Thủ tướng: Thiết kế chính sách để đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân 'không có giới hạn'

date
09/05/2025 00:00

Thủ tướng: Thiết kế chính sách để đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân 'không có giới hạn'

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Đây là cuộc làm việc thứ hai của Thủ tướng Chính phủ trong hai ngày liên tiếp về nội dung quan trọng này.

Thủ tướng Phạm MInh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Ở trong nước, Hội nghị Trung ương lịch sử bàn về những vấn đề lịch sử; triển khai quyết liệt, triệt để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy; phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo.

Chính phủ đã trình Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về "bộ tứ chiến lược", gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững. Các nội dung trong "bộ tứ chiến lược" theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị được triển khai đồng bộ, bài bản sẽ có tác động cộng hưởng tích cực với nhau.

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất cần giải quyết ngay, được người dân và doanh nghiệp quan tâm nhất, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, nhưng chưa có trong các dự án luật.

Theo Thủ tướng, các cơ chế, chính sách phải mang tính "đòn bẩy, điểm tựa", sát tình hình, phù hợp với điều kiện hiện nay, tạo tâm lý hứng khởi, phát huy tinh thần tự tin, tự lực, tự cường, tự hào trong vươn lên phát triển; khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tối đa đổi mới sáng tạo; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

"Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới", Thủ tướng nhấn mạnh. Để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Nhà nước phải kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và thể chế, cơ chế, chính sách là động lực.

Phân tích, nhấn mạnh thêm một số nội dung để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Thủ tướng chỉ rõ, phải có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân; tạo xu thế, phong trào phát triển doanh nghiệp tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn đầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn.

Rà soát, bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tiếp cận bình đẳng về nguồn lực, vốn, đất đai, tài sản công; đẩy mạnh hợp tác công tư. Chính sách đào tạo nhân lực phải xuất phát từ nhu cầu thị trường, yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, cơ sở đào tạo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần làm rõ hơn nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng doanh nghiệp, tinh thần là phải "đúng vai, thuộc bài" trên cơ sở Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Chính phủ điều hành, Nhân dân làm chủ, phát huy sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh phân cấp rõ ràng; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ là không giới hạn về lĩnh vực hay quy mô công trình, dự án.

Dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn cơ chế, thể chế liên quan tới tài sản vô hình, thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Quốc hội thông qua trước ngày 18/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm".

Thủ tướng cũng lưu ý tính toán thêm nội dung về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích Quỹ đầu tư tư nhân; các thủ tục đăng ký, giải thể doanh nghiệp đơn giản nhất, nhanh nhất, chi phí rẻ nhất và đặc biệt là xóa bỏ cơ chế xin cho; làm rõ hơn chính sách thuế theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; doanh nghiệp vừa có trách nhiệm, vừa có nghĩa vụ; đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Quốc hội thông qua trước ngày 18/5.

Khang Di

FILI - 22:58:55 08/05/2025