Tại sao nhiều doanh nghiệp đang mua tín dụng carbon thay vì tự giảm phát thải?

date
11/05/2025 09:02

Tại sao nhiều doanh nghiệp đang mua tín dụng carbon thay vì tự giảm phát thải?

Trong bối cảnh các cam kết Net Zero ngày càng được thúc đẩy trên toàn cầu, thị trường tín chỉ carbon đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu từ phía doanh nghiệp. Một xu hướng xuất hiện phổ biến là thay vì tập trung vào việc cắt giảm phát thải trực tiếp trong vận hành sản xuất, nhiều doanh nghiệp lựa chọn mua tín chỉ carbon như một giải pháp thay thế hoặc bổ trợ. Việc này đặt ra nhiều câu hỏi về động lực phía sau quyết định đó, cũng như những ảnh hưởng tiềm tàng đến lộ trình hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tín dụng carbon là gì và vì sao doanh nghiệp quan tâm?

Tín chỉ carbon (carbon credit) là một công cụ tài chính được thiết kế nhằm thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính thông qua cơ chế thị trường. Mỗi tín chỉ carbon đại diện cho quyền phát thải 1 tấn CO₂ hoặc lượng khí nhà kính tương đương. Về bản chất, đây là một loại giấy phép phát thải có thể được mua bán, giao dịch trên các thị trường carbon, với mục tiêu cuối cùng là giảm tổng lượng phát thải toàn cầu thông qua việc đặt ra giới hạn (cap) và cho phép trao đổi quyền phát thải (trade) giữa các chủ thể phát thải[1] [2].

Hiện nay, thị trường carbon vận hành theo hai mô hình chính là thị trường tuân thủ (compliance market) và thị trường tự nguyện (voluntary market).

Trong thị trường tuân thủ, cơ quan quản lý sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp; nếu vượt hạn mức, doanh nghiệp cần mua thêm tín chỉ từ các đơn vị phát thải thấp hơn hoặc từ các dự án giảm phát thải được chứng nhận. Ngược lại, nếu phát thải thấp hơn ngưỡng cho phép, phần dư thừa có thể được bán lại.

Trong khi đó, thị trường tự nguyện cho phép doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân chủ động mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải không thể loại bỏ, phục vụ mục tiêu tự nguyện hoặc nâng cao hình ảnh môi trường của doanh nghiệp[3] [4].

Theo McKinsey, thị trường tín chỉ carbon có thể đạt giá trị trên 50 tỷ USD vào năm 2030, với nhu cầu dự báo tăng gấp 15 lần so với hiện tại do các cam kết Net Zero và áp lực từ nhà đầu tư, khách hàng[5]. Không chỉ là công cụ tối ưu chi phí, tín chỉ carbon còn mang lại lợi thế thương hiệu đáng kể. Các doanh nghiệp chủ động mua tín chỉ, đặc biệt là tín chỉ được chứng nhận bởi các tổ chức uy tín như Verra (VCS), thường được đánh giá cao hơn về cam kết phát triển bền vững và quản trị rủi ro môi trường.

Thống kê từ Sylvera cho thấy trong quý 1/2025, số lượng tín chỉ carbon đã được "nghỉ hưu" (retired) - tức đã được sử dụng để bù đắp phát thải - đạt mức 54.56 triệu tín chỉ[6]. Các tập đoàn toàn cầu như Shell, Microsoft tiếp tục sử dụng tín chỉ carbon như một phần trong chiến lược chuyển đổi, vừa bù đắp phát thải, vừa củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng xanh hóa.

