Tập đoàn nước ngoài ồ ạt phát hành “trái phiếu gấu trúc” để phòng vệ rủi ro tại Trung Quốc
Các tập đoàn đa quốc gia đang đổ xô vào thị trường trái phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục, nhằm tìm kiếm nguồn vốn rẻ hơn và phòng ngừa rủi ro từ mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington.
Việc phát hành trái phiếu gấu trúc, tức vay vốn bằng nhân dân tệ của các công ty nước ngoài trên thị trường Trung Quốc đại lục, đã đạt 194.8 tỷ nhân dân tệ (26.5 tỷ USD) trong năm 2024, mức cao nhất từ trước đến nay cho cả năm. Riêng quý 1 năm nay, con số này đạt 41.6 tỷ nhân dân tệ, là quý có lượng phát hành cao thứ hai kể từ khi Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á phát hành những trái phiếu đầu tiên vào năm 2005.
Mercedes-Benz, HSBC và Trafigura nằm trong số các tập đoàn nước ngoài dẫn đầu làn sóng huy động vốn này. Nhiều doanh nghiệp muốn tận dụng mức lãi suất tại Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác như Mỹ và châu Âu.
Động thái phát hành trái phiếu này cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của các tập đoàn toàn cầu: họ lựa chọn phát hành nợ cho các công ty con tại Trung Quốc ngay tại địa phương, thay vì huy động vốn ở nước ngoài rồi chuyển tiền về Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định, chiến lược “tại Trung Quốc cho Trung Quốc” này có thể giúp các doanh nghiệp nước ngoài giảm chi phí giao dịch, thậm chí phòng ngừa nguy cơ bị hạn chế tài chính đối với các công ty con nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Ông Terry Zhang - Giám đốc chiến lược toàn cầu và quản lý kinh doanh tại CSCI Pengyuan, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Trung Quốc, nhận định: “Những bất ổn địa chính trị đang gây áp lực buộc các giám đốc tài chính và thủ quỹ toàn cầu phải cân nhắc đa dạng hóa đồng tiền sử dụng cho huy động vốn, qua đó thúc đẩy nguồn cung trái phiếu gấu trúc”.
Ông Joerg Wuttke, đối tác tại DGA-Albright Stonebridge Group và nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, cho biết việc phát hành nợ tại địa phương đồng nghĩa các ngân hàng Trung Quốc sẽ nắm giữ một phần “rủi ro Trung Quốc” của các công ty quốc tế.
“Các doanh nghiệp châu Âu thường muốn giữ nợ trên bảng cân đối kế toán tại quốc gia sở tại”, ông nói thêm.
Một người phát ngôn của Mercedes-Benz cho biết: “Việc đa dạng hóa không chỉ mang lại lợi ích cho hoạt động tại Trung Quốc của chúng tôi, mà còn giảm áp lực lên mức huy động vốn tại các thị trường truyền thống như EUR và USD. Chúng tôi luôn cố gắng huy động vốn tại các thị trường mà mình đang hoạt động, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các thị trường này… Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại và biến động thị trường, trái phiếu gấu trúc giúp chúng tôi tiếp cận thêm nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn”.
HSBC dẫn lại thông cáo phát hành tháng 11/2024 sau khi phát hành trái phiếu trị giá 4.5 tỷ nhân dân tệ, trong đó ngân hàng này cho biết nguồn vốn sẽ được sử dụng để “hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng về nhân dân tệ của các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm hiện ở gần mức thấp kỷ lục từng ghi nhận hồi tháng 1, trước bối cảnh lo ngại kinh tế trong nước rơi vào vòng xoáy giảm phát. Điều này đã nới rộng khoảng cách chi phí vay so với Mỹ, theo các chuyên gia ngân hàng đầu tư, khiến trái phiếu gấu trúc trở thành kênh huy động vốn hấp dẫn.
Theo dữ liệu từ Wind, lãi suất trái phiếu coupon trung bình đã giảm xuống dưới 2% trong quý 1/2025, so với mức 3.4% năm 2022, góp phần gia tăng sức hút của hình thức huy động vốn này.
Ông Zhang Xing - Trưởng bộ phận thị trường vốn nợ tại Ngân hàng Đầu tư China International Capital Corporation nhận định: “Năm nay, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục quan tâm phát hành trái phiếu gấu trúc nhờ lãi suất thấp”.
Thị trường trái phiếu gấu trúc vẫn nhỏ hơn nhiều so với thị trường “trái phiếu dim sum”, loại trái phiếu mệnh giá nhân dân tệ phát hành tại Hồng Kông và dành cho nhà đầu tư quốc tế.
Ông Christopher Li, chuyên gia phân tích giao dịch tín dụng châu Á tại BNP Paribas, cho biết: “Phát hành trái phiếu gấu trúc là điều chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy nói chung”, đề cập tới nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phát triển thị trường vốn và tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ.
Ông nói thêm: “Hình thức này mang lại cho các tổ chức phát hành nước ngoài một lựa chọn huy động vốn thay thế cho hoạt động của mình, đồng thời mang đến cho nhà đầu tư mức lợi suất cao hơn so với trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp nội địa”.
Một số Chính phủ nước ngoài cũng đang xem xét phát hành trái phiếu gấu trúc. Tháng 4, Hungary cho biết nước này dự kiến bán nợ tại Trung Quốc đại lục trong năm nay.
Việc phát hành trái phiếu gấu trúc bắt đầu tăng mạnh sau năm 2016 khi lãi suất chuẩn giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tách biệt. Năm 2023, Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, cơ quan quản lý thị trường ngoại hối, thông báo các tổ chức phát hành có thể tự do chuyển nguồn vốn huy động ra nước ngoài.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo điều kiện kinh tế toàn cầu biến động mạnh, do chính sách thuế thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể sớm làm chững lại đà phát hành trái phiếu gấu trúc.
Bà Alicia García Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Natixis, cho rằng lượng phát hành có thể giảm trong những tháng tới do tỷ giá nhân dân tệ biến động mạnh hơn.
Bà cho biết thêm, phần lớn lượng phát hành năm nay đến từ các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài và các tổ chức đa phương như Ngân hàng Phát triển Mới, chỉ có một số ít doanh nghiệp Đức và các công ty ngoài Trung Quốc gia nhập thị trường.
Quốc An (Theo FT)