Thủ tướng yêu cầu "thần tốc, táo bạo" triển khai các dự án đường sắt trọng điểm

date
05/05/2025 06:15

Thủ tướng yêu cầu "thần tốc, táo bạo" triển khai các dự án đường sắt trọng điểm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 213 ngày 04/05/2025, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP

Thông báo cho biết Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương phát triển ngành đường sắt, bao gồm nâng cấp các tuyến hiện có, tiếp tục các dự án bị dừng hoặc giãn tiến độ, cũng như triển khai các dự án quy mô lớn. Trong đó, đáng chú ý là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến kết nối với Trung Quốc và các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.

Để cụ thể hóa chủ trương, Quốc hội đã ban hành ba Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 172 về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Nghị quyết số 187 về tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; và Nghị quyết số 188 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.

Tại phiên họp lần thứ nhất, Thủ tướng đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thủ tục đầu tư. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết phần lớn nhiệm vụ đã được thực hiện đúng tiến độ, tuy nhiên việc triển khai dự thảo Nghị quyết liên quan đến Nghị quyết 188 tại Hà Nội và TPHCM còn chậm.

Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, đồng thời biểu dương Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và UBND TP Hải Phòng đã chủ động triển khai nhiệm vụ. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chuẩn bị tài liệu và báo cáo công phu của Bộ Xây dựng trong bối cảnh khối lượng công việc lớn, thời gian chuẩn bị ngắn.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới là rất nặng nề, tiến độ yêu cầu gấp, đặc biệt với Bộ Xây dựng. Các cơ quan cần huy động tối đa nguồn lực cho các dự án, rà soát và tăng cường nhân lực từ cơ quan quản lý nhà nước, ban quản lý dự án đến đơn vị tư vấn.

Thủ tướng yêu cầu tập trung ba nhóm nhiệm vụ lớn. Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động đa dạng nguồn vốn, gồm ngân sách trung ương, địa phương, vốn vay, trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư… Các chính sách cần được cập nhật kịp thời, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phân cấp, cắt giảm thủ tục đầu tư, đồng thời phát triển công nghiệp đường sắt và làm chủ công nghệ phù hợp điều kiện Việt Nam.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến kết nối Trung Quốc, tuyến liên vùng kinh tế trọng điểm và đường sắt đô thị. Công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư phải được xử lý khẩn trương, ưu tiên lựa chọn hướng tuyến theo nguyên tắc "ngắn nhất, thẳng nhất có thể; qua núi làm hầm; qua sông bắc cầu".

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả vận hành; áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM), đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, huy động doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có năng lực tham gia. Việt Nam cần tiếp cận, tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ, quản trị thông minh để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành đường sắt.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, bộ, ngành, địa phương triển khai công việc với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa", phát huy trách nhiệm, phân công rõ ràng, hành động quyết liệt, tạo động lực và truyền cảm hứng. Các cơ quan cần bám sát định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng để đảm bảo tiến độ đồng bộ các dự án.

Kế hoạch cụ thể đặt ra là khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025 và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải tuyệt đối tránh tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hoàn thiện Nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù trong đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đảm bảo trình Quốc hội tại kỳ họp ngày 05/05/2025. Đồng thời, xây dựng Quyết định của Thủ tướng về danh mục hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt và Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp thực hiện, hoàn thành trước ngày 15/06/2025.

Bộ Xây dựng cũng được giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành đường sắt trong tháng 6/2025; làm việc với các bộ, Tập đoàn Viettel, VNPT để lựa chọn phương án doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ tín hiệu thông tin ngành đường sắt.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần hoàn thiện Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188 với Hà Nội và TPHCM trước ngày 15/05/2025; xây dựng và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các dự án đường sắt trong tháng 5/2025.

Bộ Tài chính rà soát nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, báo cáo Thủ tướng trong tháng 5/2025; tiếp tục xây dựng Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định về việc sử dụng, hoàn trả rừng phục vụ thi công công trình tạm, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh Nghị định phát triển khoa học công nghệ đường sắt, quy định việc nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ theo thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 5/2025. Bộ này cũng phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các dự án đường sắt trong cùng thời gian.

Bộ Công Thương được giao hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 6/2025; chủ trì cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam hướng dẫn chủ đầu tư các dự án điện khí hóa về cấp điện và hệ thống điện cho các tuyến đường sắt.

Tùng Phong

FILI - 05:13:00 05/05/2025