Động lực phía sau xu hướng mua tín chỉ carbon

Giảm phát thải trực tiếp quá đắt đỏ và mất thời gian

Trong số những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn mua tín chỉ carbon thay vì đầu tư ngay vào các giải pháp giảm phát thải nội tại chính là yếu tố chi phí và thời gian triển khai. Theo báo cáo của RepuTex Energy, nhiều ngành công nghiệp hiện phải đối mặt với chi phí giảm phát thải lên tới hơn 100 USD cho mỗi tấn CO₂, đặc biệt trong các lĩnh vực khó chuyển đổi như hóa chất, thép, hàng không hoặc xi măng[7]. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án công nghệ hoặc cải tổ quy trình sản xuất thường mất nhiều năm mới có thể phát huy hiệu quả.

Mô hình dự báo của RepuTex cho thấy giai đoạn từ FY31 đến FY33 có thể mang lại lượng phát thải giảm cao hơn cả giai đoạn FY24 đến FY30 cộng lại, nhờ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn bắt đầu vận hành[8]. Trong bối cảnh này, tín chỉ carbon được nhiều doanh nghiệp xem là giải pháp “bắc cầu”, cho phép họ đạt được mục tiêu giảm phát thải trong trung hạn mà không gây gián đoạn hoạt động.

Tại Việt Nam, cơ quan quản lý cũng đã tính đến áp lực chi phí đối với doanh nghiệp. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất nâng tỷ lệ tín chỉ carbon được phép sử dụng để bù trừ phát thải từ 10% lên 30% trong giai đoạn đầu. Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, đề xuất này nhằm giúp doanh nghiệp không bị áp lực quá lớn trong giai đoạn chuyển đổi, đồng thời tận dụng các tín chỉ phát sinh từ hoạt động trồng rừng hoặc các dự án giảm phát thải khác để đáp ứng mục tiêu quốc gia[9].

Tín chỉ carbon mang lại sự linh hoạt và khả năng triển khai nhanh

Tín chỉ carbon cung cấp một công cụ linh hoạt, giúp doanh nghiệp bù đắp một phần lượng phát thải chưa thể cắt giảm, đồng thời duy trì tuân thủ các cam kết khí hậu. Cơ chế này cho phép doanh nghiệp chưa đủ điều kiện chuyển đổi ngay lập tức vẫn có thể tham gia vào tiến trình giảm phát thải toàn cầu.

Theo The Carbon Knowledge Hub, năm 2025 được xem là bước ngoặt trong việc tăng cường kết nối giữa các thị trường carbon trên toàn cầu. Song song đó, tổ chức Science Based Targets initiative (SBTi) đang trong quá trình hoàn thiện hướng dẫn chính thức cho phép doanh nghiệp sử dụng tín chỉ carbon như một phần trong lộ trình đạt mục tiêu Net Zero. BloombergNEF dự báo SBTi có thể nâng ngưỡng sử dụng tín chỉ vượt mức 10% lượng phát thải còn lại, tạo điều kiện để thị trường đạt quy mô gần 6 tỷ tấn CO₂ tương đương vào năm 2050[10].

Áp lực từ nhà đầu tư, khách hàng và khung pháp lý ngày càng rõ nét

Bên cạnh yếu tố tài chính, nhiều doanh nghiệp sử dụng tín chỉ carbon để đáp ứng kỳ vọng từ các bên liên quan, đặc biệt là nhà đầu tư và khách hàng quốc tế. Việc thể hiện hành động cụ thể thông qua việc mua tín chỉ có thể là một phần quan trọng trong báo cáo phát triển bền vững hoặc công bố thông tin phi tài chính.

Tại Việt Nam, Quyết định 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 đặt mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải và cơ chế bù trừ trước tháng 6/2025. Quy định nhằm triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh thị trường carbon khu vực và quốc tế đang định hình. 

Tín chỉ carbon góp phần củng cố hình ảnh và chiến lược truyền thông

Việc sử dụng tín chỉ carbon cũng mang lại cho doanh nghiệp một công cụ marketing mạnh mẽ. Thông qua việc mua tín chỉ, các công ty có thể tạo dựng hình ảnh "xanh" trong mắt người tiêu dùng và các bên liên quan. Tuy nhiên, nhiều tổ chức môi trường chỉ trích rằng đây có thể là một hình thức "tẩy xanh" (greenwashing).

