Thủ tướng: Việt Nam và Mỹ sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên về thuế quan vào ngày 7/5
Trong phiên khai mạc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào sáng 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025. Đáng chú ý là thông tin Thủ tướng cho biết ngày 7/5 Việt Nam và Mỹ sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên về thuế quan.
![]() Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 |
Nỗ lực vượt "bão" thuế quan
Theo Thủ tướng, việc Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng vào đầu tháng 4/2025 đã gây ra những lo ngại không nhỏ cho nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng lên tới 46%, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng, dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế. Các tổ chức quốc tế (như IMF, Fitch Ratings và S&P Global) đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025, điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng tiêu cực của chính sách này.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ động trong việc ứng phó. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. "Việt Nam là một trong 6 nước được Mỹ ưu tiên đồng ý đàm phán và bắt đầu đàm phán với Mỹ, dự kiến phiên đầu tiên sẽ diễn ra ngày 7/5", Thủ tướng cho biết.
Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực trao đổi trên các kênh chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh...; Thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Mỹ; Ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm hàng trước khi Mỹ công bố chính sách thuế mới.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ (do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng), làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang Mỹ. Kết quả của những nỗ lực này là Mỹ đã đồng ý đàm phán với Việt Nam, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước được ưu tiên đàm phán. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn và chỉ đạo xây dựng phương án đàm phán với tinh thần "lợi ích hài hòa-rủi ro chia sẻ."
Giữa bối cảnh đầy thách thức đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả ấn tượng trong những tháng đầu năm 2025. Báo cáo của Thủ tướng cho biết tăng trưởng GDP quý 1 ước đạt 6.93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025. Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ giá ổn định và mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3.2% và tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô.
Kết quả cập nhật, thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt trên 944 ngàn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26.3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD. Bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3.4 triệu tấn gạo. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện đạt trên 6.7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực, trong đó sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển. Cụ thể, công nghiệp khởi sắc, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức 2 con số (10.1%). Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Đáng chú ý, du lịch trở thành điểm sáng khi thu hút gần 7.7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay và tăng 23.8% so với cùng kỳ.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Những con số này cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế."
Động lực từ cải cách và đổi mới
Những thành tựu kinh tế đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2025 là kết quả của sự ứng phó kịp thời với các thách thức bên ngoài và những nỗ lực cải cách, đổi mới mạnh mẽ từ bên trong. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đồng thời thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên.
Để đối phó với những thách thức và tận dụng cơ hội, Chính phủ đã đề ra những quan điểm chỉ đạo, trong đó quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chú trọng 3 đột phá chiến lược. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5,000 USD, Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tập trung vào hai trọng tâm chính ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế. Trong đó, các đơn vị phải theo dõi sát tình hình quốc tế, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách Nhà nước, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước trên 15%.
Trên cơ sở đó, Chính phủ điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 4 - 4.5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược. Đặc biệt là khẩn trương triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi, dài hạn, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, các khu vực tiềm năng. Tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể kích cầu tiêu dùng trong nước. Chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững. Trên cơ sở đó, Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.
Về cải cách thể chế, trong năm 2025, chỉ tiêu đề ra bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công, đẩy nhanh số hóa, tăng cường tích hợp, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu.
Thủ tướng nhấn mạnh phải cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”.
Theo số liệu thống kê, trong quý đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 31.4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ nước này 4.1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ. |
Nhật Quang