Thủ tướng: Phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan là chính
Tại Hội nghị toàn quốc sáng 18/05, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra hàng loạt bất cập cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân, từ thể chế, nhận thức đến tổ chức thực hiện. Dù khu vực này chiếm 50% GDP, nhưng vẫn còn "nút thắt kép" trong pháp luật, tín dụng, kết nối.
![]() Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị toàn quốc sáng 18/05 - Ảnh: VGP |
Sáng 18/05, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).
Kinh tế tư nhân chiếm hơn 50% GDP
Trình bày chuyên đề tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nghị quyết 68 nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng đối với sự phát triển của khu vực KTTN.
Đánh giá về vai trò của KTTN, Thủ tướng cho biết đây là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng GDP, thu ngân sách, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Từ khoảng 5,000 doanh nghiệp năm 1990, đến nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên gần 1 triệu.
Trong giai đoạn 2016-2024, KTTN tăng trưởng khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Bình quân mỗi năm, khu vực tư nhân sử dụng hơn 43.5 triệu lao động, chiếm trên 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.
Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực KTTN tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng từ 1,500 vào năm 2015 lên khoảng 4,000 vào năm 2024. Nhiều doanh nghiệp lớn dần hình thành, vươn ra khu vực và quốc tế.
Gần 70% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là siêu nhỏ, chưa tiếp cận nổi 20% tín dụng
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển KTTN vẫn chưa đạt được. Việt Nam chưa có 1.5 triệu doanh nghiệp và khu vực tư nhân cũng chưa đóng góp được 55% GDP như kỳ vọng.
Gần 98% doanh nghiệp tư nhân hiện có quy mô nhỏ và vừa, trong đó gần 70% là siêu nhỏ, với năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 21%. Tính đến năm 2024, Việt Nam có trung bình khoảng 10 doanh nghiệp/1,000 dân, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng do tác động của bất ổn quốc tế và trong nước. Doanh nghiệp tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, nhất là vốn tín dụng, đất đai và nhân lực chất lượng cao. Dù chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp, các DNNVV chỉ tiếp cận được chưa tới 20% tổng dư nợ tín dụng và chiếm chưa đến 10% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán.
Chỉ có khoảng 18% doanh nghiệp tư nhân có kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp lớn (62%), còn lại là DNNVV. Nhiều doanh nghiệp thiếu minh bạch, vi phạm pháp luật, sản xuất hàng giả, trốn thuế, thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…
Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những bất cập căn cơ: "Nhận thức về KTTN còn hạn chế, quan điểm chưa cởi mở; tổ chức thực hiện chính sách chưa hiệu quả; một bộ phận doanh nghiệp còn thiếu chủ động, tự lực, tự cường".
Nguyên nhân chính, theo Thủ tướng, đến từ bên trong. Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang chuyển đổi, thể chế và pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, xếp hạng 70/190 quốc gia vào năm 2023 - thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Một số điều kiện kinh doanh thiếu tính khả thi chưa được bãi bỏ kịp thời. Các thủ tục đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ưu đãi thuế… còn phức tạp và khó triển khai thực tế. KTTN hiện cũng chưa theo kịp các xu thế mới như kinh tế số, xanh, tuần hoàn…
Tình trạng nhũng nhiễu, "xin - cho", tiếp tay cho tiêu cực, lợi ích nhóm trong bộ máy vẫn còn. "Phát triển KTTN còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan là chính - từ nhận thức đến tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước", Thủ tướng nêu rõ.
Tùng Phong