SSI Research: Đàm phán thương mại chuyển biến tích cực sẽ giúp thị trường hồi phục ổn định
Theo báo cáo chiến lược của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), để có thể tiếp tục đà phục hồi ổn định, thị trường cần đón nhận chuyển biến tích cực cụ thể hơn trong quá trình đàm phán thương mại. Hệ số định giá P/E hỗn hợp hiện vẫn còn ở mức thấp. Lợi suất ước tính 1 năm trên thị trường cũng đang hấp dẫn so mức lãi suất huy động.
Theo SSI Research, thị trường chứng khoán đã phục hồi đáng khích lệ trong 3 tuần cuối tháng 4, với mức tăng 12% trên VN-Index và VN30, 13.5% trên VNMidcap và 13.7% trên VNSmallcap. Sau tuần bán mạnh trên diện rộng, tâm lý thị trường chuyển biến tích cực hơn nhờ GDP quý 1 tăng 6.9%, tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết lần lượt được công bố phần lớn trong xu hướng tích cực và căng thẳng thương mại dịu đi.
Tính đến ngày 05/05, tăng trưởng lãi ròng quý 1 toàn thị trường vẫn duy trì tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, dù chậm lại so với mức tăng 29% ở quý trước nhưng nối dài chuỗi tăng trưởng 6 quý liên tiếp. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ở các quý tới vẫn là một ẩn số khi các doanh nghiệp dù vẫn tự tin khi đặt kế hoạch tăng trưởng nhưng đã thừa nhận các “bất ổn” xoay quanh thuế quan sẽ làm suy yếu tăng trưởng.
Để có thể tiếp tục đà phục hồi ổn định, thị trường cần đón nhận chuyển biến tích cực, cụ thể hơn trong quá trình đàm phán thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cũng như quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu từ ngày 07/05. Trong quá khứ, định giá thấp là một trong các yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường trong các đợt biến động mạnh (chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lần 1, COVID-19, Fed tăng lãi suất, biến động tỷ giá và chính sách siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước).
Hệ số định giá P/E hỗn hợp đã tăng 6.6% từ mức 10.5 lần ngày 09/04 lên 11.2 lần vào ngày 29/04, tuy nhiên, hiện vẫn còn ở mức thấp hơn đáng kể so với bình quân 10 năm gần nhất (15.5 lần). Lợi suất ước tính 1 năm trên thị trường hiện ở mức 9.9% (dựa trên P/E ước tính 1 năm của VN-Index 10.1 lần) đang mở ra khoảng cách hấp dẫn so mức lãi suất huy động.
![]() |
![]() |
Các ngành ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan như truyền thông, bất động sản dân cư, bán lẻ, du lịch và giải trí đã diễn biến tích cực vượt trội trong giai đoạn phục hồi. Điều này cho thấy dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội trong các đợt biến động giảm sâu.
Trong khi các yếu tố rủi ro bất định với thị trường vẫn tiềm tàng thì cũng nhận được các yếu tố nền tảng hỗ trợ dài hạn, như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và quyết liệt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hệ thống KRX vận hành thuận lợi tạo tiền đề cho quá trình nâng hạng. Các ngành bất động sản, khu công nghiệp, hóa chất, dầu khí, các nhóm ngành xuất khẩu có mức độ hồi phục thấp hơn thị trường trong 3 tuần cuối tháng 4.
SSI Research tin rằng, cổ phiếu các nhóm ngành này, đặc biệt là các cổ phiếu trong rổ vốn hóa trung bình (VNMidcap) sẽ mang đến nhiều cơ hội trong ngắn hạn khi quá trình đàm phán thuế quan cho thấy các tín hiệu tích cực. Ngược lại, các biến động điều chỉnh trở lại khi đàm phán thuế quan không tích cực như kỳ vọng sẽ tiếp tục là cơ hội tốt để tích lũy dần các cổ phiếu trong các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Về phân tích kỹ thuật, VN-Index bứt phá qua khu vực 1,250 điểm thì xu hướng trung hạn sẽ củng cố vững chắc hơn với mục tiêu kế tiếp quanh 1,280 - 1,300 điểm. Ngược lại, vùng 1,180 - 1,200 điểm hiện đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật trong các nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Huy Khải