin, làm Bộ trưởng Y tế Mỹ.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc cắt giảm viện trợ phát triển sẽ khiến thế giới dễ bị tổn thương trước làn sóng bùng phát các bệnh truyền nhiễm từ sởi đến bại liệt, những tác động này sẽ xuất hiện đầu tiên ở các nước nghèo nhưng hoàn toàn có thể lan sang phương Tây. Việc chuẩn bị cho đại dịch cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo cảnh báo của Mark Suzman, giám đốc điều hành Quỹ Gates.

Hassan Damluji, cựu nhân viên Quỹ Gates và hiện là giám đốc tổ chức tư duy Global Nation, nhận xét rằng Bill Gates luôn cố gắng tránh xa chính trị, nhưng cuối cùng vẫn không thể thoát khỏi vòng vây của nó. “Họ chọn cứu sống trẻ em vì nghĩ rằng chẳng ai có thể phản đối điều đó”.

Suzman cũng chia sẻ: “Chúng tôi vẫn tin rằng nếu giải thích rõ ràng cho các nhà lãnh đạo chính trị cũng như người dân Mỹ hay Anh rằng mỗi đồng USD hay bảng Anh đóng góp đều có thể cứu sống một đứa trẻ, họ sẽ sẵn sàng chi trả”.

Đó là niềm tin sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách khắc nghiệt trong những tháng năm tới.

Quốc An (theo FT)

Thiết kế: TM

FILI - 09:00:00 11/05/2025