Sự cứng rắn của ông Tập Cận Bình buộc Mỹ phải nhượng bộ

date
14/05/2025 11:19

Sự cứng rắn của ông Tập Cận Bình buộc Mỹ phải nhượng bộ

Quyết định kiên định lập trường trước Donald Trump của Chủ tịch Tập Cận Bình đã mang lại kết quả vượt ngoài mong đợi cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại Thụy Sĩ, vào ngày 12/05, các đoàn đàm phán thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã công bố một bước tiến quan trọng trong việc hạ nhiệt căng thẳng thuế quan.

Theo tuyên bố chung được chuẩn bị kỹ lưỡng, Mỹ sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30% từ mức 145% trong 90 ngày tới, trong khi Bắc Kinh cũng giảm thuế với phần lớn hàng hóa Mỹ xuống còn 10%.

Động thái giảm mạnh thuế quan này đã vượt xa kỳ vọng tại Trung Quốc, khiến đồng USD và thị trường chứng khoán đồng loạt tăng mạnh mang lại sự giải tỏa cần thiết cho Tổng thống Trump trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu gia tăng. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng sau thông tin này.

Thỏa thuận này gần như đáp ứng toàn bộ các yêu cầu then chốt của Bắc Kinh. Mức thuế “có đi có lại” mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc ở mức 34% từ ngày 02/04 đã bị đình chỉ, đưa Trung Quốc trở về cùng mức thuế 10% mà Mỹ áp dụng cho tất cả các quốc gia, bao gồm cả Anh một đồng minh lâu năm vừa đạt thỏa thuận với Mỹ tuần trước.

Ngoài ra, Mỹ cũng chấp thuận đề xuất của Bắc Kinh về việc thiết lập một đầu mối phụ trách đàm phán, với cơ chế mới do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đứng đầu. Hai bên còn thống nhất sẽ hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn dòng chảy fentanyl, điều này có thể dẫn tới việc dỡ bỏ thêm mức thuế 20% trong tương lai.

Chuyên gia Trey McArver, đồng sáng lập hãng nghiên cứu Trivium China, nhận định: “Đây có thể nói là kết quả tốt nhất mà Trung Quốc có thể hy vọng - Mỹ đã nhượng bộ. Điều này sẽ giúp phía Trung Quốc tự tin rằng họ đang nắm lợi thế trong các cuộc đàm phán với Mỹ về sau”.

Ngay từ khi Tổng thống Trump bắt đầu nâng thuế lên mức cao nhất trong một thế kỷ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện lập trường kiên quyết. Khác với nhiều lãnh đạo thế giới, ông Tập liên tục từ chối các cuộc gọi từ Trump, kể cả khi thuế quan tăng tới mức mà Trung Quốc gọi là “trò đùa”.

Thay vào đó, Bắc Kinh chủ động cắt giảm lãi suất chủ chốt, triển khai nhiều biện pháp củng cố kinh tế trong nước, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu và lên án các hành động “bắt nạt” của Mỹ.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc bắt đầu chịu tác động, sản xuất suy giảm, nhưng làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước lại dâng cao, tạo thêm động lực để ông Tập không nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Trump phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các hiệp hội doanh nghiệp, giới đầu tư và cả các thành viên trong đảng lo ngại nguy cơ mất ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

“Bài học rút ra là sức mạnh kinh tế đóng vai trò quyết định”, ông Gerard DiPippo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc RAND, nhận định. “Đây là một thắng lợi chiến lược cho Bắc Kinh, đồng thời củng cố quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc tập trung phát triển sản xuất và tự chủ, ít nhất là dưới góc độ an ninh kinh tế”.

Scott Bessent trong một cuộc họp báo tại Geneva ngày 12/5. Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images

Tổng thống Trump cho biết hôm 12/05 rằng ông có thể sẽ điện đàm với Chủ tịch Tập vào cuối tuần này, đồng thời khẳng định hai nước đang “tái khởi động hoàn toàn” quan hệ song phương. Ông cũng lưu ý rằng thỏa thuận lần này không bao gồm các mức thuế ngành đối với ô tô, thép, nhôm và có thể cả dược phẩm. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent chia sẻ riêng với CNBC rằng Mỹ không muốn tách rời hoàn toàn với Trung Quốc mà chỉ muốn bảo vệ các lĩnh vực chiến lược như thép, dược phẩm và bán dẫn.

“Quan hệ giữa hai nước đang rất tốt”, ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 12/05. “Chúng tôi không muốn gây tổn hại cho Trung Quốc. Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt hại, phải đóng cửa nhiều nhà máy, bất ổn gia tăng, và họ thực sự vui mừng khi đạt được thỏa thuận với chúng tôi”.