Theo Carbon Market Watch, hiện tượng này đã làm suy yếu nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu được nêu trong Thỏa thuận Paris bằng cách cung cấp một "mánh khóe kép" cho các công ty gây ô nhiễm lớn. Một mặt, việc bù đắp phát thải cho phép các công ty rẻ tiền né tránh những nỗ lực phi carbon hóa nội bộ tốn kém. Mặt khác, nó cung cấp cho họ một công cụ tiếp thị mạnh mẽ để tẩy xanh hình ảnh của họ trong khi làm suy yếu trường hợp cần hành động quy định  vững vàng hơn[11].

Thực tế này được minh họa rõ nét qua trường hợp của Shell - công ty mua lượng tín chỉ carbon lớn nhất trong năm 2024 với 14.1 triệu tín chỉ, cao gấp gần ba lần so với lượng tín chỉ của những năm trước[12]. Điều đáng chú ý là hơn một nửa số này được sử dụng chỉ trong tháng 12, cho thấy khả năng việc mua tín chỉ carbon có thể là một phần của chiến lược truyền thông và báo cáo cuối năm của công ty.

Những vấn đề và tranh cãi xoay quanh tín dụng carbon

Dù được xem là công cụ hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, thị trường tín chỉ carbon vẫn đối mặt với nhiều tranh cãi, đặc biệt liên quan đến tính toàn vẹn và hiệu quả thực tế. Một trong những lo ngại lớn nhất là liệu mỗi tín chỉ có thực sự đại diện cho việc giảm phát thải đáng tin cậy hay không, hay chỉ là công cụ mang tính hình thức.

Theo báo cáo năm 2024 của MSCI về xu hướng bền vững và khí hậu, chất lượng tín chỉ trong thị trường carbon tự nguyện đã có cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để hoàn thiện. Dựa trên hệ thống xếp hạng tín chỉ carbon của MSCI tính đến giữa năm 2024, gần 50% tín chỉ đã được “nghỉ hưu” vẫn chỉ đạt xếp hạng B hoặc thấp hơn, trong khi chỉ 8% đạt xếp hạng A hoặc AA. Không có dự án nào đạt mức cao nhất là AAA. Dù vậy, trong giai đoạn từ quý 2/2022 đến quý 2/2024, tỷ lệ tín chỉ xếp hạng thấp nhất (CCC) đã giảm từ 29% xuống còn 15%, và tỷ lệ tín chỉ đạt A hoặc AA đã tăng gấp đôi, cho thấy xu hướng cải thiện rõ rệt về chất lượng và tính minh bạch[13].

Tuy nhiên, thị trường carbon toàn cầu vẫn tồn tại nhiều thách thức như thiếu nhất quán trong cơ chế xác minh, mối quan ngại về tính bổ sung (additionality), rủi ro trùng lặp (double counting), và sự phân mảnh giữa các tiêu chuẩn đánh giá. Việc giải quyết các rào cản này là điều kiện tiên quyết để thị trường tín chỉ carbon đóng góp hiệu quả vào nỗ lực khí hậu và bảo đảm giá trị kinh tế cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), tính đến tháng 11/2022, cả nước có tổng cộng 276 dự án được đăng ký theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), với khoảng 30 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành[14]. Tuy nhiên, để tham gia hiệu quả vào thị trường carbon toàn cầu và khu vực, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện các tiêu chí đảm bảo chất lượng, giám sát và minh bạch cho các dự án tạo ra tín chỉ carbon trong nước.

Tín dụng carbon có thể là giải pháp lâu dài không?

