"Sản xuất, buôn bán hàng giả trong y tế không chỉ là gian lận mà là tội ác"
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong lĩnh vực y tế không còn chỉ đơn thuần là gian lận thương mại mà là tội ác, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.
![]() Bộ trưởng Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP |
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 23/05 về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Loan cho biết tình trạng này không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà còn là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới. "Nhiều đối tượng làm giả ngay từ nước sản xuất để xuất khẩu sang nước thứ ba, do đó cần lưu ý vấn đề nhập khẩu để có giải pháp phù hợp", Bộ trưởng nói.
Để tăng hiệu quả đấu tranh, Bộ Y tế sẽ rà soát và hoàn thiện các cơ sở pháp lý, đồng thời đẩy nhanh xây dựng thể chế. Bộ trưởng thông tin hiện Bộ đang gấp rút hoàn thiện các hướng dẫn triển khai Luật Dược, sửa đổi Nghị định 15 về an toàn thực phẩm, dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới để khắc phục những khó khăn thực tiễn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phân cấp, phân quyền rõ ràng trong quản lý và đề nghị lãnh đạo ngành y tế địa phương bám sát nhiệm vụ này. Mỗi cấp phải phân công trách nhiệm cụ thể, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương. Đồng thời, các đơn vị trong ngành y tế từ Trung ương đến địa phương cần rà soát các kẽ hở, vướng mắc trong hệ thống pháp lý, đồng thời nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân viên trong việc thực thi nhiệm vụ.
Vai trò của người dân cũng được Bộ Y tế đề cao trong việc phát hiện, tố giác hành vi gian lận thương mại và sản xuất hàng giả đến các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết, không khoan nhượng với mọi hành vi sản xuất, buôn bán và lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có 'vùng cấm', không có 'ngoại lệ'". Bộ Y tế đang đề nghị áp dụng mức xử lý cao nhất nhằm tạo hiệu ứng răn đe, cảnh tỉnh doanh nghiệp và đối tượng khác. Song song đó, sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho sai phạm.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận cuộc đấu tranh còn nhiều khó khăn, không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. "Đây là vấn đề phối hợp làm kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, không phải ra quân một tháng rồi nghỉ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về thực tế công tác hậu kiểm tại địa phương, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết nhiều đối tượng cầm đầu đường dây không trực tiếp tham gia sản xuất mà chỉ đạo từ xa, thuê nơi sản xuất ở vị trí vắng vẻ, xa trung tâm. Dù nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, họ vẫn tái phạm do lợi nhuận cao.
Ông Nam chia sẻ, qua kiểm tra đột xuất, các cơ sở kinh doanh dược, thiết bị y tế có sự chuẩn bị phòng bị, di chuyển hàng hóa đến nơi khác cất giấu. Một số đối tượng còn tạo tài khoản giả, gây khó khăn trong việc xác định nơi chứa hàng vi phạm, đồng thời làm khó khăn trong xử lý hành chính.
Đồng quan điểm, đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết từ đầu năm 2024, địa phương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra nhưng vẫn rất khó xác định hàng giả. Theo quy định, địa phương chỉ được lấy mẫu kiểm tra chỉ số an toàn thực phẩm, không thể kiểm tra chất lượng sản phẩm. Kiểm tra hậu kiểm chỉ được thực hiện ở cơ sở sản xuất và chỉ khi có ý kiến của người dân mới kiểm tra được chất lượng.
Do đó, nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi Nghị định 15 về an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp. Khi có đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp phải chứng minh chất lượng sản phẩm đạt chuẩn, và cần có chế tài đủ sức răn đe đối với các vi phạm trong lĩnh vực này.
Tùng Phong