Ngay từ khi Mỹ công bố địa điểm đàm phán tại Geneva vào tuần trước, nhiều chuyên gia đã nhận thấy Washington đang có động thái nhượng bộ. Từ lâu, Trung Quốc luôn mong muốn các cuộc thương lượng quan trọng diễn ra kín đáo, tránh xa sự chú ý của truyền thông và công chúng.

Theo chuyên gia chiến lược George Saravelos của Deutsche Bank, thỏa thuận đình chiến lần này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và Tổng thống Trump cũng không đưa ra các phát biểu gây chú ý trên mạng xã hội như thường lệ. “Tất cả những điều này cho thấy các cuộc đàm phán đã chuyển sang giai đoạn hòa giải và tôn trọng lẫn nhau hơn”, ông nhận định, coi đây là một trong những yêu cầu của phía Trung Quốc.

Về phía Bắc Kinh, đoàn đàm phán do Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu cũng nhất trí sẽ dỡ bỏ các biện pháp “phi thuế quan” đã áp dụng từ Ngày Giải phóng (02/04), dù chưa công bố chi tiết cụ thể. Việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm cũng là một ưu tiên của Nhà Trắng, sau khi nhiều doanh nghiệp Mỹ sử dụng khoáng sản này cho sản xuất nam châm công nghiệp lên tiếng đề nghị.

Bắc Kinh cũng không cam kết sẽ tăng đầu tư từ Mỹ, và theo Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, các thỏa thuận mua bán cụ thể có thể sẽ được bàn đến sau. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer khẳng định, thỏa thuận “giai đoạn một” của cuộc chiến thương mại trước đây, trong đó Trung Quốc từng cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, không nằm trong nội dung đàm phán lần này.

Xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm 20% trong tháng 4

Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc

Ông Greer cho biết các cuộc đàm phán hiện chủ yếu tập trung vào việc làm sao để thuế quan không trở thành rào cản tuyệt đối, nhưng vẫn giúp Mỹ theo đuổi mục tiêu giảm thâm hụt thương mại.

Hiện tại, Trung Quốc có 3 tháng để đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn với Mỹ nhằm tái cân bằng thương mại và bảo vệ lợi ích của mình. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã chủ động giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Mỹ, chuyển sang mua nhiều nông sản hơn từ các đối tác mới nổi như Brazil.

Cũng giống như nhiệm kỳ đầu của Trump, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ về các yếu tố cốt lõi trong hệ thống kinh tế - chính trị, bao gồm cách vận hành doanh nghiệp nhà nước, theo ông Song Hong, Phó Giám đốc Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, một cơ quan ngang bộ thuộc Quốc vụ viện.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng ngoài những “lằn ranh đỏ” này, vẫn còn nhiều không gian để hai bên tiếp tục đàm phán, ví dụ như các vấn đề về thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ hay trợ cấp.

Bà Dong Yan, Giám đốc khoa thương mại thuộc một viện nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định đây là một bước tiến tích cực, nhưng cũng cảnh báo rằng Tổng thống Trump hoàn toàn có thể tăng thuế trở lại trong tương lai.

“Chúng ta đã rút ra bài học từ nhiệm kỳ đầu của Trump, rằng đàm phán về thuế quan thường diễn biến thất thường và không thể giải quyết trong thời gian ngắn”, bà nhận định.

Việc giảm thuế quan lần này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay. Ngân hàng ING đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc lên 4.7% sau thỏa thuận, đồng thời dự báo xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 5 và 6 sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Robin Xing của Morgan Stanley, giai đoạn tạm ngưng thuế quan này có thể thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và sản xuất, tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng “việc tìm ra một giải pháp bền vững vẫn còn nhiều thách thức do quan hệ song phương phức tạp”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Scott Kennedy tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, việc chính quyền Trump chịu nhượng bộ, rút lại các mức thuế cao kỷ lục sẽ khó xảy ra nếu Trung Quốc không phản ứng mạnh mẽ. Bắc Kinh không chỉ đáp trả bằng các biện pháp trả đũa mà còn áp dụng kiểm soát xuất khẩu và nhiều động thái khác để gây sức ép.

“Điều này sẽ củng cố vị thế chính trị của ông Tập trong nước cũng như nâng cao ảnh hưởng của ông trên trường quốc tế”, Kennedy nhận định. “Ông ấy chính là người chiến thắng lớn trong vòng đối đầu này”.

Quốc An (Theo Bloomberg)

FILI - 10:17:54 14/05/2025