Thủ tướng tiếp lãnh đạo 7 tập đoàn lớn của Thái Lan: Kêu gọi đầu tư mạnh vào kinh tế xanh, số, công nghệ cao

date
16/05/2025 22:23

Thủ tướng tiếp lãnh đạo 7 tập đoàn lớn của Thái Lan: Kêu gọi đầu tư mạnh vào kinh tế xanh, số, công nghệ cao

Tiếp lãnh đạo 7 tập đoàn hàng đầu Thái Lan, Thủ tướng khẳng định quyết tâm thúc đẩy ba đột phá chiến lược, cải cách thể chế toàn diện, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, số, công nghệ cao.

Chiều 16/05 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo 7 tập đoàn hàng đầu Thái Lan đang tháp tùng Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trong chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng tiếp ông Thammasak Sethaudom - Chủ tịch và Tổng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn SCG - Ảnh: VGP

Các doanh nghiệp gồm SCG, CP Group, AMATA, WHA, Central Retail, Kasikornbank và Super Energy - đều là những tập đoàn có hiện diện đầu tư tại Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp, nông nghiệp, bán lẻ, ngân hàng, năng lượng và phát triển khu công nghiệp.

SCG hiện vận hành tổ hợp hóa dầu Long Sơn trị giá hơn 5 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu, là dự án FDI lớn nhất tại tỉnh và thuộc hàng đầu cả nước. CP Group, tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan, đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm tích hợp. AMATA sở hữu 7 dự án khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 860 triệu USD, thu hút 220 nhà đầu tư, tạo ra hơn 60,000 việc làm.

Tập đoàn WHA chuyên phát triển hạ tầng logistics và khu công nghiệp, xác định Việt Nam là điểm đến chiến lược. Central Retail đã trở thành một trong những nhà bán lẻ nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 340 cửa hàng tại hơn 40 tỉnh thành. Kasikornbank mở chi nhánh tại TPHCM từ năm 2021, trong khi Super Energy đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam và khu vực.

Tại buổi tiếp, đại diện các tập đoàn đánh giá cao nỗ lực cải cách của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, tinh gọn bộ máy, đổi mới thể chế. Các doanh nghiệp cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, đồng thời nêu các kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác Việt Nam - Thái Lan ngày càng sâu sắc và toàn diện. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 6.4% so với năm trước. Hai bên đặt mục tiêu sớm đạt 25 tỷ USD, phù hợp với Tuyên bố chung cấp cao giữa hai nước.

Thái Lan hiện có 767 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn gần 15 tỷ USD, xếp thứ 9 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đã đầu tư 22 dự án tại Thái Lan với tổng vốn gần 35 triệu USD.

Thủ tướng đánh giá cao cam kết lâu dài của các doanh nghiệp Thái Lan và cho biết năm 2025 là thời điểm "tăng tốc, bứt phá, về đích" để hoàn thành mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025, hướng tới mức hai con số giai đoạn 2026-2030.

"Chúng tôi tập trung ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Thể chế phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh", Thủ tướng khẳng định. Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tư nhân như một động lực chủ lực của nền kinh tế.

Về thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh đây là "điểm nghẽn của các điểm nghẽn", cần được khai thông để huy động mọi nguồn lực phát triển. Chính phủ đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là chuyển đổi mô hình quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển bộ máy hành chính sang phục vụ chủ động, hiệu quả hơn. "Từ 01/07, bộ máy mới sẽ vận hành trơn tru, ra quyết định nhanh hơn", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các tập đoàn, ngân hàng Thái Lan tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao.

Thủ tướng cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ phía các tập đoàn trong việc thu hút thêm đầu tư chất lượng cao từ Thái Lan và quốc tế, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như đóng góp ý kiến giúp hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng tiếp ông Soopakij Chearavanont - Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) - Ảnh: VGP

Đối với CP Group, Thủ tướng nhấn mạnh: "Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam không thể thiếu nông nghiệp". Theo Thủ tướng, trong chiến lược dài hạn, nông nghiệp sẽ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, cần phát triển theo hướng công nghệ cao, sinh thái, hiện đại.

Thủ tướng đề nghị CP tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chế biến sâu, giảm chi phí bằng cách sử dụng nguyên liệu và nhân lực tại chỗ, đào tạo nhân sự quản lý người Việt, tận dụng mạng lưới FTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có thương hiệu.

Với Kasikornbank, Thủ tướng đề xuất ngân hàng này tham gia vào kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, kết nối hệ sinh thái tài chính - công nghệ hiện đại và hỗ trợ dòng vốn chất lượng vào Việt Nam.

Tùng Phong

FILI - 21:21:04 16/05/2025