Thị trường thương mại điện tử Campuchia kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm nay
Lĩnh vực thương mại điện tử của Campuchia đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, thị trường này được kỳ vọng đạt 1.78 tỷ USD trong năm 2025, tăng từ mức 1.51 tỷ USD hồi năm 2024, theo Bản tin Thương mại điện tử (iTrade Bulletin) của Bộ Thương mại Campuchia (MoC).
Dữ liệu này thể hiện tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17.88%, minh chứng cho việc người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp nhận kỹ thuật số nhanh chóng.
Tính trong thị phần thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á (ASEAN), Campuchia chiếm 1.3%. Trong năm 2024, giá trị thị trường thương mại điện tử khu vực này đạt mức 116.36 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ tăng lên 137.24 tỷ USD vào năm 2025.
Thương mại điện tử đã trở thành một yếu tố đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Vương quốc, chiếm 6.68% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2024. Các nền tảng như Facebook, TikTok và Telegram thống trị doanh số bán hàng trực tuyến, củng cố thêm vai trò của thương mại xã hội trong việc thúc đẩy các giao dịch kỹ thuật số.
Việc quét mã QR đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến nhất, chiếm 47.15% giao dịch. Kế đến là phương thức thanh toán bằng tiền mặt, chiếm 26.5%; chuyển tiền qua điện thoai chiếm 13.3% và các phương thức khác chiếm 13.05%. Xu hướng này cho thấy niềm tin của công chúng ngày càng tăng vào các phương thức thanh toán kỹ thuật số, được hỗ trợ bởi tích hợp ngân hàng di động.
Các đơn vị dẫn đầu về tích hợp ngân hàng là Ngân hàng ABA, chiếm đến 46.89%; Ngân hàng ACLEDA chiếm 30.90% và Ngân hàng Wing chiếm 17.02%. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức tài chính trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Khả năng kết nối di động cao tiếp tục hỗ trợ cho việc mở rộng của thương mại điện tử. Vào năm 2024, Campuchia ghi nhận 21.9 triệu thuê bao di động cùng với số lượng người dùng internet tương đương. Các nền tảng truyền thông xã hội đóng vai trò trung tâm, với 11.65 triệu người dùng Facebook và gần 10 triệu người dùng TikTok, góp phần thúc đẩy hình thức mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) và bán hàng livestream.
Hành vi tiêu dùng đang chuyển dịch sang trực tuyến. Hiện nay, có rất nhiều người Campuchia mua hàng online mỗi tháng. Đa số người tiêu dùng chi tiêu từ 11 - 50 USD cho mỗi giao dịch. Những danh mục sản phẩm phổ biến bao gồm thời trang (23%), thực phẩm và đồ uống (20%), làm đẹp và chăm sóc cá nhân (19%) và công nghệ và điện tử (14%).
Chính phủ Hoàng gia đã thực hiện một loạt các chính sách để thúc đẩy một môi trường thương mại điện tử an toàn và cạnh tranh. Những chính sách bao gồm khuôn khổ pháp lý cho những huy hiệu tin cậy thương mại điện tử (e-commerce trustmarks); đơn giản hóa việc đăng ký thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp kỹ thuật số; Khuôn khổ Chính sách Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số Campuchia giai đoạn 2021-2035; Chính sách Chính phủ Kỹ thuật số giai đoạn 2022 - 2035; các sáng kiến nhằm hợp lý hóa việc đăng ký kinh doanh thông qua nền tảng dịch vụ một cửa và các thủ tục cập nhật để cấp giấy phép kinh doanh thương mại điện tử.
Sự xuất hiện của trào lưu "Mua trước, trả sau" cũng được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Nhiều nhà bán lẻ trực tuyến cũng áp dụng mô hình này.
Với khả năng truy cập internet và sử dụng điện thoại thông minh tiếp tục tăng, hệ sinh thái thương mại kỹ thuật số của Campuchia được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh chóng. Quan hệ đối tác ngân hàng mạnh mẽ, các nền tảng ưu tiên thiết bị di động cùng với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ đang củng cố cho thương mại kỹ thuật số toàn diện và bền vững.
Tuy nhiên, theo chia sẻ với Khmer Times của Sophat Chy, một nhà sáng tạo nội dung kỹ thuật số, lĩnh vực thương mại điện tử của Campuchia vẫn còn sơ khai và chưa đạt đến giai đoạn hoạt động với chức năng toàn diện hoặc được áp dụng rộng rãi.
Do đó, thị trường trực tuyến trong nước vẫn còn tương đối nhỏ. Sophat nói: "Tuy nhiên, trên thế giới, nhất là ở các nước tiên tiến về công nghệ, ngành công nghiệp thương mại điện tử đã có tiến bộ đáng kể, thị trường trực tuyến rất lớn và được thiết lập vững chắc”.
Dù vậy, Sophat tin rằng thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho bối cảnh kinh tế của Campuchia. "Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Lĩnh vực này làm tăng cơ hội việc làm ở nước ta và chuyển đổi các hoạt động kinh doanh truyền thống bằng cách chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng trực tuyến. Nó cũng giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc mua sắm và nhận hàng", anh ta giải thích.
Sophat nhấn mạnh thêm rằng sự chuyển đổi kỹ thuật số đang thúc đẩy một thế hệ đổi mới và khởi nghiệp mới tại dất nước. Sophat nói: "Lĩnh vực này khuyến khích sự đổi mới và cạnh tranh, nhất là trong phát triển chương trình, và tạo cơ hội cho các doanh nhân hoặc cá nhân muốn bắt đầu kinh doanh mà không đòi hỏi số vốn lớn".
Các nền tảng truyền thông xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi này. "Các mạng xã hội như Facebook và TikTok đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thị trường thương mại điện tử vì chúng có lượng người dùng lớn và đóng vai trò là nền tảng quan trọng để quảng bá doanh nghiệp, thương hiệu và quy trình hoạt động", Sophat nói.
Nhà sáng tạo nội dung kỹ thuật số này thừa nhận rằng Campuchia thiếu một nền tảng thương mại điện tử trong nước mạnh mẽ. Anh chia sẻ: "Thật tình mà nói, Campuchia vẫn chưa có một nền tảng thương mại điện tử trong nước phổ biến. Ngược lại, nhiều người Campuchia thường xuyên đặt hàng từ các nền tảng quốc tế như Taobao và Lazada. Xu hướng ngày càng tăng này được phản ánh trong sự xuất hiện ngày càng nhiều các công ty vận chuyển và giao hàng ở Campuchia, bao gồm Loda, ZTO và những công ty khác".
Khai Tâm (Theo Khmer Times)