Siết chặt quản lý, đảm bảo thị trường vàng công khai, minh bạch
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2 vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng hỗ trợ công tác quản lý thị trường vàng, hoạt động mua bán vàng miếng và sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 2, để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động quản lý thị trường vàng, đồng thời hạn chế và loại bỏ các yếu tố phi thị trường ảnh hưởng đến hiệu quả giải pháp ổn định thị trường vàng của ngân hàng trung ương, NHNN Chi nhánh Khu vực 2 đề nghị các đơn vị, tổ chức phối hợp tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm rõ, hiểu rõ pháp luật quy định về hoạt động kinh doanh vàng; quy định về mua bán vàng miếng, vừa thực hiện đúng quy định pháp luật, vừa hạn chế rủi ro và ngăn ngừa vi phạm pháp luật.
Thứ nhất, người dân chỉ được thực hiện mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (Giấy phép).
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng (vàng trang sức mỹ nghệ) không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Việc kinh doanh mua, bán vàng miếng khi không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng và mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019.
Thứ hai, doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh mua bán vàng miếng cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, cơ sở vật chất và phương án kinh doanh an toàn; giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; chứng từ hóa đơn; nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; chất lượng sản phẩm và công khai niêm yết giá.
Hoạt động đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch không chỉ là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, mà còn phòng ngừa, hạn chế rủi ro do sai phạm, liên quan tội phạm làm hàng nhái, hàng giả, buôn lậu và trốn thuế.
Thứ ba, vàng với tính chất là tài sản tài chính biến động, gắn liền với nhiều yếu tố của thị trường, người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua vàng, trong đầu tư vàng để tránh rủi ro do giá vàng biến động.
Đồng thời, cần thực hiện đúng quy định về kinh doanh mua bán vàng; lan tỏa ra cộng đồng và chung sức cùng ngành thực hiện tốt quy định pháp luật. Việc chấp hành tốt quy định pháp luật của doanh nghiệp, người dân sẽ góp phần quan trọng vào ổn định thị trường cũng như hạn chế tình trạng đầu cơ, làm giá và tác động tâm lý không cần thiết, ảnh hưởng đến lợi ích nền kinh tế.
Trước đó, ngày 13/05, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, khẩn trương theo thẩm quyền thực hiện các giải pháp theo quy định khi cần thiết nhằm bình ổn, ổn định thị trường vàng; không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5/2025.
Cập nhật giá vàng sáng 15/05 lúc 10h38p, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng mua vào - bán ra ở mức 116.4-118.9 triệu đồng/lượng, giảm 1.6-1.1 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều mua - bán.
Giá vàng nhẫn cũng giảm so với ngày hôm trước còn 111-114 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán.
Nguồn: SJC |
* Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành kết luận thanh tra với các tổ chức kinh doanh vàng
Hàn Đông