Tạm thời bố trí bình quân 60 biên chế/xã sau sắp xếp đơn vị hành chính
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tổng thể phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đã hoàn tất để trình Quốc hội xem xét. Sau sắp xếp, biên chế cấp xã tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 người/xã, phường, đặc khu.
![]() Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP |
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã ngay sau Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị. Bà nhấn mạnh: "Với tinh thần ‘vừa chạy, vừa xếp hàng’, cả hệ thống chính trị đã khẩn trương vào cuộc".
Tính đến ngày 08/05, Bộ Nội vụ đã hoàn tất toàn bộ hồ sơ và đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sắp xếp ĐVHC tại 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh, thành phố mới), đồng thời trình Quốc hội xem xét đề án sắp xếp cấp tỉnh.
Ngay trong sáng 9/5, Chính phủ giao Bộ Nội vụ, thay mặt Chính phủ và thừa ủy quyền Thủ tướng, ký trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, xã theo đúng quy định.
Các hồ sơ sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh sẽ được trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 trong tháng 5/2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành đồng bộ 34 nghị quyết sắp xếp cấp xã, hoàn tất trong tháng 6/2025, bảo đảm sự thống nhất.
Chính phủ và Bộ Nội vụ cam kết theo dõi sát sao quá trình hoàn thiện hồ sơ, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 10 địa phương đi đầu trong xây dựng hồ sơ đề án, gồm: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Trị, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.
Về bố trí nhân sự, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn rõ nguyên tắc. Đối với cấp tỉnh, tổng số cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp không vượt quá số hiện có. Việc tinh giản biên chế sẽ gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng nhân sự, đảm bảo trong 5 năm tới cơ bản bố trí đúng quy định.
Khi chính quyền cấp tỉnh mới đi vào hoạt động, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan để xác định vị trí việc làm phù hợp, trình cấp thẩm quyền giao biên chế.
Với cấp xã, trước mắt vẫn giữ nguyên biên chế hiện có của cấp huyện, cấp xã để bố trí cho đơn vị mới, trừ những cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Khi các cơ quan chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế/xã, phường, đặc khu, bao gồm cả khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương.
Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để trình các luật theo chương trình kỳ họp thứ 9; khẩn trương hoàn thiện Nghị định về thẩm quyền, nhiệm vụ, thủ tục hành chính và phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, xã trước ngày 10/06/2025; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn chậm nhất trước ngày 20/06/2025.
Bộ Tài chính được giao báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15, đảm bảo đơn vị hành chính mới sớm ổn định và hoạt động hiệu quả.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch trong xây dựng phương án nhân sự. Bà đề nghị chính quyền địa phương các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công và phương án sắp xếp cán bộ ngay khi các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành.
Các địa phương cần linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện phù hợp với đặc thù địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc sắp xếp, từ đó tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai.
Bà Trà cũng yêu cầu các địa phương tập trung cao cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự sau sắp xếp, xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể. Việc chỉ định, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt phải được thực hiện kịp thời.
Cùng với đó, các chính sách với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng phải được giải quyết thấu đáo, công khai, minh bạch để đảm bảo sự ổn định tâm lý và tổ chức. Trong thời gian chuyển tiếp, hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp phải được duy trì ổn định, không để gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo Tờ trình ngày 08/05/2025 của Bộ Nội vụ gửi Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025, sau sắp xếp, cả nước có 34 ĐVHC cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang). Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, cả nước còn tổng số 3,321 ĐVHC cấp xã (2,636 xã, 672 phường và 13 đặc khu), trong đó có 3,193 ĐVHC cấp xã hình thành mới do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh ĐVHC cấp xã và 128 ĐVHC không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên), giảm 6,714 ĐVHC cấp xã (từ 10,035 xuống còn 3,321) so với trước khi sắp xếp ĐVHC cấp xã (đạt tỉ lệ giảm 66.91%). |
Tùng Phong