Thế hệ nhà đầu tư gen Z của Nhật Bản đã xuất hiện
Quan điểm về đầu tư tại Nhật Bản đang thay đổi sâu sắc giữa các thế hệ, đặc biệt khi lạm phát quay trở lại và các chương trình giáo dục tài chính được triển khai rộng rãi.
![]() Một quảng cáo về Tài khoản Tiết kiệm Cá nhân Nippon (NISA) được trưng bày tại một chi nhánh của Công ty Chứng khoán Nomura ở khu vực Kichijoji, Tokyo ngày 22/04 - Ảnh: Kiyoshi Ota/Bloomberg |
Giới trẻ ngày nay mạnh dạn đầu tư vào những tài sản có mức độ rủi ro cao, khác biệt rõ rệt với sự thận trọng của cha mẹ và ông bà, những người thường ưu tiên giữ tiền mặt. Sự thay đổi trong cách đầu tư này đang góp phần làm thị trường chứng khoán Nhật Bản sôi động trở lại, đồng thời hưởng lợi từ các cải cách doanh nghiệp và xu hướng đầu tư chủ động.
Asuka Koizeki, một sinh viên 19 tuổi tại Đại học Keio ở Tokyo, chia sẻ: “Tôi bắt đầu đầu tư vì lo lắng, trong một xã hội Nhật Bản đang già hóa, liệu lương hưu sau này có đủ cho chúng tôi hay không”. Đồng thời “Gửi tiền tiết kiệm thì không sợ mất vốn, nhưng cũng không thực sự an toàn vì giá trị có thể bị giảm đi theo thời gian”.
Koizeki cho biết, những biến động gần đây trên thị trường, đặc biệt sau các biện pháp áp thuế của Tổng thống Donald Trump, đã giúp cô nhận thức rõ hơn về những rủi ro vốn có khi đầu tư.
“Điều đó khiến tôi cảm thấy áp lực tâm lý lớn hơn khi rót tiền vào các tài sản rủi ro”, Koizeki chia sẻ. “Tuy vậy, tôi vẫn lựa chọn tiếp tục đầu tư thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản ngân hàng”.
Theo Hiệp hội Quỹ Đầu tư, tỷ lệ người trẻ ở độ tuổi 20 tại Nhật Bản đầu tư vào quỹ mở, cổ phiếu và trái phiếu đã tăng gần gấp 3 lần, từ 13% năm 2016 lên hơn 36% vào năm ngoái. Ở nhóm tuổi 30, con số này cũng tăng mạnh, từ 24% lên 42.5%.
Số nhà đầu tư ở độ tuổi 20 tăng gấp 3 lần Người đầu tư vào quỹ mở, cổ phiếu và trái phiếu. Nguồn: Hiệp hội Quỹ Đầu tư |
Xu hướng đầu tư vì lo ngại lương hưu nhà nước không đủ cũng đang diễn ra tại Trung Quốc, nơi hàng chục triệu người trẻ chọn rút khỏi hệ thống hưu trí quốc gia do lo sợ quỹ sẽ cạn kiệt.
Tại Nhật Bản, làn sóng quan tâm đến đầu tư được thúc đẩy bởi nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao hiểu biết tài chính ở trường học và khuyến khích chuyển dịch một phần của số tiền khoảng 1 triệu tỷ yên đang nằm trong các tài khoản ngân hàng sang thị trường cổ phiếu. Một sáng kiến trọng tâm là mở rộng chương trình tiết kiệm đầu tư miễn thuế NISA, giúp người dân đầu tư vào cổ phiếu, quỹ mở và các loại chứng khoán khác mà không phải chịu thuế trên lợi nhuận.
Nhờ đó, số tài khoản NISA do người dưới 40 tuổi sở hữu đã tăng lên 7.4 triệu vào tháng 9/2024, so với 5.8 triệu cùng kỳ năm trước, theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản. Các tài khoản này cho phép nhà đầu tư linh hoạt lựa chọn các sản phẩm tài chính như vào cổ phiếu, quỹ mở và các loại chứng khoán khác, đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận nhờ chính sách miễn thuế.
“Các thế hệ trẻ sẽ là nền tảng của lực lượng nhà đầu tư tương lai và được kỳ vọng trở thành nhóm mua chủ lực trên thị trường chứng khoán Nhật Bản”, ông Masahiro Yamaguchi, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Ngân hàng SMBC Trust nhận định. “Hiện nay, đang diễn ra một sự chuyển dịch thế hệ rõ nét trong giới đầu tư cá nhân, với động lực lớn đến từ các chương trình đầu tư miễn thuế”.
Niềm tin đầu tư mới
Giới trẻ Nhật Bản đã vượt qua những lo ngại của thế hệ đi trước, những người từng chịu ảnh hưởng nặng nề khi bong bóng tài sản vỡ vào đầu thập niên 1990 và từ đó chỉ giữ tiền mặt trong ngân hàng hoặc cất giữ tại nhà. Dù người lớn tuổi cũng bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào các tài sản rủi ro, mức tăng trưởng ở thế hệ Z vẫn nổi bật hơn cả.
Ông Yamaguchi cho biết, giáo dục tài chính đang tạo ra sự khác biệt rõ rệt, đồng thời nhận xét rằng giới trẻ thường có cái nhìn tích cực về thị trường vì họ chưa từng trải qua các giai đoạn suy thoái kéo dài, ngoài một số biến động lớn gần đây như đợt giảm sâu ngày 05/08 (khi thị trường giảm sâu nhất kể từ năm 1987) hay những tác động từ các biện pháp áp thuế mới.
“Nhà đầu tư trẻ dường như không quá lo lắng trước những biến động bất ngờ của thị trường”, ông nhận xét. “Họ thường đầu tư định kỳ, nên ngay cả khi thị trường giảm điểm, phần lớn vẫn tiếp tục duy trì khoản đầu tư của mình. Thậm chí, một số bạn trẻ còn cân nhắc tăng thêm vốn khi có cơ hội”.
Trước khi chương trình giáo dục tài chính quốc gia được triển khai vào năm 2022, chỉ có 7% người dân Nhật Bản từng được học về tài chính một cách bài bản, so với 20% ở Mỹ, theo khảo sát của Hội đồng Thông tin Dịch vụ Tài chính Trung ương do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bảo trợ. Kết quả này đã thúc đẩy chính phủ đẩy mạnh việc giảng dạy tài chính trong trường học.
Tại một trường trung học tư thục học từ xa có trụ sở chính ở tỉnh Okinawa, một câu lạc bộ đầu tư đã được thành lập. Hơn 100 học sinh tham gia, mỗi người được giao quản lý khoản đầu tư thực tế trị giá 200,000 yên (khoảng 1,396 USD) bằng phương pháp phân tích cơ bản để đầu tư vào cổ phiếu. Sau một năm giao dịch, các em hoàn trả lại số vốn gốc, nhưng được giữ lại phần lợi nhuận mà mình đạt được.
Bà Kanako Uchimura, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, nhận định: “Thách thức sắp tới là làm sao giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của đầu tư dài hạn để tích lũy tài sản, ngay cả khi thị trường có biến động”. Bà cũng cho rằng, lạm phát tăng ở Nhật Bản đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thế hệ trẻ trong việc tích lũy tài sản.
Nao Otama, 19 tuổi, sinh viên Đại học Keio, cho biết cô đang cân nhắc bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu, với mong muốn có đủ tài chính để thực hiện các mục tiêu lớn trong đời như kết hôn, mua nhà và sinh con.
Quốc An (Theo Bloomberg)