Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, không "ôm đồm" và "làm thay" địa phương

date
17/05/2025 21:26

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, không "ôm đồm" và "làm thay" địa phương

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện nghị định về phân cấp, phân quyền, làm rõ vai trò từng cấp chính quyền. Tinh thần là "không bao biện, không làm thay", trao quyền gắn với kiểm soát chặt chẽ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho cấp nào sát thực tế, gần dân, sát dân, làm tốt hơn, hiệu quả hơn - Ảnh: VGP

Chiều 17/05, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch rà soát nhiệm vụ phân cấp, phân quyền thuộc phạm vi của các bộ, cơ quan ngang bộ khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời công bố quyết định thành lập ba tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng các nghị định này.

Chính phủ xác định có hơn 1,200 nhiệm vụ cần phân cấp, phân quyền. Việc rà soát tập trung toàn diện các luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng và thông tư chuyên ngành để đề xuất điều chỉnh phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền hai cấp. Các nghị định sắp tới sẽ làm rõ việc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo ngành, lĩnh vực.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị về phân cấp, phân quyền, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị trong thời kỳ mới. Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật".

Người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế, từ luật, nghị định, thông tư và bám sát cho đến khi ban hành chính thức. Về nguyên tắc, phải triệt để quán triệt tinh thần phân quyền từ trên xuống dưới, gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thủ tướng nêu rõ: "Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho cấp nào sát thực tế, gần dân, làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Không biết thì không quản, không ôm đồm, không bao biện, không làm thay và chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong tổ chức thực hiện".

Bên cạnh phân quyền cho địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trung ương đóng vai trò kiến tạo, tập trung thực hiện sáu nhóm nhiệm vụ: xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng thể chế, pháp luật để quản lý và kiến tạo phát triển; xây dựng chính sách huy động nguồn lực; thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát quyền lực; đánh giá thực tiễn, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tốt; thực hiện thi đua, khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, công bằng, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu các nghị định sắp tới phải xác định rõ chủ thể, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục thực hiện; bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực để địa phương thực hiện chủ động, sáng tạo, tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Thủ tướng giao Thường trực Chính phủ và Tổ công tác Ban Chỉ đạo làm việc trực tiếp với các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để rà soát, đôn đốc, tổ chức thẩm định các nội dung và dự thảo nghị định. Các bộ, cơ quan ngang bộ phải hoàn tất rà soát và báo cáo trước ngày 30/05. Các nghị định cần được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ ban hành để thực hiện ngay khi bộ máy mới vận hành. Sau đó, các quy định tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện với tinh thần "không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung dần".

Tùng Phong

FILI - 20:24:47 17/05/2025