Sáng nay 05/05, khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

date
05/05/2025 06:30

Sáng nay 05/05, khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 05/05-30/06 với nhiều nội dung lớn, trọng tâm là xem xét sửa đổi Hiến pháp, thông qua 34 dự luật, 11 nghị quyết và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng.

Quốc hội sẽ họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội - Ảnh minh họa

Chiều 04/05, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo công bố chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp sẽ khai mạc trọng thể vào sáng 05/05 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/06, diễn ra theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.

Kỳ họp được chia làm hai đợt: Đợt 1 từ ngày 05/05-29/05; Đợt 2 bắt đầu từ ngày 11/06 và dự kiến bế mạc chậm nhất vào ngày 30/06/2025.

Đây là kỳ họp được đánh giá có nhiều nội dung quan trọng, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII – hội nghị mang dấu ấn "lịch sử", thảo luận và quyết định các vấn đề cốt lõi đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định 54 nội dung thuộc lĩnh vực lập hiến và lập pháp, bao gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết lập pháp. Ngoài ra, còn có 14 nhóm vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các nội dung quan trọng khác. Đồng thời, có 8 nhóm nội dung sẽ được các cơ quan trình báo cáo để đại biểu nghiên cứu, làm cơ sở thực hiện quyền giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết công tác chuẩn bị kỳ họp lần này được triển khai kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận nội dung và tổ chức Hội nghị đại biểu chuyên trách để rà soát, hoàn thiện các dự án trình Quốc hội. Văn phòng Quốc hội cũng đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan, tăng cường chỉ đạo để nâng cao chất lượng phục vụ kỳ họp.

Một trong những nội dung trọng tâm là việc Quốc hội xem xét, thông qua các nghị quyết liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 34 luật và 11 nghị quyết. Một số luật đáng chú ý gồm: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Nhà giáo, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi Luật Đấu thầu, Đầu tư, Hải quan, cùng nhiều luật trong lĩnh vực tư pháp, quốc phòng, an ninh.

Các nghị quyết quan trọng dự kiến được thông qua như: Nghị quyết về cơ chế phát triển kinh tế tư nhân, thí điểm cơ chế đầu tư đường sắt, phát triển nhà ở xã hội, miễn học phí cho học sinh và hỗ trợ phổ cập giáo dục mầm non, kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng.

Ngoài các nội dung thông qua, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các dự án luật mới như: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự.

Về kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các báo cáo liên quan đến ngân sách, giám sát tối cao, cùng nhiều nội dung lớn khác theo quy định.

Tùng Phong

FILI - 05:28:00 05/05/2025