Thủ tướng: Phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu
Trình bày tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 68, Thủ tướng nhấn mạnh cần xóa bỏ định kiến, coi kinh tế tư nhân là trụ cột và động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
![]() Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: VGP |
Nghị quyết 68 và cú hích chiến lược cho kinh tế tư nhân Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) sáng 18/05, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ thực tiễn phát triển KTTN ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra nhiều bài học quan trọng.
Theo Thủ tướng, trước hết cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vai trò của KTTN như một động lực quan trọng nhất và trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia. "Phải tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và hành động mạnh mẽ hỗ trợ KTTN phát triển", Thủ tướng nói.
Thứ hai, cần nâng cao vai trò kiến tạo và dẫn dắt của Nhà nước, xoá bỏ mọi rào cản và tư duy "không quản được thì cấm", đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư. Thứ ba, KTTN phải được đối xử công bằng với các thành phần kinh tế khác, được hỗ trợ vượt trội trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Chính phủ cũng xác định ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân lớn, tiên phong ở các lĩnh vực trọng yếu, tăng cường liên kết với khu vực FDI, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc tế. Cùng với đó, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có cơ chế đãi ngộ vượt trội để thu hút nhân tài trong các ngành công nghệ cao, mới nổi.
Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu về chính sách đột phá phát triển KTTN là khách quan và cấp bách trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra cơ hội mới. Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược 100 năm, ông yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động quyết liệt, khơi thông mọi động lực phát triển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc "xóa bỏ mọi định kiến, phát huy vai trò KTTN".
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển KTTN do Thủ tướng làm Trưởng ban. Trong vòng 2 tháng, các văn kiện then chốt đã được ban hành gồm: Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết 138/NQ-CP và 139/NQ-CP của Chính phủ. “Đây là minh chứng cho quyết tâm hành động và hiệu quả trong công tác điều hành,” Thủ tướng khẳng định.
Song song đó, Chính phủ cũng đang thực hiện "cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy", cắt giảm khâu trung gian, thủ tục hành chính, tăng tính chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp.
"Thương trường là chiến trường, doanh nhân là chiến sĩ"
Nêu rõ nội dung Nghị quyết 68, Thủ tướng cho biết có 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá:
Thứ nhất, khẳng định KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là lực lượng tiên phong trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng trưởng và hội nhập.
Thứ hai, phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả là nhiệm vụ cấp bách và chiến lược dài hạn, là phương thức tối ưu để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực trong dân.
Thứ ba, xóa bỏ triệt để định kiến với KTTN; coi doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, phải bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.
Thứ tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có khả năng cạnh tranh toàn cầu, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp.
Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước; doanh nghiệp là trung tâm, doanh nhân là chủ thể, cần được tôn vinh, cổ vũ và phát triển mạnh mẽ.
"Phải phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu chính đáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Thủ tướng nói. "Thương trường là chiến trường, cần truyền cảm hứng cho các chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".
Nghị quyết đề ra các mục tiêu đến năm 2030 và 2045, với 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp mang tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ. Các giải pháp này bám sát ba đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực, hạ tầng) và nằm trong tổng thể bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết 68-NQ/TW.
Thủ tướng cho biết, trọng tâm của các nhóm nhiệm vụ là giải quyết những vấn đề then chốt đối với phát triển KTTN hiện nay, bao gồm: đổi mới tư duy; cải cách thể chế; cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển thị trường; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường sự lãnh đạo và giám sát của Đảng.
Các mục tiêu theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị: (1) Đến năm 2030: - Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. - Có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. - Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu NSNN; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. - Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á. (2) Tầm nhìn đến năm 2045: Kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP. |
Tùng Phong