Một trong những câu hỏi then chốt hiện nay là liệu tín chỉ carbon có thể đóng vai trò lâu dài trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách quốc tế vẫn đang thảo luận về giới hạn và tiềm năng thực sự của công cụ này. Theo các mô hình dự báo, nếu được thiết kế hiệu quả và minh bạch, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu có thể giúp loại bỏ hoặc tránh phát thải tới 5.9 gigaton CO₂ vào năm 2050[15]. Tuy nhiên, để đạt được tiềm năng đó, thị trường cần cải cách sâu rộng, đặc biệt về tính toàn vẹn tín chỉ, phương pháp đo lường và hệ thống xác minh.

Một yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến tương lai của tín chỉ carbon là hướng dẫn cập nhật từ tổ chức Science Based Targets initiative (SBTi). SBTi hiện yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm ít nhất 90% lượng phát thải trên toàn bộ chuỗi giá trị[16]. Trong năm 2025, tổ chức này sẽ đưa ra quyết định về việc có cho phép sử dụng tín chỉ để bù đắp phát thải Phạm vi 3 (Scope 3) hay không. Quyết định này sẽ tạo ra khuôn khổ rõ ràng hơn cho các chiến lược khí hậu trong khối doanh nghiệp, đồng thời định hình vai trò của tín chỉ carbon trong cam kết Net Zero.

Tại Việt Nam, định hướng chính sách cho thấy sự ủng hộ có điều kiện đối với tín chỉ carbon như một công cụ kinh tế để quản lý phát thải. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng nhấn mạnh rằng thị trường tín chỉ carbon không chỉ góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0, mà còn giúp thay đổi hành vi phát thải thông qua cơ chế thị trường, nơi các chủ thể giảm phát thải hiệu quả hơn có thể giao dịch hạn ngạch[17].

Đề án phát triển thị trường carbon cũng xác định rõ vai trò của công cụ này trong việc hỗ trợ thực hiện NDC, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, đây được xem là nguồn tài chính bổ sung cho các hoạt động giảm phát thải trong nước, góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.


[1] https://offsetguide.org/understanding-carbon-offsets/what-is-a-carbon-offset/

[2] https://www.investopedia.com/terms/c/carbon_credit.asp

[3] https://www.mckinsey.com/capabilities/sustainability/our-insights/a-blueprint-for-scaling-voluntary-carbon-markets-to-meet-the-climate-challenge

[4] https://verra.org/programs/verified-carbon-standard/

[5] https://www.mckinsey.com/capabilities/sustainability/our-insights/a-blueprint-for-scaling-voluntary-carbon-markets-to-meet-the-climate-challenge

[6] https://www.sylvera.com/blog/carbon-data-q1-2025

[7] https://carbonmarketinstitute.org/app/uploads/2025/04/Carbon-Market-Report-2025-FINAL.pdf

[8] https://carbonmarketinstitute.org/app/uploads/2025/04/Carbon-Market-Report-2025-FINAL.pdf

[9] https://vnexpress.net/de-xuat-doanh-nghiep-duoc-mua-30-tin-chi-bu-tru-phat-thai-4872780.html

[10] https://www.carbonknowledgehub.com/factsheets/things-to-watch-in-global-carbon-markets-in-2025

[11] https://carbonmarketwatch.org/2025/02/12/behind-the-green-curtain-big-oil-and-the-voluntary-carbon-market/

[12] https://carbonmarketwatch.org/2025/02/12/behind-the-green-curtain-big-oil-and-the-voluntary-carbon-market/

[13] https://carboncredits.com/carbon-markets-in-2025-a-new-era-of-accountability-quality-and-transparency/

[14] https://vjst.vn/Images/Tapchi/2024/4A/28-4A-2024.pdf?utm

[15] https://www.southpole.com/publications/2025-carbon-market-buyers-guide

[16] https://carboncredits.com/carbon-markets-in-2025-a-new-era-of-accountability-quality-and-transparency/

[17] https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/thi-truong-tin-chi-carbon-can-di-truoc-de-bao-dam-loi-ich-quoc-gia-doanh-nghiep.html

Nguyễn Nhiều Lộc

FILI - 08:00:00 11/05/2025