Rủi ro biến đổi khí hậu cần được ứng phó bằng HĐQT vững mạnh

date
14/05/2025 21:06

Rủi ro biến đổi khí hậu cần được ứng phó bằng HĐQT vững mạnh

Chia sẻ tại Hội thảo "Quản trị biến đổi khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp" vào chiều ngày 14/05, ông Simon. C.Y. Wong - Cố vấn Độc lập, Trưởng khoa Tài chính Bền vững của Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL) đã có những chia sẻ mang tính chiến lược về tình hình biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á, cũng như làm rõ vai trò của HĐQT các doanh nghiệp trong bối cảnh sắp tới.

Theo Báo cáo khảo sát “Tình hình khu vực Đông Nam Á năm 2025” của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute), đa số người dân Đông Nam Á (55.3%) cho rằng, vượt qua cả nỗi lo thất nghiệp và suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan mới chính là thách thức lớn nhất của khu vực hiện nay. Đây là con số lớn nhất kể từ lần đầu tiên khảo sát vào năm 2019. Trong đó tại Việt Nam – quốc gia đã hứng chịu những cơn bão lớn trong thời gian qua, có 70.3% người dân đồng tình với ý kiến này.

Không chỉ vậy, biến đổi khí hậu tiếp tục được dự báo sẽ gây ra thiệt hại đáng kể. Một nghiên cứu của Viện Potsdam (Đức), dự báo đến năm 2049, thiệt hại do biến đổi khí hậu trên toàn cầu sẽ là 38 nghìn tỷ USD mỗi năm. Ông Simon cho rằng, Đông Nam Á cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề như các khu vực khác, dù không chịu trách nhiệm về lượng khí thải trong quá khứ như các nước phương Tây hoặc Bắc Mỹ.

Ông Simon. C.Y. Wong - Cố vấn Độc lập, Trưởng khoa Tài chính Bền vững của Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL)

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu, vì thế, là điều cấp bách. Tuy nhiên, để ứng phó, đòi hỏi tầm nhìn xa, cam kết thực chất và đạo đức lãnh đạo từ những người đứng đầu doanh nghiệp. HĐQT và Ban Điều hành cần đóng vai trò trung tâm trong việc hiện thực hóa các sáng kiến như triển khai chương trình ESG, phát triển công trình xanh, tham gia thị trường tín chỉ carbon và tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào chiến lược doanh nghiệp.

“Không hành động sẽ phải trả giá đắt. Mọi người, doanh nghiệp và chính phủ, đều cần hành động”, trích lời ông Simon.

Theo vị chuyên gia, phát triển bền vững có thể xem là một hành trình, nơi các công ty thực tế vẫn đang dò dẫm tìm đường. Không một ai, dù là doanh nghiệp hay cơ quan quản lý, có thể nắm rõ và biết hết mọi thứ. Do vậy, sự giám sát về khí hậu sẽ cần có yếu tố quản trị mạnh mẽ ở cấp HĐQT và quản lý.

Ngoài ra, ông nhận định sẽ cần đầu tư nguồn lực để xây dựng năng lực và hiểu biết sâu sắc về tính bền vững và biến đổi khí hậu, vì đây là những vấn đề phức tạp.

“Việc giám sát và ứng phó với các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu cần được dẫn dắt bởi một hệ thống quản trị vững chắc, với vai trò định hướng chiến lược từ HĐQT và sự triển khai hiệu quả từ ban điều hành. Chuyển đổi và xây dựng kế hoạch hành động vì biến đổi khí hậu là một hành trình tất yếu của tất cả các doanh nghiệp, đòi hỏi cam kết mạnh mẽ, sự đầu tư về thời gian, nguồn lực, cùng với tinh thần học hỏi và cải tiến liên tục.

Đừng ngại bắt đầu ngay cả khi chưa hoàn hảo. Quan trọng là bắt đầu hành trình và xây dựng kinh nghiệm theo thời gian. Các công ty có thể cải thiện từ chỗ chưa nhận thức được đến tích hợp tính bền vững vào chiến lược của mình”.

Không có mô hình phù hợp nhất với tất cả các công ty

Dẫn số liệu, vị chuyên gia cho biết, nhiều công ty trong khu vực ASEAN vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của hành trình bền vững, với khoảng 14% công ty cho rằng việc quản lý bền vững của họ đang ở giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, ông đánh giá các công ty cho thấy sự sẵn sàng thử nghiệm, học hỏi và thể hiện sự kiên cường khi gặp khó khăn.

Thực tế, cấu trúc của các tổ chức bền vững tương đối đa dạng. Ví dụ, CB Malaysia đã thành lập hội đồng, phòng ban bền vững, và bổ nhiệm vị trí Giám đốc Bền vững đầu tiên. Một số công ty khác lại kết hợp vai trò Giám đốc Rủi ro và Giám đốc Bền vững khi nhận thấy sự chồng chéo giữa hai lĩnh vực này. Một công ty bảo hiểm ở Hong Kong (Trung Quốc) thậm chí có vị trí Giám đốc Khí hậu.

“Điều này chứng tỏ không có một mô hình duy nhất phù hợp với tất cả các công ty; các giải pháp cần phù hợp với bối cảnh cụ thể của từng tổ chức”, theo vị chuyên gia.

Các công cụ và cơ chế hỗ trợ phát triển bền vững ngày càng được áp dụng phổ biến. Hiện tại, nhiều công ty đang sử dụng các khung tiêu chuẩn như TCFD (Lực lượng Đặc nhiệm về Tiết lộ Tài chính Liên quan đến Khí hậu) để đánh giá rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu, giúp tạo ra tiêu chuẩn chung giữa các bộ phận. Các sáng kiến cấp ngành hoặc quốc gia, có thể giúp nâng cao nhận thức, tạo sự tự tin và đồng lòng trong các tổ chức. Ngoài ra, một số công ty còn kết hợp chế độ lương thưởng của lãnh đạo với các mục tiêu giảm phát thải carbon để đảm bảo sự đồng nhất về mục tiêu, cũng như thúc đẩy hành động.

Cuối cùng, việc xây dựng, cải thiện năng lực là rất quan trọng. Các nhà lãnh đạo cần cảm thấy thoải mái và hiểu biết chuyên sâu hơn về các vấn đề khí hậu.

“Các chương trình đào tạo cho nhân viên là cần thiết. Tuy nhiên, việc học hỏi qua trải nghiệm, chẳng hạn như đến các điểm thực tế để thấy tác động doanh nghiệp lên môi trường, có thể nâng cao hiểu biết về vấn đề này. Qua đó, sẽ giúp xây dựng niềm tin, và giúp các công ty kiên định hơn ngay cả khi gặp khó khăn liên quan đến bền vững”.

Hội thảo "Quản trị biến đổi khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp" do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Hội Doanh nghiệp Xanh TP. Hồ Chí Minh (HGBA) phối hợp tổ chức.

Châu An

FILI - 20:04:26 14/05/2025